Xung đột Syria: Từ chiến tranh ủy nhiệm đến đối đầu trực tiếp

Thứ Tư, 06/05/2020, 16:06
Những chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.


Hàng loạt những lời buộc tội gay gắt giữa hai nước đã nổ ra sau những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nguy cơ một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết.

Rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Những mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib của Syria đang được mở rộng nhanh chóng. Đầu tuần trước, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng quân đội nước này đã tiêu diệt 82 mục tiêu Syria, gồm 9 xe tăng, hai súng cối, sáu bệ phóng tên lửa và hai phương tiện vận tải quân sự đồng thời giết chết 299 binh sĩ Syria.

Tính đến nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giết chết tổng cộng 2.500 binh sĩ Syria, một số trong đó thuộc vào các lực lượng dân quân, số còn lại thuộc vào quân đội chính quy. 

Không có báo cáo nào về số dân thường bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công, dường như Thổ Nhĩ Kỳ coi rằng mỗi người bị sát hại đều là một kẻ thù có trang bị vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận đã có 50 binh lính Thổ bị chết trong các cuộc giao tranh.

Chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã làm xấu đi mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin.

Những chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ kỳ tại Syria đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Hàng loạt những lời buộc tội nặng nề giữa hai bên được tung ra sau những cuộc xung đột dữ dội giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã bắt đầu sử dụng những ngôn từ gay gắt để công kích Thổ Nhĩ Kỳ, tố cáo nước này đã vi phạm thỏa thuận Sotchi ký tháng 9/2018. Trong thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết rút hết các lực lượng dân quân cực đoan như Mặt trận Giải phóng Sham khỏi khu vực của Idlib đồng thời tiến hành giải giáp tất cả các nhóm dân quân khác. 

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Nga và Syria đã tấn công các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và cố gắng giành quyền khiểm soát vùng ngoại ô Idlib. Theo Thổ Nhĩ Kỳ, lẽ ra bạo lực phải được giảm bớt ở bên trong và ngoại vi của Idlib, nhưng dưới sự gia tăng áp lực của liên quân Nga-Syria, bạo lực ngày càng bùng phát thêm. 

Ngoài ra việc những trục đường chính nối tỉnh Idlib với Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Syria kiểm soát đã làm phát sinh một làn sóng mới của hàng trăm ngàn người tỵ nạn mỗi ngày di chuyển về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga và Syria bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này. Họ khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ là người bảo trợ chính cho các lực lượng dân quân hơn 50.000 người đang cố thủ trong các căn cứ xung quanh Idlib, những căn cứ do chính phía Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nên.

Giới truyền thông Nga, với những ngôn từ cứng rắn, đã nhắc lại những mối quan hệ hợp tác mờ ám trước đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng như các biện pháp trừng phạt mà Nga áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga trên vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, một hành động theo người Nga là "đâm lén sau lưng". 

Dường như giới truyền thông Nga muốn gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ lời cảnh báo rằng Nga có thể quay lại với những lệnh trừng phạt và gây ra những khốn đốn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Dẫu rằng chưa có một tuyên bố chính thức nào từ phía chính quyền Nga (về một kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt), truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo trở lại với Nga: Nếu Nga áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, nước này có thể đóng cửa eo biển Bosphorus để chặn không cho tầu thuyền của Nga qua lại. 

Tuy nhiên về mặt pháp lý, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể đóng cửa eo biển này một khi họ có đầy đủ chứng cứ để chứng minh rằng các con tàu của Nga gây nguy hiểm cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là đối với thành phố Istanbul nằm trên eo biển Bosphorus. Rất may mắn là những cuộc cãi cọ giữa truyền thông hai nước vẫn chưa bị đẩy đi quá xa và còn đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhà lãnh đạo. 

Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng xây dựng một hệ thống phòng thủ dần ngang tầm với Nga. Tổng thống Erdogan luôn lập luận rằng, với tư cách một thành viên của khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là Mỹ bảo vệ mình trước những cuộc tấn công của Nga và Syria. 

Nhưng nhiều nhà bình luận đã tỏ ý nghi ngờ về tính hợp pháp của những yêu cầu loại này. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ chính là người khơi mào cuộc chiến trên lãnh thổ Syria khi chủ động mở cuộc tấn công đánh chiếm lãnh thổ của người Kurd ở khu vực Đông Euphrates rồi sau đó chiếm Afrin của người Kurd Syria và vì thế đã dẫn đến những vụ đụng độ với quân đội Syria.

Pháo tự hành của Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa từ gần thị trấn Saraqib ở phía Đông tỉnh Idlib, Syria.

Những động thái "dọa nạt" của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn không muốn nhảy vào tham gia cuộc chiến ở Syria cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng người Mỹ nhận ra đây một cơ hội để tiêu hao sức mạnh của Nga, đặc biệt là sau lời đề nghị chính thức mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ trang bị cho mình hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot. 

Trong quá khứ, Mỹ từng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa này và yêu cầu họ từ bỏ thỏa thuận mua tên lửa của Nga trị giá hơn 3 tỷ USD, nhưng khi đó Thổ Nhĩ Kỳ đã không những không hủy bỏ thỏa thuận với Nga mà còn tiếp tục đặt mua thêm máy bay chiến đấu của Nga, vì thế Hoa Kỳ đã quyết định rút lại lời đề nghị.

Lời đề nghị mua tên lửa Patriot mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã chia rẽ sâu sắc chính quyền Mỹ. Lầu Năm góc kiên quyết từ chối bán trong khi cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ James Jeffrey, hiện là đặc phái viên của Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiến hành vận động hành lang không mệt mỏi để yêu cầu này được phê duyệt. James Jeffrey không chỉ là một nhà ngoại giao kỳ cựu mà còn là một người bạn thân của Tổng thống Erdogan và là người nói thành thạo tiếng Thổ.

Trong cuộc gặp gỡ với ông Erdogan giữa tháng 4 vừa qua, Jeffrey đã cam kết sẽ giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ về vũ khí và đạn dược cho chiến dịch quân sự ở Idlib. Gói viện trợ lần này chưa bao gồm các tên lửa Patriot, nhưng nếu trong thời gian tới Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin không thể thỏa hiệp được và xung đột cứ tiếp tục leo thang, khi đó "Mỹ có thể sẽ cân nhắc để đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ". 

Điều khó hiểu ở đây là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tha thiết đến thế muốn sở hữu tên lửa đánh chặn Patriot, bởi trong mọi kịch bản, khó tin rằng có thể xẩy ra tình huống Nga trực tiếp tấn công Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay hoặc tên lửa, còn nếu chỉ để đối phó với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ luôn có thừa phương tiện để chống lại máy bay Syria nếu Syria có ý định tấn công.

Vậy có lẽ vấn đề tên lửa Patriot đóng vai trò chủ yếu trong lĩnh vực ngoại giao nhiều hơn là trong lĩnh vực quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga hiểu rằng, bất chấp những căng thẳng bấy lâu nay với Mỹ, nước này vẫn luôn luôn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Mỹ. 

Nhưng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sự hỗ trợ của một mình nước Mỹ là chưa đủ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm mọi cách lôi kéo Liên minh châu Âu đứng về phía mình, không phải để làm đối tác trong các chiến dịch quân sự ở Idlib mà là để tạo những áp lực đối với nước Nga của Putin. 

Như thường lệ, Tổng thống Erdogan không thích phong cách ngoại giao cổ điển đi kèm những lời hoa mỹ lịch sự, ông đe dọa thẳng thừng châu Âu rằng nếu không giúp ông gây áp lực với Nga để thiết lập một khu vực an ninh tại Syria, khu vực sẽ giúp ông có thể chuyển một trong số bốn triệu người Syria đang tỵ nạn trên đất Thổ về đó, ông sẽ "mở toang biên giới để những người tỵ nạn đổ xô vào châu Âu".

Một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Hazano tại tỉnh Idlib của Syria.

Chưa có "tia sáng cuối đường hầm"

Tất cả những xung đột nảy sinh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU giờ đây cần phải được xử lý thận trọng từng vấn đề một để tránh gây ra sự bùng nổ bạo lực và một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các siêu cường này. 

Yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ là các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Assad phải quay trở lại các vị trí của họ trước khi nổ ra trận chiến  Idlib, các lực lượng này phải từ bỏ quyền kiểm soát hai tuyến đường cao tốc chính (M4 và M5)  kết nối Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ, dừng các cuộc tấn công vào Idlib để không tạo ra thêm dòng người tỵ nạn tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế mà nói, Nga có thể chấp nhận điều này, nhưng bù lại, họ sẽ yêu cầu một kế hoạch với thời gian biểu chính xác cho việc giải giáp các lực lượng dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tại Idlib. 

Vấn đề là Nga cũng như đa số các nhà quan sát quốc tế đều không tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ thực tâm muốn làm điều này, bởi chừng nào lực lượng dân quân này còn tồn tại, nó sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ duy trì vị thế của một trong ba nước (cùng với Nga và Iran) được quyền hoạch định một giải pháp chung cuộc cho cuộc chiến ở Syria. 

Hơn thế nữa một khi các lực lượng dân quân này bị giải giáp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất đi cái cớ để hiện diện quân sự ở Syria. Sự hiện diện này rất cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục cuộc chiến chống lại người Kurd ở miền Bắc Syria, đối tượng bị họ coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. 

Và nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận về việc giải giáp các lực lượng dân quân, cuộc chiến ở Syria có thể chuyển một cuộc chiến ủy nhiệm sang một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các siêu cường.

Dương Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.
.