Xu hướng tội phạm trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19

Thứ Bảy, 16/05/2020, 12:30
Đại dịch COVID-19 hiện đã lan rộng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới và có tác động tàn phá đối với con người, hệ thống y tế, nền kinh tế, cũng như "châm ngòi cho xu hướng tội phạm mới".


Trong khi hầu hết các lĩnh vực của đời sống bị đình trệ, các nhóm tội phạm có tổ chức đã và đang tìm mọi cách điều chỉnh phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm kiếm lời từ cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Trong đại dịch lịch sử này, chính phủ các nước châu Âu đang tăng cường nỗ lực chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu bằng cách ban hành các biện pháp khác nhau để hỗ trợ hệ thống y tế công, bảo vệ nền kinh tế và đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. 

Đa số các biện pháp này có tác động đáng kể đến tình hình tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức. Tội phạm đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách điều chỉnh phương thức hoạt động hoặc tham gia vào các hoạt động tội phạm mới để lợi dụng khủng hoảng.

Theo báo cáo ngày 27/3/2020 của Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol), các yếu tố thúc đẩy những thay đổi của tội phạm và khủng bố bao gồm: 

(i) Nhu cầu tăng cao đối với một số hàng hóa, thiết bị bảo hộ và dược phẩm; (ii) Giảm việc di chuyển và dòng người qua lại và nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU); (iii) Công dân duy trì việc ở trong nhà và làm việc từ xa, dựa vào các công nghệ kỹ thuật số; (iv) Việc hạn chế đi lại nơi công cộng khiến cho một số hoạt động của tội phạm bị hạn chế và chuyển sang hoạt động tại nhà hoặc trực tuyến; (v) Việc gia tăng sự lo lắng và sợ hãi có thể tạo ra lỗ hổng để khai thác; (vi) Giảm nguồn cung của một số hàng hóa bất hợp pháp tại EU. Các loại tội phạm có xu hướng thay đổi do dịch COVID-19:

1. Tội phạm mạng:

Tội phạm mạng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây (ảnh minh họa).

Số vụ tấn công mạng vào các tổ chức và cá nhân được ghi nhận khá nhiều và dự kiến sẽ tăng lên. Lợi dụng khủng hoảng do COVID-19, tội phạm mạng đã tiến hành các cuộc tấn công tâm lý xã hội theo chủ đề liên quan đến đại dịch để phát tán các phần mềm độc hại khác nhau (ví dụ tự xưng là quan chức y tế và khuyến khích mọi người mở tệp tin đính kèm - thường sẽ chứa phần mềm độc hại). 

Vừa qua, Cộng hòa Séc đã ghi nhận một cuộc tấn công mạng vào Bệnh viện Đại học Brno, buộc bệnh viện trên phải đóng cửa toàn bộ mạng CNTT, hoãn các cuộc phẫu thuật khẩn cấp và chuyển các bệnh nhân cần cấp cứu đến bệnh viện gần đó.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều công ty triển khai phương thức làm việc từ xa tạo điều kiện cho tội phạm mạng dễ dàng tấn công vào hệ thống máy chủ của họ. Ngày 12/4/2020, tại Nga đã xuất hiện tình trạng tấn công lên trang mạng mos.ru (internet bot) dùng để đăng ký thẻ điện tử dẫn đến tình trạng bị quá tải. Bộ Nội vụ Nga cũng cảnh báo về trường hợp có các trang web không được kiểm chứng quảng cáo về việc đăng ký thẻ thông hành điện tử.

2. Lừa đảo:

Tội phạm lừa đảo có xu hướng gia tăng.

Những kẻ lừa đảo nhanh chóng thích nghi, lợi dụng sự lo lắng và nỗi sợ hãi của các nạn nhân trong cuộc khủng hoảng để tiến hành các kế hoạch lừa đảo thông thường. Nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện như lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo cung cấp hàng hoá trực tuyến (Supply scams) và lừa đảo khử trùng trực tuyến (Decontamination scams). Hàng ngàn trang web mới được tạo ra mỗi ngày có tên miền gắn với COVID-19, phần lớn trong số đó có mục đích độc hại, đánh cắp thông tin hoặc lừa đảo dưới nhiều hình thức như: kêu gọi quyên góp cho các tổ chức giả mạo, bán hàng giả, thăm dò ý kiến để thu thập dữ liệu cá nhân trái phép.

Điển hình Europol đã tập trung hỗ trợ điều tra vụ việc một công ty đã chuyển 6,6 triệu Euro cho một công ty khác ở Singapore để mua gel khử trùng và khẩu trang FFP3/2 nhưng không nhận được số hàng hoá trên. 

Người đứng đầu Interpol cũng chỉ ra rằng một phương thức đang được các nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng là "các trung tâm tổng đài tội phạm" - một hình thức lừa đảo qua điện thoại mới, theo đó mọi người nhận được các cuộc gọi điện thoại từ ai đó giả vờ rằng họ là nhân viên bệnh viện. 

Câu chuyện thường là thông báo về một người thân đã nhiễm SARS-CoV-2, cần tiền để điều trị y tế và kẻ lừa đảo khuyến khích mọi người cung cấp tiền để đảm bảo điều trị y tế cho người thân của họ. 

Đến giữa tháng 3/2020, các vụ lừa đảo qua điện thoại và lừa đảo thông thường đã gây ra tổn thất tài chính "lên tới hàng trăm ngàn đô la cho mỗi vụ". 

Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Interpol cho biết đã hỗ trợ điều tra khoảng 30 trường hợp lừa đảo liên quan đến COVID-19 có liên quan đến châu Á và châu Âu, dẫn đến việc chặn 18 tài khoản ngân hàng và đóng băng hơn 730.000 USD (661.000 Euro) trong các giao dịch bị nghi ngờ là lừa đảo. 

Dự kiến thời gian tới, những kẻ phạm tội sẽ tiếp tục tận dụng hơn nữa sự lo lắng của người dân trên khắp châu Âu để điều chỉnh cách thức thực hiện cũng như tạo ra các kế hoạch lừa đảo mới.

3. Làm giả hàng hóa và hàng hóa kém chất lượng:

Việc bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vệ sinh giả cũng như các thiết bị bảo vệ cá nhân và các sản phẩm dược phẩm giả đã tăng lên rất nhiều kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ. Có khả năng kẻ làm giả sẽ lợi dụng sự thiếu hụt trong nguồn cung của một số hàng hóa để bán các sản phẩm thay thế giả cả trực tuyến và ngoại tuyến. 

Europol cho hay, các loại vắc-xin giả cùng với chất khử trùng tay và kít xét nghiệm được bán bất hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến việc bán các sản phẩm y tế giả hoặc không đạt tiêu chuẩn trở thành một lĩnh vực màu mỡ cho các hoạt động tội phạm. Đặc biệt, sự thiếu hụt trang thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang mở ra một thị trường béo bở để các tổ chức tội phạm phát triển hoạt động.

Tại Bỉ, tranh cãi đã nổ ra khi Bộ trưởng Bộ Y tế Bỉ Maggie Block cho biết, hợp đồng cung cấp khẩu trang từ một công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã không được thực hiện và có dấu hiệu lừa đảo.

Trong tháng 3/2020, Chiến dịch Pangea XII do Interpol khởi xướng có sự tham gia của Europol và lực lượng cảnh sát, hải quan, cơ quan quản lý y tế từ 90 quốc gia trên thế giới đã được triển khai. 

Kết quả ghi nhận: hơn 121 vụ bắt giữ; thu giữ hơn 4 triệu sản phẩm khẩu trang giả, thuốc giả, vắc-xin giả, gel sát khuẩn giả trị giá gần 13 triệu Euro; 37 tổ chức tội phạm bị triệt phá, đồng thời 2.500 đường link giới thiệu các sản phẩm liên quan đến COVID-19 trên các trang web, mạng xã hội mua bán trực tuyến và quảng cáo cũng bị gỡ bỏ. 

Ông Jurgen Stock, người đứng đầu Interpol cho biết, lực lượng cảnh sát các nước trên thế giới đã tịch thu nhiều mặt hàng y tế giả, bao gồm "hàng ngàn khẩu trang không đạt tiêu chuẩn, chai xịt corona, thuốc corona và thuốc khử trùng tay không đạt tiêu chuẩn".

Các vụ lừa đảo không chỉ diễn ra ở châu Âu. Ở phía bên bờ kia Đại Tây Dương, hệ thống tư pháp Liên bang Hoa Kỳ đã ra lệnh đóng cửa một trang web lừa bán vắc-xin. 

Các dòng quảng cáo như “Vì lý do dịch bệnh COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cấp phát các bộ vắc-xin, bạn chỉ phải trả 4,95 USD phí vận chuyển”, người đọc sau đó được mời cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để tiến hành thanh toán. 

Đối mặt với sự gia tăng của các vụ lừa đảo, Bộ trưởng Tư pháp Mĩ Bill Barr kêu gọi người Mỹ báo cáo mọi hành vi lừa đảo đến Trung tâm quốc gia về các vụ lừa đảo liên quan đến thảm họa.

4. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức

Nhiều âm mưu liên quan đến trộm cắp đã được tội phạm điều chỉnh để phù hợp tình hình dịch bệnh, bao gồm cả các vụ lừa đảo liên quan đến việc mạo danh là đại diện của các cơ quan nhà nước. Các cơ sở thương mại và cơ sở y tế dự kiến sẽ trở thành mục tiêu cho các vụ lừa đảo có tổ chức. 

Bất chấp việc triển khai các biện pháp kiểm dịch trên khắp châu Âu, mối đe dọa về tội phạm vẫn liên tục thay đổi và các hoạt động tội phạm mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc khủng hoảng và kể cả sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Nhiều quốc gia thành viên EU đã báo cáo về một thủ đoạn tương tự với hành vi trộm cắp. Kẻ phạm tội có thể tiếp cận nhà riêng bằng cách mạo danh nhân viên y tế cung cấp tài liệu thông tin hoặc sản phẩm vệ sinh hoặc tiến hành "thử nghiệm Corona".

Giám đốc điều hành Europol, Catherine De Bolle cho biết: Trong khi nhiều người cam kết chống lại cuộc khủng hoảng này và giúp đỡ các nạn nhân, thì cũng có những kẻ phạm tội đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để lợi dụng khủng hoảng. Các hoạt động tội phạm như vậy trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thực sự là mối đe dọa và có thể mang lại rủi ro cho cuộc sống của người dân. 

Đây là lý do tại sao cần củng cố cuộc chiến chống tội phạm. Europol và các đối tác thực thi pháp luật của mình đang hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của mọi công dân.

5. Tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em

Khi nền kinh tế thế giới suy giảm vì đại dịch COVID-19, xu hướng tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em sẽ gia tăng.

Tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng. Hàng triệu người trên khắp thế giới mất việc, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc tương tự như trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đó. 

Theo Hội đồng Du lịch Thế giới, trong cuộc khủng hoảng này, có khoảng 75 triệu người bị mất việc làm trong ngành du lịch. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tới 49 triệu việc làm có nguy cơ bị mất. Điều này tác động đáng kể đến kinh tế của các gia đình, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc vào thu nhập từ du lịch. 

Bên cạnh lĩnh vực du lịch và dịch vụ, hàng triệu người đang làm việc với mức lương thấp, hiện đang có nguy cơ mất việc. Trong tình hình người dân đang gặp khó khăn về tài chính, trẻ em có xu hướng bị cô lập và ít liên kết hơn với các mạng lưới hỗ trợ, từ đó việc bán trẻ em để khai thác tình dục tăng lên. 

Trẻ em sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, trong các khu vực tị nạn có nguy cơ cao nhất và đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi dễ dàng trở thành con mồi của những kẻ phạm tội.

Các tổ chức ở Đông Nam Á cảnh báo rằng, một sự tăng đột biến tình trạng lạm dụng có thể xảy ra, đặc biệt là ở Philippines khi vấn đề này đã lan rộng. Khi các gia đình mất thu nhập, họ có thể thấy một cơ hội kiếm tiền tại các trang web trực tuyến trên mạng vì nhu cầu của những người phạm tội trên khắp thế giới vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là khi những người phạm tội không thể di chuyển hoặc đi du lịch. 

Các báo cáo từ Cảnh sát cũng cho rằng, các loại video lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến khác đang xuất hiện, khác với các loại mà chúng ta đã thấy ở Philippines trong những năm gần đây. Cũng có nguy cơ người phạm tội dụ dỗ các gia đình địa phương bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng để khai thác con cái của họ.

Khi các địa điểm giải trí mà những kẻ buôn người thường xuyên sử dụng để tìm kiếm khách hàng và khai thác nạn nhân là trẻ em bị đóng cửa, có khả năng các mô hình buôn bán trẻ em sẽ thay thế. Ví dụ, việc sử dụng các kênh trực tuyến ẩn để thảo luận về các giao dịch và bán trẻ em tại nhà riêng có thể sẽ tăng lên. 

Một số nguồn tin đã chỉ ra rằng, họ đã phát hiện các dấu hiệu về tình trạng tồi tệ hơn đối với trẻ em ở các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ. Kết hôn với trẻ em cũng có khả năng gia tăng khi thanh thiếu niên ở nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình kinh tế tồi tệ, bị buộc phải di cư đến thành thị và sống trên đường phố.

Ngoài ra, lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến cũng tăng mạnh kể từ khi các trường học đóng cửa trong thời gian dịch bệnh. Những kẻ phạm tội lợi dụng tình huống này để liên lạc và dụ dỗ trẻ em tham gia các hoạt động tình dục, khi mà hiện nay phương pháp dạy học trực tuyến đang là cách được các nhà trường sử dụng. 

Mới đây, Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA) của Anh đã lên tiếng cảnh báo, có ít nhất 300.000 người ở Anh lợi dụng từ khóa corona virus để tấn công tình dục trẻ em. Cảnh sát Anh cũng đã đề cập sự gia tăng nạn ấu dâm trong bối cảnh các trường học phải đóng cửa và thanh, thiếu niên dành nhiều thời gian hơn trên internet.

Theo thống kê của NCA, ở Anh hiện có khoảng 250.000 tài khoản đăng ký công khai trên các trang web "đen", tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (140.000 tài khoản). 

Cũng theo NCA, năm 2019, có 94.342 cư dân ở Vương quốc Anh đã liên lạc với Tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em Lucy Faithfull Foundation để báo cáo về những trường hợp trẻ em bị quấy rối tình dục, trong khi con số này của năm 2018 chỉ khoảng 43.000 cư dân. Không chỉ trẻ em, phụ nữ cũng là đối tượng mà những kẻ tội phạm tình dục trực tuyến nhắm đến. 

Theo thống kê của các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder, Bumble, Dating.com…, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng khách hàng, đặc biệt là phụ nữ, đăng ký tìm ý trung nhân trên mạng tăng vọt. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2020, số phụ nữ tham gia ứng dụng hẹn hò Wild đã tăng 12%, trong khi con số này của nam giới lại giảm 3%. Số lượng phụ nữ gửi tin nhắn làm quen cũng tăng đáng kể: 17,8%. Số cuộc gọi điện thoại trực tuyến thông qua ứng dụng mai mối Bumble còn ấn tượng hơn khi tăng tới 20%.

6. Bạo lực gia đình gia tăng

Túng quẫn về kinh tế là một trong những nguyên nhân gia tăng nạn bạo lực gia đình.

Lệnh phong toả do đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người có thêm những căng thẳng: lo về việc bị bắt ở nhà, không thể tránh xa được kẻ lạm dụng.

Trong khi hàng triệu người phải đối mặt với sự lạm dụng bạo lực tại nhà thì hiện tại chính phủ và chính quyền địa phương đang yêu cầu mọi người ở nhà để đảm bảo an toàn cho chính họ. Đối với một số người, đi làm có lẽ tạm thời giúp họ thoát khỏi sự ngược đãi và bạo lực về tinh thần. Bây giờ họ được yêu cầu làm việc tại nhà. 

Đối với những người khác, nơi duy nhất mà trẻ con thoát khỏi sự lạm dụng là trường học. Bây giờ những đứa trẻ này được yêu cầu học tại nhà. Nếu một người chịu đựng sự lạm dụng có ý định dời đi, họ có lẽ đang bí mật cất giấu tiền để trốn thoát. Bây giờ họ có thể cần số tiền đó để trang trải cho các khoảng chi tiêu khác, bởi vì một số công việc bị ảnh hưởng bởi hậu quả về kinh tế do thảm họa virus SARS-CoV-2.

Với những người đang đợi kẻ lạm dụng rời nhà đi làm việc để có cơ hội tìm kiếm sự giúp đỡ hay thực hiện kế hoạch bỏ trốn thì giờ đây lệnh phong toả đã khiến họ bế tắc. Bạo lực gia đình có cơ hội gia tăng khi hàng loạt quốc gia thực hiện cách ly xã hội. Các nhà quan sát đã nhìn thấy một mô hình gia tăng bạo lực gia đình trên khắp thế giới, tương quan với thời gian cách ly. Bạo lực có khả năng xảy ra trong những gia đình dễ bị tổn thương - có thể không lành mạnh nhưng chưa có bạo lực, và gia tăng mức độ trong những gia đình đã xảy ra tình trạng bạo lực trước đó.

Các báo cáo ban đầu từ Trung Quốc cho thấy bạo lực gia đình đã tăng ít nhất là gấp ba lần. Các thành phố trên khắp châu Âu và Vương quốc Anh cũng đang báo cáo sự gia tăng các cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình. Hoa Kỳ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. 

Ví dụ, trong tháng 3/2020, cơ quan chức năng ghi nhận các báo cáo liên quan đến bạo lực gia đình tại Seattle, một trong những thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ bùng phát dịch, tăng lên 21% và tại Texas tăng lên 35%. Cảnh sát Hoa Kỳ đang điều chỉnh kế hoạch ứng phó để chuẩn bị cho sự gia tăng có thể xảy ra và để đảm bảo nạn nhân có thể nhận được sự giúp đỡ ngay cả trong hoàn cảnh hạn chế đi lại.

Ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng cảm thấy khó khăn khi bị cách ly trong thời gian dài. Những kẻ lạm dụng không có nguồn lực về cảm xúc và kỹ năng đối phó để xử lý áp lực. Những đối tượng đang điều trị về bạo lực gia đình hoặc đang cố gắng xử lý các vấn đề của họ cũng có thể gặp khó khăn vì các hình thức hỗ trợ họ (tham dự một cuộc tư vấn, gặp hoặc nói chuyện với nhà trị liệu, thăm bạn bè hoặc làm việc ở bên ngoài) bây giờ bị hạn chế hơn.

Một khía cạnh khác của đại dịch COVID-19 cũng đang làm tình hình tồi tệ hơn: Đường dây nóng bạo lực gia đình ghi nhận các cuộc gọi từ những nạn nhân cho biết, kẻ lạm dụng họ sẽ không để họ rời khỏi nhà vì họ có thể mắc bệnh và đe dọa sẽ đánh nếu họ rời đi.

Đại dịch COVID-19 có khả năng thay đổi không chỉ sự cân bằng chiến lược toàn cầu, mà còn thay đổi sự cân bằng quyền lực trong thế giới tội phạm ngầm, quyền lực giữa các nhóm tội phạm và các băng đảng.

Đỗ Hương Giang (tổng hợp)
.
.
.