Xe đò bị đòi "phí cầu đường"

Thứ Hai, 26/12/2016, 10:38
Ở El Salvador, các băng đảng tội phạm như Mara Salvatrucha (MS-13) hoặc Băng Đường 18 chuyên tống tiền các chủ hãng xe đò có xe chạy qua địa bàn do chúng kiểm soát. Chúng gọi đó là “tiền mua đường” hoặc là “phí cầu đường”.


Không như các tổ chức tội ác tầm cỡ thế giới, các băng đảng El Salvador không buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người tầm quốc tế, mà chỉ tập trung vào mảng chính là tống tiền và chỉ trong lãnh thổ El Salvador. Các băng đảng tội phạm này “làm trời”, vì ngày ngày dọa giết người để đòi “phí cầu đường”. Bên cạnh đó, chúng “làm chơi chơi” ở mảng bán ma túy nhỏ lẻ, bán súng và nuôi gái điếm.

Mỗi một người dám chống tội phạm

Trong các doanh nghiệp El Salvador, các công ty vận tải hành khách luôn có xe phải đi qua “lãnh thổ” của các băng đảng, nên họ đều là mục tiêu tống tiền đòi “phí cầu đường” nộp cho bọn tội phạm. 5 năm qua, lái xe buýt nguy hiểm hơn chống lại bọn băng đảng: chúng đã giết 692 tài xế và 93 cảnh sát.

Genaro Ramirez, chủ một hãng xe đò và là cựu nghị sĩ Quốc hội El Salvador, tính rằng ông đã nộp tổng cộng 500.000 USD cho bọn tội phạm tống tiền trong 19 năm qua. Ông nói: “Đấy là vấn đề sinh tử. Khi chúng dọa giết thì bạn chẳng còn lựa chọn nào khác”.

Từ năm 2013 đến 2015, cảnh sát nước này nhận 7.506 báo cáo bị tống tiền, và chính quyền nói đấy chỉ là một phần nhỏ của tổng số vụ. Cùng thời gian đó, 424 tên băng đảng bị buộc tội tống tiền, đa số là lũ đàn em “cắc ké” đảm nhiệm nhận tiền và bị bắt quả tang.

Đám ma một tài xế xe đò bị MS-13 giết.

Chuyện các hãng xe đò bị tống tiền “mua đường” phổ biến đến độ vài nhân viên có nhiệm vụ chính: thương lượng với các băng đảng vốn luôn nâng mức “phí cầu đường” và đòi “bồi dưỡng” thêm như quà dịp lễ Giáng sinh (Noel), hoặc xe buýt phải chạy không công đưa chúng đi tắm biển hoặc đi dự đám ma đồng bọn.

Chỉ có một giám đốc công ty vận tải hành khách dám không nộp tiền mãi lộ: Catalino Miranda sở hữu hàng trăm đầu xe đò. Từ năm 2004, các băng đảng đã giết 26 nhân viên của ông, nhưng ông không chịu đầu hàng. Ngồi trong văn phòng với khẩu súng ngắn 9 mm đặt trên bàn, đạn và áo giáp để trong góc, ông nói: “Tôi đã nói thẳng với một tên đại diện, rằng cứ việc giết nhân viên của tôi, chuyện đó chẳng thể làm mãi mãi”.

Mỗi tháng, ông Miranda chi 30.000 USD cho khâu an ninh, gắn máy quay phim trên xe và ở bãi đỗ, và thuê 8 bảo vệ có trang bị vũ khí tấn công  đi tuần tra ở các địa bàn của bọn băng đảng mà xe của ông chạy qua. Khi nhân viên bị giết, ông thuê thám tử tư điều tra vì “nhà nước không có khả năng bảo vệ nhân chứng. Họ lợi dụng và bỏ mặc chúng tôi”.

Thông tin tống tiền “viết bằng đạn chì”

Tuy nhiên, chống lại bọn băng đảng không là giải pháp tốt cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhiều người sống ở các vùng ngoại ô do chúng kiểm soát, nên không thể thoát khỏi sức ép “nộp phí cầu đường”. Đấy là hoàn cảnh của một người chủ xe buýt bị giết hồi hè 2015.

Băng MS-13 đã chuyển một thư viết tay đến một chủ hãng xe đò: “Này, bọn tao chẳng đùa. Lo gom tiền đi. Nếu không, bọn tao đốt xe của mày”. Lúc 4 giờ sáng một ngày hè năm 2015, hai tên chặn đường ông đang từ công ty về nhà. Ông năn nỉ tha mạng vì có con,  trước khi bị chúng tóm, đè xuống đất rồi bắn một phát vào vai, phát vào bụng và hai phát tiếp vào mặt. Con trai ông nói, đấy là cách chúng gởi thông tin tống tiền “viết bằng đạn chì”.

Hai cha con sở hữu hai chiếc xe buýt. Nhưng người cha đã quá mệt mỏi vì bị tống tiền, cuối cùng đã quyết không “nộp phí” 1USD/ngày cho bọn tội phạm, suốt 3 tuần trước khi ông bị chúng giết. 

Người con 38 tuổi kể với phóng viên New York Times, anh luôn thủ một khẩu súng, kể cả khi ngủ. Cha anh là một trong 154 nhân viên vận tải bị mất mạng vì bọn băng đảng tống tiền trong năm 2015. Và anh có thể là nạn nhân kế tiếp khi kể lại câu chuyện, vốn bắt đầu vào chiều nọ năm 2004: hai tên trẻ nhảy lên một xe đò, đòi tài xế trình bằng lái và giấy đăng ký xe, tiếp đó trao một điện thoại di động trả trước cho tài xế rồi chúng xuống xe.

Khi người tài xế hoảng loạn về đến trạm, chuông điện thoại reo. Ở bên kia, một giọng nói yêu cầu mỗi 10 đầu xe phải nộp 10 USD/tuần. Hai cha con cùng các chủ xe, bàn chuyện nhau có nên báo cảnh sát. Nhiều nạn nhân không muốn thế, vì điều tra tống tiền sẽ buộc họ phải đóng tiền cho các băng đảng, trong khi cảnh sát theo dõi và thu thập chứng cứ. Nhưng bọn chúng luôn phát hiện và nạn nhân lại bị dọa hoặc bị giết ngay trước khi cuộc điều tra hoàn tất. Dù vậy, cha con ông chủ hãng xe đò quyết báo cảnh sát. Lập tức hai thanh tra “cắm” ở trạm đến, giả làm chủ xe và thương lượng mỗi đầu xe nộp 1 USD/ngày với bọn băng đảng.

Nhóm chỉ huy MS-13 ở nhà tù Ciudad Barrios.

Trong 3 năm kế, cảnh sát đã bắt 3 tên trùm, gồm một tên sống cạnh nhà ông chủ hãng xe. Cuộc điều tra mở rộng sang các tội phạm khác và kéo dài, các tài xế phải nộp tiếp “phí cầu đường”. Tình hình ngày càng xấu đi, từ năm 2004 đến 2012, băng MS-13 giết 5 tài xế chết ngay trên hành trình của họ, 1 cảnh sát nhận lệnh điều tra cũng bị giết. Năm 2012, MS-12 đã vây nhà, toan giết ông chủ hãng. Và sau khi ông chết, chúng tăng mức “phí cầu đường” lên 1,5 USD/ngày. Người con trai đành bán chiếc xe...

Chiến dịch “Chiếu tướng”

Đêm 27-7-2016, Cảnh sát El Salvador lần đầu tiên tấn công vào “thủ phủ tài chính” của MS-13, bọn xã hội đen đã khiến đất nước này mang tiếng là “thủ phủ giết người của thế giới”.

1.127 cảnh sát được triển khai tham gia chiến dịch “Chiếu tướng”, khám xét nhiều hoạt động vỏ bọc của chúng như đại lý bán xe hơi, quán bar, nhà trọ và nhà thổ. Rồi lực lượng tổ chức họp báo để báo cáo thành tích lớn với giới truyền thông: tịch thu nhiều xe đò, xe con, bắt 77 nghi can được xác định là “nhân viên tài chính” và cộng tác viên của MS-13. Trong số bị bắt có tên trùm Marvin Ramos Quintanilla và 2 tên trùm khác được cho là kiểm soát hàng triệu USD và sở hữu nhiều nhà sang.

Vụ báo cáo thành tích này hơi quá, ví dụ tên trùm Quintanilla không hề sống như vua, thuê một ngôi nhà xuống cấp lợp mái tôn ở một vùng ngoại ô thủ đô San Salvador mà giá thuê nhà hiếm khi đạt tới số tiền 400 USD. Hắn cũng làm chủ hai chiếc xe cũ rích: một chiếc Honda Civic và một chiếc xe tải Nissan.

 Tướng cảnh sát Howard Cotto ước tính có từ 50 đến 70 trùm “thu vén cá nhân”, nhưng chỉ đủ để gia đình chúng “thoát nghèo, thoát cảnh đông con, không bị bệnh tật và có cơ hội trong tương lai”. Ông thừa nhận: “Tôi không thể nói bọn trùm sống trong các ngôi nhà sang”.

Thực tế là đa số bọn trùm sẽ sống phần đời còn lại trong tù, trong phòng biệt giam hoặc bị giam chung xà lim hôi bẩn với hàng chục tù phạm khác.

Trước đây, Cảnh sát El Salvador chỉ thường tổ chức những cuộc khám xét nhằm làm tê liệt MS-13 về mặt kinh tế: vào nửa đêm, họ mời phóng viên đài truyền hình nhà nước đi cùng, đạp cửa những ngôi nhà tồi tàn ở những cụm dân cư nghèo rồi bắt giữ, trưng bày những gã đàn ông cởi trần khoe thân trên đầy dấu xâm để báo giới chụp ảnh, đưa tin.

Mafia của người nghèo

Có sự hợp tác của báo New York Times, báo điện tử El Faro ở San Salvador đã tìm cách vạch trần bí mật xung quanh chuyện tài chính-kinh tế của những băng đảng tội phạm đang khủng bố El Salvador, một quốc gia đang nếm trải mức độ bạo lực chết người mà các vùng chiến sự không thể sánh bằng: năm ngoái, có 103 vụ án mạng trên 100.000 dân, so với ở Mỹ chỉ có 5 vụ.

El Salvador có khoảng 6,5 triệu dân, trong đó có 60.000 thành viên các băng đảng tội phạm vốn nắm quyền lực tùy theo số nhân sự. Chúng duy trì sự hiện diện đầy đe dọa ở 247/262 thành phố, tống tiền khoảng 70% các doanh nghiệp. Chúng còn “giải tỏa” các cụm dân cư, lùa hàng ngàn người lao vào những hành trình nguy hiểm trốn qua Mỹ.

Hoạt động bạo lực của bọn chúng khiến El Salvador mất 4 tỉ USD/năm, theo một báo cáo của Ngân hàng Dự trữ trung ương của nước này. Nhưng báo cáo nêu MS-13 và các băng đảng đối thủ không phải là những tập đoàn tội ác tân kỳ, không cùng kiểu hoạt động tài chính như các tập đoàn tội ác trị giá hàng tỉ USD ở Mexico, Nhật và Nga.

Vì chúng là “Mafia của người nghèo”, dù “bọn ruồi” này đã buộc người làm ăn ở El Salvador phải quỳ gối khiếp sợ. Trong 4 năm trước chiến dịch “Chiếu Tướng”, món tiền lớn nhất bị tịch thu từ một cuộc truy quét chống tống tiền chỉ là 6.377 USD. Vài vụ chỉ tịch thu được 5 USD. 

Từ năm 2012 đến 2015, tổng số tiền tịch thu từ những vụ khám xét chống tống tiền là 34.664 USD, một con số quá nhỏ đến mức phi lý, trong khi Mỹ xếp MS-13 là một tổ chức tội phạm toàn cầu, ngang tầm bọn Zetas ở Mexico hoặc Yakuza ở Nhật Bản.

Nora Montoya, một quan tòa xử nhiều vụ tống tiền trong hàng chục năm, nói: “Tôi chưa bao giờ xử vụ nào liên quan một số tiền lớn cần thiết để duy trì tổ chức tội ác”. Tướng cảnh sát Cotto nói chữ “băng đảng ma túy” là “nhạy cảm” và có thể bị hiểu lầm rằng bọn băng đảng đường phố dính líu trực tiếp với bọn Zetas trong việc chuyển ma túy từ Nam Mỹ vào Mỹ.

Vì dù các băng đảng này có bán ma túy, chúng chỉ hoạt động như tay buôn lẻ góc đường, không phải là một đường dây qui mô. Từ năm 2011 đến 2015, cảnh sát chỉ tịch thu được 13,9 kg cocain từ các băng đảng (chưa đầy 1% trong tổng số ma túy tịch thu được). Một tay buôn kỳ cựu nói các tổ chức buôn lậu ma túy không muốn dính líu với các băng đảng đường phố này, vì chúng thường “manh động, không dễ tin cậy, nhà buôn sỉ không muốn bán cho chúng vì không tin chúng”.

Khoảng 10 năm trước, cảnh sát tịch thu được một sổ cái kế toán của tên lập ra MS-13 là José Luis Mendoza Figueroa, trong đó không có bằng chứng về buôn ma túy. Mà chỉ là những biên lai hàng tuần có số tiền trung bình 14 USD, do bọn đàn em “cắc ké” thu, và bản kê các khoản chi mua đạn (8 USD) đi taxi (25 USD), tiền tổ chức tiệc Noel rượu và “50 USD nuôi bọn bị tù”.  

Ông chủ xe đò Miranda thủ súng ngắn trong phòng làm việc.

Hai năm trước, cảnh sát cũng tịch thu được một sổ cái kế toán của thủ quỷ một nhánh MS-13 ở đông nam El Salvador. Khoản chi một ngày là 30 USD để mua thẻ điện thoại, 10 USD chi cho “vợ sếp”, 35 USD “cho một phụ nữ khác” và 10 USD mua thức ăn.

Nguồn thu hàng năm của MS-13 ước tính khoảng 31,2 triệu USD. Con số này dựa theo thông tin trong báo cáo “Chiến dịch Kiểm soát” mà trang tin El Faro có độc quyền tiếp cận.

Các cuộc điện thoại bị ghi âm cho thấy trùm MS-13 lệnh cho 49 chương trình” phải nộp toàn bộ số tiền kiếm được trong một tuần (của tháng 4-2016). Tổng khoản tiền nộp về là 600.852 USD. Số tiền này nghe thì to, nhưng nếu chia đều cho khoảng 40.000 thành viên MS-13, mỗi tên chỉ kiếm được 15 USD/tuần và khoảng 65 USD/tháng. Đấy chỉ là một nửa mức lương ngày của một người làm ruộng.

Nhưng  MS-13 và đối thủ của nó là Băng đảng Phố 18: chúng không chia đều nguồn tiền kiếm được. Chúng dùng tiền để “mua” luật sư, chi cho dịch vụ mai táng, mua súng đạn và “hỗ trợ” những tên đang thụ án tù dài hạn và gia đình của nhóm tù phạm này.

Chủ trương của chúng là một nền kinh tế đủ sống, dù nhiều tên lãnh đạo phớt lờ chủ trương này. Rolando Monroy, cựu công tố viên từng điều tra những vụ rửa tiền ở El Salvador cho đến năm 2013, nói: ”Các băng đảng này đều theo đuổi chỉ một mục đích: kiếm cái gì đó để ăn”.

Ngày nọ năm 2014, “đại bàng” bị tù của Băng Đường 18 tên Chiki từ trong nhà tù Izalco gọi điện thoại (bị nghe lén) ra lệnh cho đàn em “Rậm Lông” thực hiện một vụ đòi tiền “phí cầu đường” 100 USD ở tỉnh nọ. Nếu bị bắt quả tang, “Rậm Lông” có thể bị án 20 năm tù, nhưng nếu lấy được tiền, hắn được 2 USD “để mua gì ăn” và cứ gọi “Thằng Điên” giao sữa và trứng cho con hắn, theo lời kể của Chiki đang bị tù vì tống tiền.

Chiki tên thật là José Luis Guzman, xếp thứ ba trong nhóm đầu gấu chỉ huy nhánh Nam của Băng Đường 18 ở miền Đông El Salvador. Một cuộc điện thoại khác bị ghi âm cũng cho biết một tên chỉ huy cấp cao hơn là Carlos Ernesto Mojica, dính líu những vụ thương lượng với một bà bán thịt gà muốn được giảm phí “bảo kê” từ 400 USD xuống 200 USD/tháng.

Đàn em “cắc ké” bị bóc lột

Công tố viên trưởng Doulas Melnendez dùng các chữ  “sang trọng, đầu tư, hàng triệu USD ”để chỉ sự giàu có của bọn trùm, là nhờ bí mật làm giàu, từ việc bóc lột sức lao động của bọn đàn em đi tống tiền nhưng chỉ được chia chút đỉnh, dù các trùm rao giảng “tinh thần đạo nghĩa giang hồ anh em sống có nhau”.

Thực ra, “tài sản sang trọng” chỉ là 22 xe cũ nhập khẩu, mỗi chiếc có giá 8.000 USD. Tổng số tiền bị tịch thu là 34.500 USD. Khoản đầu tư chỉ vào một quán bar bán rượu tequila, một khu nhà ở cho tầng lớp lao động ở thủ đô, một quầy bán rau tại một chợ miền quê, một nhà hàng ăn chỉ có vài nhân viên bưng bê những xô đựng chai bia cho khách.

Tinh thần anh em bình đẳng cấm “tư lợi từ sức lao động của anh em, và người vi phạm sẽ bị giết chết”, theo một trùm của Băng Đường 18 cho biết. Như vậy, ngay cả một quầy rau cũng là một vụ đầu tư nguy hiểm. Các cuộc điện thoại bị nghe lén trong chiến dịch “Chiếu Tướng” cho thấy vài trùm tự nộp phí “bảo kê” các doanh nghiệp riêng của chúng cho chính băng đảng, nhằm giấu sự liên quan của chúng với hoạt động làm ăn đó. 

Tiểu quỷ Hollywood

Khi chính quyền El Salvador lập bảng cơ cấu tổ chức của MS-13, họ luôn đưa ảnh truy nã Borromeo Henriquez Solerzano, 38 tuổi lên vị trí cao nhất. Tên này có biệt danh Tiểu Quỷ Hollywood (El Diablito de Hollywood) và nếu bọn trùm làm giàu bằng cách bóc lột “sức lao động” của bọn đàn em đi tống tiền, thì hắn phải là “trùm của các trùm”.

Nhưng hắn lại không phải “trùm của các trùm”. Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, gia đình Tiểu Quỷ cùng hàng ngàn đồng bào chạy giặc khỏi cuộc nội chiến El Salvador, và định cư ở các vùng ngoại ô Los Angeles (Mỹ) do các băng đảng tội phạm Mexico kiểm soát. MS-13 hay Mara Salvatrucha ra đời ở đó.

Cuối những năm 1990, như một phần cuộc tấn công các băng đảng và “tội phạm nước ngoài”, Mỹ dùng máy bay chở nhiều tên tội phạm sinh ở Mỹ về El Salvador cùng các nước Trung Mỹ khác.

Tiểu Quỷ trở về quê nhà trong một chuyến trục xuất, khi còn là một thiếu niên, nhưng vì lớn lên trong môi trường MS-13 (nay vẫn có những nhánh con tự trị ở các nước Trung Mỹ và ở bang California) Tiểu Quỷ láu lỉnh và lắm mồm nhanh leo lên ngôi quyền lực.

Chuyện ngồi tù từ năm 1998- sau khi bị tuyên án 30 năm tù vì tội giết người-càng khiến Tiểu Quỷ có “số má”. Ngay khi bị nhốt, hắn gọi một trong những “đại bàng” xà lim thuộc MS-13 đến gặp hắn. Lúc đó, băng đảng này không có nguồn thu ổn định, dù thành viên bán ma túy ở các góc đường, trộm vặt và tống chút tiền của tài xế xe đò. Nhưng hắn nói với “đại bàng rằng hắn có kế hoạch kiếm tiền, và phải thể chế hóa “cơ cấu tống tiền”trên toàn El Salvador.

Tiểu Quỷ đòi “đại bàng” phải chấp nhận kế hoạch hoặc phải ra đi, vì MS-13 không tha bọn phản đối. “Đại bàng” cho đàn em biết “chỉ đạo mới” và vài năm sau, “đại bàng” rời khỏi MS-13, di cư đến thủ đô Washington của Mỹ, nơi hắn đang làm chủ một doanh nghiệp nhỏ ở một khu ngoại ô của người El Salvador.

Như Tiểu Quỷ, đa số trùm đều hoạt động sau song sắt nhà tù. Thông qua điện thoại di động và các chuyến thăm của luật sư, chúng giữ quyền kiểm soát băng đảng của chúng, tiền kiếm được và những tàn phá do chúng gây ra.

Điều này trở nên rõ ràng đến lạnh lưng vào năm 2012, khi Chính phủ El Salvador thương lượng “ngưng chiến” với các băng đảng, Tiểu Quỷ nổi lên như “người phát ngôn” của MS-13. Bọn chỉ huy từ trong tù ra lệnh: ngưng giết người. Ngay sau đó, tỉ lệ án mạng giảm 60% và duy trì như thế cho đến khi thỏa thuận tai tiếng giữa chính phủ với các băng đảng kết thúc năm 2014.

Trong thời gian “ngưng chiến”, một nhóm nhà báo El Faro được phép phỏng vấn các trùm ở nhà tù Ciudad Barrios đầy bọn MS-13. Tiểu Quỷ cho biết hắn sống từ tiền thăm nuôi của người thân sống ở Mỹ, và của một người em trai bán xe cũ ở El Salvador. Hắn khẳng định số tiền nhận được không từ tống tiền.

Vào năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ xếp MS-13 là một tổ chức tội phạm liên quốc gia, cùng với 4 băng đảng khác là Zetas (Mexico), Yakuza (Nhật) Vòng anh em (Nga) và Camorra (Ý). MS-13 là băng đảng đường phố đầu tiên nhận sự xếp loại này.

Năm 2013, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt chính Tiểu Quỷ: cấm công dân Mỹ làm ăn với hắn, trong khi FBI được phép niêm phong nguồn tài chính của hắn. Không rõ nhà đất, tài sản ở Mỹ của hắn có bị niêm phong hay chưa.

Vợ hắn là Jenny Judith Corado cũng bị cấm vận và năm 2013, chính phủ El Salvador bắt thị, buộc tội thị là một thành viên chuyên tống tiền của MS-13. Nhưng họ không chứng minh được sự dính líu của thị, nên thị được trả tự do và bị buộc nộp một khoản tiền mà quan tòa cho là từ tống tiền mà có: 50 USD.

Nay, xem ra Corado không hưởng cuộc sống sang giàu,tiện nghi. Thị cùng các con bán quần áo cũ và đồ lót ở quầy hàng trong một ngôi chợ sầm uất  ở San Salvador.

“Cắc ké” nhí phải “kiếm thêm”

Theo một qui định nội bộ, chỉ có lãnh lạo có thể lên tiếng, nhân danh Băng Đường 18. Nhưng ở tỉnh  La Paz, một trong những nhánh bạo lực nhất El Salvador, đã có một tên 15 tuổi dám thách thức qui định này.

Tỉnh La Paz chuyên trồng mía là địa bàn béo bở cho các băng đảng tống tiền. Liên hiệp các nhà trồng mía hồi tháng 6 nói các thành viên trong 5 tháng gần đây đã phải nộp 1,5 triệu USD “phí bảo kê”. Toàn bộ số tiền này không đến tay bọn “cắc ké”, nên nhóc phải tự “kiếm thêm” nhưng không tống tiền hàng xóm. Mỗi tháng nhóc kiếm được 40 USD “chỉ vừa đủ ăn” vì người mẹ 14 con không thể nuôi nổi đàn con đông đúc. Đến tháng 10, nhóc bị bắt khi đang “kiếm thêm” và đối mặt 15 năm tù.

Như nhiều tên trẻ khác, nhóc là một “chiến binh” sẵn sàng liều mạng bảo vệ lãnh địa mà không hưởng một xu nào. Bọn trùm hưởng lợi từ hàng chục ngàn thiếu niên không tư lợi này, chỉ thích được tôn trọng và cảm giác được là một thành viên của nhóm quyền lực.

Nhóc được giao nhiệm vụ đòi tiền “phí cầu đường” vặt, mỗi tháng thu 15 USD từ mỗi trong 3 xe tải chở thức ăn rồi nộp cho “sếp”. Những khoản tiền này dùng để mua vũ khí, và nhóc cũng thủ 1 khẩu súng 9 ly để “đi tuần” nhiều tối.

Nhóc không hề đi học, mù chữ, nếu chịu đi trồng mía thì dù cực vẫn có thể kiếm được 100 USD/tháng. Nhưng vì bị bắt nạt từ lúc 13 tuổi, nhóc cho rằng cần có được “danh dự”, nên nhập Băng Đường 18: “Từ đó, chẳng thằng nào dám đánh tôi nữa”, nhóc nói và đề nghị giấu tên.

Khi bạo lực lên đỉnh cao năm 2015, nhiều cụm dân cư phải bỏ đi vì sợ băng đảng đe dọa. Cảnh sát không thể bảo đảm an ninh cho họ suốt ngày. Mãi cho đến tháng 7-2016, chiến dịch “Chiếu Tướng” là một trong những nỗ lực nhà nghề nhất của cảnh sát, nhiều quan chức nói bóng gió về tinh thần sẵn sàng triệt phá các băng đảng vốn là một hiện tượng phức tạp, có nguồn gốc sâu xa từ sự bất bình đẳng nghiêm trọng ở một đất nước mà 1/3 dân số sống nghèo.

Nhưng khi đề cao thành tích, Chính phủ El Salvador tiếp tục cho rằng các băng đảng là những tổ chức tội phạm tân kỳ, hành động dã man vì tham tiền. Tất cả bọn băng đảng đều bị xem là kẻ thù nên chính phủ tăng cường sử dụng vũ lực, giết 424 tên trong những vụ đấu súng trong năm nay. Hồi cuối tháng 10, Phó Tổng thống Oscar Ortiz đặt câu hỏi: “Nếu sử dụng vũ lực vào lúc không là đường lối đúng đắn, vậy thì phải làm gì ?”.

Chính phủ dẫn chứng là sự kéo giảm những vụ án mạng: giữa tháng 10 chỉ có 4.431 vụ, so với 5.363 vụ hồi tháng 10-2015. Nhưng đấy vẫn là số vụ cao thứ nhì tính từ năm 1995.

Trong chiến dịch “Chiếu Tướng”, chính phủ ráng mô tả bọn trùm MS-13 là những kẻ tư lợi ích kỷ. Sau đó, một thông điệp được gởi từ một nhà tù giam nhiều tên MS-13, với nội dung “phải xử lý” những tên phản bội, “chỉ điểm”, theo một quan chức Mỹ giám sát các băng đảng El Salvador cho biết.

Nhưng xem ra chưa có vụ giết người trả thù, xử lý nội bộ hay đào ngũ nào. Với một kẻ đã chán đời sống băng đảng, chẳng có chỗ nào cho kẻ đó trốn. Cũng không có trung tâm cải tạo để hắn trú ẩn, không có chương trình nào cho hắn tái hòa nhập xã hội, và không có chương trình tuyên truyền nào để thuyết phục giới trẻ không nộp mạng cho các băng đảng.

Vậy thì chỉ có một lối thoát mà những tên tội phạm đã xịt sơn lên những bức tường nhà trên toàn El Salvador:  “Ở tù hoặc ra nghĩa trang”.

Vĩnh Thụy ( theo New York Times)
.
.
.