Chiến tranh lạnh Hồi giáo

Xuất khẩu chủ nghĩa cực đoan - Kỳ 2

Thứ Ba, 25/07/2017, 16:02
Ali Akbar Velayati, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Iran, hiện là Cố vấn chính sách đối ngoại của Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, nên cũng là một phần tử của vòng tròn quyền lực. Năm 2016, Velayati đã tới Moscow để bàn bạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tương lai Syria.


Và bây giờ, ông muốn nói về chính sách đối ngoại. Ông nói về "tình bạn 2.000 năm giữa người Iran và Yemen", nhấn mạnh cách đây 1.500 năm, Iran đã đưa quân đội tới tận cùng phía nam bán đảo Ảrập để giúp người Yemen chống lại sự chiếm đóng của Ethiopia. "Những kẻ xâm lược" đã bị đánh bại, ông nói. Cũng giống như người Ethiopia lúc đó, người Saudi ngày nay sẽ bị "đánh bại hoàn toàn" ở Yemen: "Họ đang ngập trong đầm lầy đến cổ họng", ông nói.

Lịch sử có lặp lại?

Thực tế là vị Tổng thống đương nhiệm của Yemen, Abed Rabbo Mansour Hadi, không chỉ được hỗ trợ bởi Saudi Arabia, mà còn được công nhận bởi cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Velayati lại cho rằng chính phủ ở đó là "bất hợp pháp" và sẽ sớm bị "dỡ bỏ".

“Sau tất cả, 2 thập niên bị phương Tây trừng phạt hay 100 năm thống trị của một gia đình Ảrập ở Riyadh làm sao chống lại lịch sử hơn 4.000 năm của Đế quốc Ba Tư?”, Velayati nói

Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Saudi Arabia, cũng có một cái nhìn rõ ràng về các sự kiện trong khu vực. "Chiến tranh ở Yemen không phải là một cuộc chiến mà chúng tôi muốn. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác - có một nhóm dân quân cực đoan (Shiite) liên minh với Iran và Hezbollah đã chiếm lĩnh đất nước này - nhóm Houtis”, Al-Jubeir nói.

Tại Hội nghị An ninh Munich năm 2016, ông Al-Jubeir đã gặp gỡ với người đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif để thảo luận về một cuộc ngưng bắn ở Syria, lần đầu tiên kể từ khi 2 nước phá vỡ quan hệ ngoại giao.

Cho đến thời điểm đó, 2 người đã gầm ghè nhau từ xa, bằng những bài viết đăng trên tờ New York Times. Saudi Arabia "tích cực tài trợ chủ nghĩa cực đoan bạo lực", Zarif viết, là "mối đe dọa toàn cầu thực sự". Ông nhận định "chiến lược của Saudi Arabia" là "kéo dài - và thậm chí làm trầm trọng thêm nữa - những căng thẳng trong khu vực". Ngoại trưởng Saudi Arabia al-Jubeir phản bác bằng cách tuyên bố nước này không hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, nhưng Iran là "kẻ tham vọng nhất trong khu vực".

Ali Akbar Velayati, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Iran.

Theo ông Riyadh, Iran với gần 80 triệu dân - lớn gấp 3 lần Saudi Arabia, muốn trở thành cường quốc ở Trung Đông. Kẻ bá chủ cũ là Mỹ đang rút lui. Do đó, đến lượt Saudi Arabia khôi phục cân bằng quyền lực trong khu vực.

Đó là cốt lõi chính sách đối ngoại mới của Saudi Arabia, một quốc gia đã được phương Tây xem là "đối tác chiến lược", nhà cung cấp dầu đáng tin cậy và là một thế lực quân sự có tư tưởng phòng thủ.

Đã từng là hữu hảo

Tuy nhiên, hai thế lực này không phải lúc nào cũng thù địch, đã có những thời kỳ hữu hảo và hợp tác giữa 2 bên. Các nhà lãnh đạo của 2 nước đã sống chung khá tốt trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 khi cả 2 trở nên giàu có nhờ cung cấp dầu cho phương Tây. Họ cũng có một đồng minh chung là Mỹ.

Trên thực tế, vào cuối những năm 1960, mối quan hệ giữa họ tốt đẹp đến mức Vua Shah của Iran và Quốc vương Faisal của Saudi Arabia còn viết thư cho nhau. Trong một ví dụ liên quan đến Hoàng thân Bandar Ibn Sultan, cựu Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ, Shah khuyên Faisal làm theo cách của ông, mở cửa xã hội, chẳng hạn cho nam sinh và nữ sinh học cùng trường. Nhà vua Faisal đã viết thư trả lời: "Tôi xin nhắc nhở ngài rằng, ngài không phải là Shah của người Pháp? Dân chúng của ngài có tới 90% Hồi giáo. Đừng quên điều đó”.

Lời lẽ trong thư đã có hiệu nghiệm vào năm 1979, đã làm thay đổi Trung Đông đến tận ngày nay. Khi đó, nhà lãnh đạo Shiite cực đoan Ruhollah Khomeini lật đổ chế độ thân Tây của Shah, sinh viên đã tấn công Đại sứ quán Mỹ. Iran sau đó được đổi tên thành Cộng hòa Hồi giáo Iran và chìm vào cuộc đấu tranh đẫm máu để giành quyền lực. Không lâu sau đó, cuộc chiến chống lại Saddam Hussein của Iraq nổ ra.

Saudi Arabia đã ủng hộ Sunni Saddam Hussein và Mỹ, cho đến lúc đó vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Riyadh và Tehran, nghiêng về Saudi Arabia.

Cổ súy cực đoan cứu thanh danh

Vậy 1979 là năm may mắn của người Saudi? Không chính xác. Vào ngày 20-11 năm đó, những kẻ khủng bố Sunni đã chiếm giữ nhà thờ Hồi giáo lớn ở Mecca và bắt hàng ngàn người hành hương làm con tin. Lãnh đạo của bọn khủng bố xuất thân từ trung tâm Saudi Arabia và tuyên bố là Mahdi, tức người cứu chuộc - và ông kêu gọi lật đổ nhà vua. Gia đình Hoàng gia bị buộc phải kêu gọi sự trợ giúp của các lực lượng đặc nhiệm Pháp - những người ngoại đạo - để giải phóng nhà thờ Hồi giáo.

Thành phố Sanaa của Yemen.

Nhà Saud (Hoàng gia) đã bị làm nhục ngay tại cơ sở tôn giáo của chính mình. Để lấy lại thanh danh, Hoàng gia đã chi hàng tỷ đô la dầu mỏ cho các nhà truyền giáo cấp tiến - những nhà truyền giáo sau đó đã mang Wahhabism - chủ nghĩa Hồi giáo khắc nghiệt nhất truyền ra khắp thế giới.

Như vậy, 1979 không chỉ đánh dấu năm "Cách mạng Hồi giáo" bắt đầu được “xuất khẩu”, mà là năm Saudi Arabia bắt đầu gieo trồng các hạt giống của chủ nghĩa cực đoan Sunni, quả đắng của nó vẫn đang được thu hoạch trong những thung lũng vô luật lệ của Pakistan, ở Raqqa - thủ phủ của IS, và ở phương Tây - trong đầu của các thanh niên. Và ở chính Saudi Arabia, đến nay, chủ nghĩa cực đoan Sunni thậm chí còn đe dọa đất nước nơi nó đã từng sinh ra.

8 năm sau những sự kiện trọng đại năm 1979, có một cuộc đụng độ dữ dội giữa những người biểu tình và nhân viên an ninh Iran, cướp đi mạng sống của 400 người. Hoàng thân Nayef, anh của vị vua ngày nay, đổ lỗi cho người Iran. “Giống như những người dị giáo khác trước đó, họ đã cố gắng để làm ô uế Đại Đền thờ”, ông nói.

Ayatollah Khomeini đã rất tức giận. Ông kêu gọi lật đổ các nhà lãnh đạo Saudi, gọi họ là "Wahhabis ghê tởm và vô thần" và "một nhóm những kẻ dị giáo". Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Iran và Saudi Arabia ngày nay đã được sắp xếp để tiếp tục cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ giữa người Sunni Ảrập và người Shiite ở Ba Tư.

Đầu thế kỷ 16, các nhà lãnh đạo Ba Tư đã đặt Hồi giáo Shiite làm quốc giáo. Trong khi đó, nhà truyền giáo Muhammad Bin Abd al-Wahhab, sinh năm 1703 tại một nơi không xa Riyadh ngày nay, thuộc về chi nhánh Hồi giáo Sunni lớn hơn nhiều. Ông đã lập ra Wahhabism, và ông ghét những người Shiite. Giữa thế kỷ 18, dòng họ Saud - gia đình Hoàng gia ngày nay - liên kết với nhà truyền giáo và Wahhabism trở thành giáo điều của nhà nước.

Ở cả 2 nước, quyết tâm của giáo phái là một công cụ của quyền lực chính trị và nó ràng buộc người dân với nhà cai trị của họ. Ngày nay, các nhà cai trị của mỗi quốc gia sử dụng tôn giáo để kiểm soát đối tượng của họ - và ở mỗi nước, có một cuộc đấu tranh đang diễn ra giữa các nhà cải cách và người bảo thủ. Một cái nhìn về các xã hội ở hai nước cho thấy, mặc dù họ thù địch nhau nhưng cả hai đều đối mặt với những thách thức giống nhau đáng kinh ngạc.

(Còn tiếp)

Hòn Rồng
.
.
.