Xung quanh cáo buộc Google thu thập dữ liệu của người dùng

Chủ Nhật, 20/05/2018, 14:33
Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) đang điều tra xung quanh cáo buộc Google đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.


Trong khi Luật Bảo vệ dữ liệu mới của Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị có hiệu lực (từ ngày 25-5) nhằm bảo vệ thông tin trên mạng của người dùng, thì dư luận và giới chuyên môn lại nhận một tin không vui. Bởi Google đang bị cáo buộc thu thập dữ liệu của người dùng. 

Theo giới truyền thông, Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) đang điều tra xung quanh cáo buộc Google đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, khiến họ vô tình phải trả phí cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với số dung lượng sử dụng trong quá trình bị thu thập dữ liệu. 

Cuộc điều tra này được tiến hành sau khi Công ty Oracle đưa ra cáo buộc trong khuôn khổ bản đánh giá của Chính phủ Australia về tác động của Google và Facebook đối với thị trường quảng cáo. 

Theo Oracle cho biết, công ty mẹ của Google là Alphabet đã nhận thông tin chi tiết về những tìm kiếm của người dùng Internet và vị trí của người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android do Google phát triển. 

Và việc chuyển những thông tin này tới Google đồng nghĩa với việc hãng này sử dụng hết số dung lượng trong các gói dữ liệu mà người dùng mua của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông địa phương. 

Theo tiết lộ của người đứng đầu Quỹ tài trợ về quyền riêng tư Australia David Vaile, một số gói dữ liệu chỉ có dung lượng vài gygabyte (GB), nên khi Google thu thập 1 GB dữ liệu thì đây sẽ là sự hao tổn đáng kể đối với người tiêu dùng. 

Theo thống kê, hiện ở Australia có hơn 10 triệu người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và đây là một nguồn cung khổng lồ trong lĩnh vực này. 

Ngay sau khi biết tin, người phát ngôn của Google cho biết, họ được người dùng cho phép thu thập dữ liệu và chưa bình luận gì thêm xung quanh cáo buộc kể trên.

Google bị điều tra thu thập dữ liệu của người dùng.

Cuộc điều tra đối với Google đang thu hút sự quan tâm đặ biệt của dư luận bởi nó làm dấy lên những quan ngại về cách thức các hãng công nghệ thu thập và sử dụng dữ liệu trực tuyến của người dùng. 

Hơn nữa, Google vừa mới tăng cường bảo mật thông tin cho dịch vụ thư điện tử Gmail, sau vụ bê bối rò rỉ thông tin của Facebook. Phó Chủ tịch Google phụ trách quản lý sản phẩm David Thacker cho biết, phiên bản Gmail cải tiến có giao diện hoàn toàn mới, các tính năng bảo mật được tăng cường, các ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo và khả năng tích hợp cao với các ứng dụng G Suite khác. 

Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), Google sẽ giúp điều phối các hoạt động thường nhật, giải phóng người dùng khỏi sự lệ thuộc vào điện thoại di động. Và công cụ này có tên gọi Google Assistant - trợ lý Google. 

Trước đó, Google One - dịch vụ lưu trữ đám mây mới cũng vừa được được Google ra mắt thay thế cho dịch vụ Google Drive. Đây là lần đầu tiên Google mang dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho những người dùng không có tài khoản doanh nghiệp G Suite.

Google ra mắt công cụ mới có tên gọi Google Assistant.

Trước khi dính vào cáo buộc thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, Google từng phải đối mặt với cuộc điều tra trên diện rộng về hoạt động kinh doanh bởi giới chức Mỹ muốn làm rõ cáo buộc về cách thức gã khổng lồ công nghệ này xử lý dữ liệu của người dùng và đưa ra các kết quả tìm kiếm. 

Tổng chưởng lý Josh Hawley của bang Missouri đã yêu cầu xác định liệu Google có vi phạm đạo luật chống độc quyền và bảo vệ khách hàng hay không. Google cũng mới bị phạt hơn 21 triệu USD tại Ấn Độ vì lạm dụng ưu thế thống trị của mình để gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh ở nước này. 

Ủy ban phụ trách vấn đề cạnh tranh thương mại Ấn Độ cho biết, tất cả những đối thủ cạnh tranh của Google đều bị xếp sau bởi công cụ tìm kiếm thiếu khách quan của gã khổng lồ này. 

Tuy số tiền phạt chỉ khoảng 5% doanh thu 1 năm của Google tại Ấn Độ và nhỏ hơn rất nhiều mức án 2,7 tỷ USD của Ủy ban châu Âu dành cho họ trong năm 2017, nhưng đây được coi là động thái đáng quan ngại. Bởi trước đó, Google từng bị cáo buộc đã chuyển gần 16 tỷ euro đến Bermuda để trốn thuế. 

Theo hãng Bloomberg, Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia Google LLC (Mỹ) đã chuyển 15,9 tỷ euro đến một công ty bình phong tại Bermuda trong năm 2016, giúp Google trốn được hàng tỷ USD tiền thuế. Bởi thuế suất thực tế trên thế giới của Google trong năm 2016 là 19,3%, nhưng với động tác "lách luật" này, Google đã giữ lại khoảng 3,7 tỷ USD.

Và theo Luật Bảo vệ dữ liệu mới của EU có tên gọi "Quy định bảo vệ dữ liệu chung", đối tượng phải chịu sự điều chỉnh lần này là Google, Twitter và Facebook, cũng như ngân hàng và cơ quan nhà nước. Họ sẽ đối mặt với khoản phạt lên tới 20 triệu euro hoặc 4% tổng doanh thu cả năm nếu không tuân thủ luật "Quy định bảo vệ dữ liệu chung". 
Quốc Dũng
.
.
.