Wikileaks tiếp tục tiết lộ nhiều thông tin 'động trời'

Thứ Tư, 08/07/2015, 09:00

Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange đã thực hiện tuyên bố với đài TF1 hôm 24/6 "đây mới chỉ là sự mở đầu của một loạt tiết lộ mới", khi tiếp tục tiết lộ các thông tin "động trời" về những việc làm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ  (NSA).

Ngày 4/7, hãng AFP dẫn thông tin từ trang WikiLeaks cho biết, ngoài việc nghe lén điện thoại của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, NSA còn đưa nhiều chính trị gia và quan chức tài chính hàng đầu của nước này vào "tầm ngắm".

Theo WikiLeaks, NSA đã đưa 29 số điện thoại của thành viên chính phủ Brazil (cả trợ lý, thư ký cùng điện thoại trong văn phòng Tổng thống và trong chuyên cơ của bà Dilma Rousseff) vào danh sách bị giám sát. Điều đáng nói là tiết lộ này diễn ra sau khi Tổng thống Dilma Rousseff vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ sau vụ bê bối nghe lén gần 2 năm trước từng khiến quan hệ song phương bị rạn nứt.

Trong tuyên bố hôm 30/6 khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Tổng thống Dilma Rousseff cho rằng "mọi thứ đã thay đổi" từ tháng 10-2013 - thời điểm bà hủy chuyến thăm chính thức tới Mỹ do vụ bê bối liên quan tới hoạt động do thám của NSA. Nhưng tiết lộ mới của WikiLeaks đang khiến Mỹ và Brazil đều khó xử.

Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange.

Cũng trong ngày 4/7, hãng Sputnik và giới truyền thông Đức (như các kênh truyền hình WDR, NDR, Focus, Spiegel, N-TV và tờ Sueddeutsche Zeitung) đều dẫn tài liệu từ WikiLeaks cho biết, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và NSA đã nghe trộm điện thoại của các nhân viên trong Văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo đó, CIA và NSA đã nghe lén nhiều cuộc trao đổi điện thoại giữa cố vấn của Thủ tướng Đức về chính sách châu Âu Nikolaus Meyer-Landrut với cố vấn của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong nhiều năm. Và tiết lộ của WikiLeaks diễn ra cùng thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định (2/7), quan hệ Mỹ-Đức vẫn sâu sắc và mạnh mẽ, bất chấp bê bối do thám vừa bị công bố. Tuyên bố hôm 2/7 được đưa ra sau khi Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Peter Altmaier mời Đại sứ Mỹ tại Đức John Emerson đến giải thích về thông tin do WikiLeaks công bố - NSA không những nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel, mà còn theo dõi điện thoại và số fax của nhiều Bộ trưởng và quan chức cấp cao khác của nước này.

Theo tiết lộ của WikiLeaks, NSA đã theo dõi tổng cộng 69 số điện thoại và số fax của các quan chức cấp cao Đức. Danh sách bị theo dõi bao gồm các Quốc vụ khanh, các công chức hàng đầu và các bộ trưởng thuộc các bộ Tài chính, Nông nghiệp và Kinh tế. Ngày 2/7, Tổng Công tố liên bang Đức Harald Range thông báo, sẽ kiểm tra cụ thể về các thông tin do thám kể trên. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng cho rằng, Đức nên xem xét nghiêm túc những cáo buộc mới nhất.

Ngày 5/7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã yêu cầu Mỹ trung thực và cởi mở trong hợp tác tình báo. Trong khi đó, chuyên gia về nội vụ của đảng Xanh Hans-Christian Strobele đã chỉ trích chính phủ "khúm núm trước Mỹ", còn Chủ tịch Ủy ban Giám sát Quốc hội Andre Hahn (đảng cánh tả) lên án Thủ tướng Angela Merkel từ chối cung cấp cho quốc hội các thông tin liên quan tới bê bối do thám của Mỹ.

Vẫn theo tiết lộ của WikiLeaks, NSA đã do thám các cuộc trao đổi thông tin của 2 đời Bộ trưởng Tài chính Pháp là Francois Baroin và Pierre Moscovici, trong giai đoạn 2011-2014. Hãng AFP cũng vừa dẫn thông báo hôm 3/7 của Văn phòng Tổng thống Francois Hollande cho biết, Paris đã nhận được thư xin tị nạn của ông Julian Assange, nhưng không thể chấp thuận đề nghị của nhà sáng lập Wikileaks, bởi ông không lâm vào tình thế nguy cấp, hơn nữa lại là đối tượng bị truy nã ở châu Âu. Trong khi đó, tờ Le Monde đăng bức thư ngỏ của ông Julian Assange gửi Tổng thống Francois Hollande cho biết, tính mạng của mình đang bị đe dọa. Điều này đồng nghĩa với việc Pháp nuốt lời hứa không cho ông chủ Wikileaks tị nạn.

Sở dĩ nói như vậy vì trước đó Bộ trưởng Tư pháp Pháp Christiane Taubira từng tuyên bố trên kênh truyền hình Pháp BFMTV rằng, Paris có thể sẽ cho phép nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange tị nạn tại đất nước này, nhưng quyết định thuộc quyền của Tổng thống và Thủ tướng Pháp. Trước đó, người phát ngôn của Wikileaks, ông Kristinn Hrafnsson từng tuyên bố, Wikileaks không tin Pháp sẽ cho ông Julian Assange tị nạn, cho dù Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira đã tuyên bố khá hùng hồn về vấn đề này. Giới chuyên môn cho rằng, ông Julian Assange đã phạm sai lầm lớn khi kêu gọi Paris điều tra và truy tố vụ an ninh Mỹ đã lén theo dõi 3 đời tổng thống Pháp, sau khi WikiLeaks tiết lộ thông tin này.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.