Xác định tuổi người chết từ đôi mắt

Thứ Sáu, 31/07/2015, 09:00
Đôi mắt của con người được coi là "cửa sổ tâm hồn", nơi thu thập và ẩn chứa vô vàn thông tin đa dạng cho đời sống và khi con người chết đi, đôi mắt vẫn tiếp tục chứa đựng những thông tin có ý nghĩa to lớn, đặc biệt là đối với công tác kỹ thuật hình sự.

Trong thời gian qua, cảnh sát một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada… đã phát triển nhiều phương pháp xác định tuổi nạn nhân và đối tượng trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự và một trong những phương pháp đã thành công đó là xác định tuổi từ đôi mắt.

Thoạt tiên có thể ngạc nhiên khi nghĩ rằng, đôi mắt bất động của nạn nhân trong vụ án giết người có thể cung cấp thông tin về tuổi của người chết, đặc biệt trong trường hợp nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, không lấy được dấu vân tay, khuôn mặt và thân thể bị biến dạng nghiêm trọng, không xác định được danh tính, tên tuổi theo các phương pháp thông thường và cũng không có mẫu so sánh ADN.

Crystallins là chất cùng cấu tạo nên thủy tinh thể trong mắt người được hình thành từ khi sinh ra và chỉ khi chết thì chất này mới được ngừng tổng hợp. Cứ mỗi năm sống, lượng chất này lại được tổng hợp trong mắt với số lượng nhất định. Dựa trên phương pháp sử dụng giám định carbon để xác định tuổi của cây, các nhà kỹ thuật hình sự đã sử dụng crystallins dựa trên nguyên tắc hình thành chất có thể xác định tuổi chính xác của người chết.

Đôi mắt người chết vẫn chứa nhiều thông tin hữu ích.

Chất này hình thành và tồn tại trong cơ thể người không phụ thuộc môi trường sống, điều kiện thời tiết, khí hậu, giới tính, sắc tộc… Đồng thời, kể cả khi người chết, đôi mắt bị phân hủy thì chỉ cần thu được một lượng nhỏ chất crystallins, cảnh sát vẫn có thể xác định được tuổi của nạn nhân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hẹp diện truy nguyên, giúp xác định nhanh chóng được danh tính người chết, phục vụ làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Một điều thuận lợi nữa là việc thu thập, bảo quản crystallins khá dễ dàng khi nó không dễ bị phân hủy nên có thể lưu trữ trong một thời gian dài với điều kiện bảo quản không quá khó, giúp cơ quan điều tra có thời gian vận chuyển mẫu vật từ nơi rất xa, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn về phòng thí nghiệm. Ngoài việc xác định tuổi, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu những hướng đi mới để có thể thu thập được nhiều hơn các loại thông tin khác nhau từ đôi mắt của người chết phục vụ phá án, đặc biệt là các thông tin về nhân thân của chính chủ nhân đôi mắt đó như về giới tính, sắc tộc, nơi cư trú…

Phục vụ hữu ích công tác truy nguyên.

Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được chính xác cơ chế hình thành và đưa ra được công thức tính toán, xác định tuổi chính xác đến 99% dựa trên crystallins thu được từ trong mắt người. Phương pháp này đã và đang được nhiều lực lượng cảnh sát các nước nghiên cứu, ứng dựng vào công tác kỹ thuật hình sự, góp phần phá thành công nhiều vụ án tưởng chừng bế tắc.

Tuy nhiên, hiện nay quy trình vận hành giám định khá phức tạp, đòi hỏi trình độ rất cao với máy móc chưa gọn nhẹ, chi phí khá cao và mất khá nhiều thời gian kể từ khi thu thập mẫu vật đến khi có kết quả giám định, khó phục vụ truy nguyên theo dấu vết nóng được, do vậy cần nhiều cải tiến và giảm giá thành, giảm thời gian cho kết quả thì mới có thể trở nên phổ dụng trong hoạt động cảnh sát thời gian tới và là một hướng đột phá trong công tác kỹ thuật hình sự tương lai.

Đoàn Oanh
.
.
.