Xét xử vợ chồng cựu Tổng thống Cote d'Ivoire

Thứ Tư, 03/02/2016, 15:00
Cựu Tổng thống Cote d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) ông Laurent Gbagbo - đã trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Hay, Hà Lan xét xử kể từ khi ICC được thành lập 13 năm trước (2003-2016).


Và tại phiên tòa hôm 28-1, các công tố viên ICC đã cáo buộc ông Laurent Gbagbo vi phạm nhân quyền và phạm những tội ác chống lại loài người liên quan tới các vụ xung đột và bạo lực đẫm máu diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2010 tại Cote d'Ivoire. 

Từ cáo buộc của cựu Tổng thống

Theo các cáo trạng tại ICC, cựu Tổng thống Laurent Gbagbo là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo lực đẫm máu ở Cote d'Ivoire hơn 5 năm trước, khiến trên 3.000 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Theo giới truyền thông, ông Laurent Gbagbo bị buộc tội tổ chức chiến dịch bạo lực nhằm bảo vệ chiếc ghế Tổng thống sau khi thất cử trước ứng cử viên đối lập Alassane Ouattara (hiện là Tổng thống Cote d'Ivoire). Mặc dù ông Alassane Ouattara được cộng đồng quốc tế công nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2010, nhưng ông Laurent Gbagbo không chấp nhận chuyển giao quyền lực, khiến bạo động xảy ra làm hơn 3.000 người chết.

Khi đó, ông Laurent Gbagbo cho rằng, có gian lận trong bầu cử và kiểm phiếu, nên từ chối bàn giao quyền lực cho ông Alassane Ouattara. Ngày 28-12-2010, Tổng thống của 3 nước Tây Phi (Benin, Sierra Leone và Cape Verde) đã đáp máy bay tới Cote D'Ivoire để yêu cầu ông Laurent Gbagbo từ chức. Bởi theo kết quả công bố của Ủy ban bầu cử Cote D'Ivoire hôm 2-12-2010, ông Alassane Ouattara giành chiến thắng và việc này được các nước châu Phi láng giềng, Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu công nhận.

Khi đó Liên hợp quốc cũng cho biết, 3 tướng trung thành với ông Laurent Gbagbo đã đàm phán điều kiện đầu hàng để tìm lối thoát an toàn cho cựu Tổng thống và họ, nhưng bất thành.

Cựu Tổng thống Cote d’Ivoire Laurent Gbagbo trình diện tại Toà án La Haye.

Và cựu Tổng thống Laurent Gbagbo tuyên bố mình vô tội sau khi công tố viên ICC kết thúc bản luận tội tại toà án ở La Haye, Hà Lan hôm 28-1. Luật sư cho ông Laurent Gbagbo chỉ trích bên công tố đã phạm nhiều thiếu sót, điều tra thiên vị, bỏ qua nhiều bằng chứng minh oan cho thân chủ. Còn bên ngoài toà án ở La Haye, hằng trăm người biểu tình đòi thả ông Laurent Gbagbo.

Những người ủng hộ cho rằng, ông Laurent Gbagbo là "nhà ái quốc nhiệt tình, nạn nhân của một âm mưu khuynh đảo do Pháp chỉ đạo". Được biết, trước khi khai đình xét xử cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, ngày 3-6-2013, ICC đã thông báo với cơ quan chức năng Cote D'Ivoire thu thập thêm bằng chứng. 

Bởi ICC muốn xét xử cựu Tổng thống Laurent Gbagbo với các tội danh chống lại loài người. Vì theo thống kê của Liên hợp quốc, làn sóng bạo lực kéo dài hơn 4 tháng (từ cuối tháng 11-2010 đến thượng tuần tháng 4-2011) đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. 

Bạo lực vẫn chưa chấm dứt kể cả khi ông Laurent Gbagbo bị bắt hôm 11-4-2011, sau khi các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Alassane Quattara phối hợp với binh lính Pháp và Liên hợp quốc đột kích vào dinh Tổng thống được bảo vệ cẩn mật tại thành phố Abidjan.

Và chính phủ của Tổng thống Alassane Ouattara đã mở cuộc điều tra đối với ông Laurent Gbagbo cùng 100 cựu quan chức cao cấp có liên quan tới cáo buộc "sử dụng vũ lực chống lại dân thường".

Hơn 4 năm trước (30-11-2011), ICC thông báo, ông Laurent Gbagbo bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm giống như gián tiếp gây ra các vụ giết người, cưỡng hiếp, cùng các vụ ngược đãi và những hành vi vô nhân đạo khác tại Cote d'Ivoire. Khi đó, Trưởng ban công tố của ICC, ông Luis Moreno-Ocampo cho biết, các cuộc điều tra đang tiếp diễn và ông Laurent Gbagbo là người đầu tiên bị đưa ra trước tòa.

Trước khi trở thành Tổng thống thứ tư của Cote d'Ivoire (2000-2011), ông Laurent Gbagbo (sinh ngày 31-5-1945, trong một gia đình Thiên Chúa giáo ở thành phố Gagnoa) là giáo viên dạy lịch sử, từng bị cầm tù và phải sống lưu vong sau khi trở thành một trong những đối thủ chính của Tổng thống Felix Houphouet-Boigny. Sau khi theo học Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp và hồi hương, ông Laurent Gbagbo đã thành lập Đảng Mặt trận Bình dân Cote d'Ivoire (FPI) năm 1982 và thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1990 vì Tổng thống Felix Houphouet-Boigny tiếp tục đắc cử. Mãi tới năm 2000, ông Laurent Gbagbo mới trở thành Tổng thống sau một cuộc bầu cử có tranh chấp, và là người đứng đầu chính phủ của phong trào dân chủ đa đảng tại Cote D'Ivoire.

Tới vợ con, thuộc cấp và các hệ lụy

Cùng bị xét xử với cựu Tổng thống Laurent Gbagbo hôm 28-1 còn có cựu thủ lĩnh lực lượng dân quân Cote d'Ivoire, ông Charles Ble Goude - cũng bị cáo buộc với 4 tội danh chống lại loài người. Ông Charles Ble Goude bị coi là người đứng đầu lực lượng dân quân đã gây ra các vụ tàn sát, hãm hiếp đối với hàng trăm người để giúp ông Laurent Gbagbo tiếp tục nắm quyền.

Và gần 1 năm trước (10-3-2015), một tòa án ở Cote d'Ivoire đã tuyên phạt 20 năm tù giam đối với bà Simone Gbagbo, vợ cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, với tội danh "phá hoại an ninh quốc gia". Ngoài ra, cựu Đệ nhất phu nhân Simone Gbagbo còn bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" và "tổ chức băng nhóm vũ trang" sau khi ông Laurent Gbagbo và những người ủng hộ cựu Tổng thống bác bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11-2010.

Trước đó (18-8-2011), công tố viên Simplice Kouadio Koffi cho biết, ông Laurent Gbagbo và bà Simone Gbagbo, đều bị cáo buộc là những tội phạm kinh tế. Tuyên bố của công tố viên Simplice Kouadio Koffi được đưa ra sau khi vợ chồng cựu Tổng thống Cote d'Ivoire bị quản thúc tại gia ở 2 thành phố thuộc miền Bắc quốc gia Tây Phi này.

Cùng phải hầu tòa với cựu Đệ nhất phu nhân Simone Gbagbo hôm 10-3-2015 còn có Michel Gbagbo, con trai ông Laurent Gbagbo với người vợ trước. Và "cậu ấm" Michel Gbagbo đã bị kết án 5 năm tù vì bị cáo buộc "đóng vai trò trong làn sóng bạo lực khiến hơn 3.000 người chết".

Gần 2 tháng trước (8-12-2015), Ngoại trưởng Cote d'Ivoire, ông Charles Koffi Diby đã triệu Đại sứ Pháp tới để phản đối sau khi một thẩm phán Pháp tìm cách thẩm vấn Chủ tịch Quốc hội Guillaume Soro. Chủ tịch Quốc hội Cote d'Ivoire Guillaume Soro bị thẩm vấn khi tới Paris tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), vì liên quan tới đơn kiện của ông Michel Gbagbo, con trai cựu Tổng thống Laurent Gbagbo.

Giới truyền thông từng đưa tin, vụ bắt giữ cựu Tổng thống Laurent Gbagbo hôm 11-4-2011 đã phải nhờ tới sự can thiệp của lính đặc nhiệm Pháp. Bởi sau nhiều ngày giao tranh dữ dội, binh sỹ trung thành với tân Tổng thống Alassane Ouattara vẫn không làm chủ được tình hình và cục diện chỉ thay đổi sau khi trực thăng của Pháp liên tục bắn hỏa tiễn vào dinh thự của ông Laurent Gbagbo. Và người ta thấy ông Laurent Gbagbo cùng vợ và con trai được dẫn giải từ hầm trú ẩn ra ngoài.

Sau khi bị thẩm vấn và đưa tới khách sạn Golf, ông Laurent Gbagbo đã ký vào một văn kiện chính thức trao quyền điều hành đất nước cho tân Tổng thống Alassane Ouattara. Đại sứ Cote d'Ivoire tại Liên hợp quốc Youssoufou Bamab cho biết, tình trạng giao tranh chỉ chấm dứt sau khi lực lượng trung thành với cựu Tổng thống biết ông Laurent Gbagbo đã bị bắt.

Chủ tịch Quốc hội Cote d'Ivoire Guillaume Soro.

Ông Richard Downie, chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ từng tuyên bố, việc đưa ông Laurent Gbagbo ra xét xử tại tòa ở Cote d'Ivoire sẽ rất khó khăn bởi tân Tổng thống Alassane Ouattara không muốn lên cầm quyền bằng cách "thông qua súng ống". Một số người cáo buộc ông Laurent Gbagbo tìm cách bám lấy quyền lực như một phần để tránh khỏi bị ICC xét xử.

Nhưng ngày 29-11-2011, ông Laurent Gbagbo đã bị đưa tới La Hay và trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới bị giao nộp cho ICC. Luật sư Lucie Bourthumieux của ông Laurent Gbagbo cho biết, sáng 29-11-2011, ICC đã phát lệnh bắt giữ đối với cựu Tổng thống, đồng thời "bật đèn xanh" cho việc điều tra các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người mà cả lực lượng trung thành với ông Laurent Gbagbo lẫn Tổng thống Alassane Ouattara phạm phải trong cuộc nội chiến ở Cote d'Ivoire.

Dư luận quan tâm tới tuyên bố của Trưởng ban công tố của ICC, ông Luis Moreno-Ocampo khi cho biết, có bằng chứng cho thấy cả những người ủng hộ Tổng thống Alassane Ouattara lẫn những người ủng hộ cựu Tổng thống Laurent Gbagbo đều vi phạm tội ác chiến tranh.

Ngày 18-8-2012, một số phần tử có vũ trang đã tấn công trụ sở Đảng Mặt trận Bình dân Cote d'Ivoire (FPI) của cựu Tổng thống Laurent Gbagbo tại thành phố Abidjan, bắt cóc hai người và làm ba người bị thương. Tổng thư ký FPI Laurent Akoun cáo buộc thủ phạm là những người ủng hộ Tổng thống Alassane Ouattara.

Gần 1 tháng trước (12-1), Tổng thống Alassane Ouattara đã thay đổi một số vị trí chủ chốt trong chính phủ mới của quốc gia Tây Phi này và ông tiếp tục kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 10-2015, ông Alassane Ouattara đã tái cử khi giành gần 84% số phiếu bầu.

Cote d'Ivoire giành độc lập năm 1960 và ông Felix Houphouet-Boigny trở thành Tổng thống đầu tiên của nước này. Ông Felix Houphouet-Boigny tái đắc cử tới 6 lần và lãnh đạo đất nước với chính sách "bàn tay sắt". Trước khi chết năm 1993, ông Felix Houphouet-Boigny đã đề cử ông Henri Konan Bedie là người kế vị. Vào một ngày tháng 12-1999, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cote d'Ivoire, một chính phủ bị lật đổ bằng cách như vậy. Khi đó, lãnh đạo chính quyền lâm thời Robert Guei tuyên bố "mình là người chiến thắng".

Và cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10-2000 diễn ra với 2 ứng cử viên là Laurent Gbagbo và Robert Guei, tuy quyết liệt song khá hòa bình. Nhưng sau đó bạo loạn đã diễn ra khiến 180 người chết và trong số những người thiệt mạng có ông Robert Guei và Bộ trưởng Nội vụ Doudou - họ bị giết trong cuộc chiến giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Sau khi trở thành Tổng thống, ông Laurent Gbagbo đã cáo buộc ông Robert Guei âm mưu đảo chính.

Mạnh Phong-Nhiệm Bình
.
.
.