Xét xử vụ gian lận tuyển sinh vào đại học ở Mỹ

Thứ Ba, 09/04/2019, 21:57
Sự xuất hiện của nữ diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin tại tòa cùng việc phải đối mặt với mức án từ 6 đến 21 tháng tù, đã hâm nóng vụ bê bối tuyển sinh vào các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ.


Bởi tuy có 50 người bị bắt vì liên quan tới đường dây gian lận tuyển sinh vào các trường đại học, nhưng mới có 4 bị can nhận tội. 

Các công tố viên sẽ yêu cầu án tù đối với tất cả các bị cáo. 2 nữ diễn viên kể trên nằm trong số 13 phụ huynh liên quan đến vụ chạy trường lần đầu tiên xuất hiện tại Tòa án Liên bang Boston. Và Thẩm phán đã yêu cầu 13 người kể trên hạn chế đi nước ngoài và không được giữ súng tại nhà của mình trong lúc đợi tòa xét xử. 

Theo hồ sơ tại tòa án Boston, khoảng 33 phụ huynh bị buộc tội đã chi 25 triệu USD để sửa điểm thi và mua suất cho con vào các đại học danh tiếng ở Mỹ. Con của những người này được coi là các nhân chứng, có thể bị triệu ra tòa để làm rõ hành vi phạm tội của cha mẹ. 

Được biết, nữ diễn viên Felicity Huffman bị cáo buộc đã chi 150.000 USD để sửa điểm thi cho con gái, trong khi đó nữ diễn viên Lori Loughlin bị buộc tội xuất 500.000 USD để đưa 2 con gái vào Trường Đại học Nam California dưới danh nghĩa thành viên đội đua thuyền của trường, mặc dù 2 công chúa không hề biết đua thuyền. 

Trước đó, Thẩm phán Steve Kim đã cho phép nữ diễn viên Lori Loughlin được tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 1 triệu USD. Chồng bà Lori Loughlin là nhà thiết kế Mossimo Giannulli, cũng phải nộp một khoản tiền tương tự để được tại ngoại.

Ông trùm Rick Singer.

Trong số 4 bị can đã nhận tội có "ông trùm" Rick Singer, người nhận tiền của các phụ huynh và trực tiếp dàn xếp việc chạy trường cho con cái họ. Và cuộc điều tra của FBI chưa dừng lại - sẽ có các vụ bắt giữ trong đó có cả sinh viên. 

Được biết, Bộ Giáo dục đã ra quyết định điều tra đối với 8 trường đại học. Và trong vòng 30 ngày, các trường đại học kể trên phải gửi báo cáo lên Bộ Giáo dục. Các điều tra viên cũng yêu cầu các trường này xác định danh tính của tất cả các học sinh nhập học được đề cập trong cáo buộc điều tra của Bộ Tư pháp. 

Được biết, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos đã yêu cầu mở cuộc điều tra đối với 8 trường đại học Yale, UCLA, Stanford, Wake Forest, San Diego, Georgetown, Texas tại Austin và Nam California. 

Theo tờ Wall Street Journal, nếu Bộ Giáo dục phát hiện bất kỳ trường nào vi phạm các quy định giáo dục liên bang, họ sẽ đưa ra một số hình phạt, nặng nhất là cắt đứt chương trình học bổng Pell hay không cho phép tiếp cận các khoản vay của chính phủ liên bang dành cho sinh viên. 

Trong số 8 trường bị điều tra, Đại học Yale đã đình chỉ nhập học của 1 sinh viên (chưa công bố danh tính), bất chấp gia đình em đã chi tới 1,2 triệu USD để có thành tích thể thao giả mạo. 

Đại học Yale cho biết, họ đã điều tra xung quanh cáo buộc đối với cựu huấn luyện viên Rudy Meredith (phải từ chức hồi tháng 11-2018) vì ông là 1 trong số 50 người bị khởi tố trong vụ gian lận tuyển sinh lớn nhất lịch sử nước Mỹ. 

Theo trang web của Đại học Yale, ông Rudy Meredith bị cáo buộc đã chứng thực thành tích thể thao gian lận để 1 người trúng tuyển. Theo hồ sơ của FBI, ông Rudy Meredith đã nhận 400.000 USD từ "ông trùm" Rick Singer, sau khi nữ sinh được nhập học năm 2018.

Nữ diễn viên Lori Loughlin (trái) và nữ diễn viên Felicity Huffman (phải).

Theo giới truyền thông, ông Rick Singer là Giám đốc điều hành của Quỹ Chìa khóa Toàn cầu (KWF), là kẻ điều hành đường dây gian lận kể trên và hắn đã nhận 25 triệu USD từ khách hàng để hối lộ huấn luyện viên thể thao và ban giám hiệu các trường trung học nhằm tạo hồ sơ vận động viên giả cho con cái khách hàng để những học sinh này được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Và những kẻ môi giới đã sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt nhà trường và hoạt động bất hợp pháp này được cho bắt đầu từ năm 2011. 

Theo ông Andrew Lelling, công tố viên ở Cơ quan công tố quận Massachusetts, khách hàng của Rick Singer trả từ 100.000 USD đến 6.500.000 USD cho dịch vụ của ông ta. Và đã có hơn 800 trường hợp được nhập học sau khi "gõ cửa" Rick Singer. 

"Đây là trường hợp họ phô trương sự giàu có của mình, không ngại chi tiền để lừa hệ thống giáo dục, nhằm tạo dựng thành công cho con cái mình với một sự giáo dục tốt nhất mà tiền có thể mua được theo nghĩa đen", nhân viên FBI Joseph Bonavolonta cho biết. 

Giới truyền thông cho biết, vụ bê bối chạy điểm để nhập học vào các trường đại học danh tiếng đang khiến dư luận xứ sở cờ hoa chấn động và tác động khá lớn tới tâm lý của cả giáo viên và học sinh. Bởi hiện có khoảng 200 trường đại học ở Mỹ bị ảnh hưởng danh tiếng sau vụ bê bối kể trên. 

Trọng Hậu
.
.
.