Xung quanh cáo buộc rửa tiền đối với 2 ngân hàng lớn của Trung Quốc

Thứ Bảy, 01/08/2015, 18:00
Việc lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Sở Dịch vụ Tài chính New York yêu cầu chi nhánh tại Mỹ của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (1 trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc) phải giải trình những biện pháp đối phó tốt hơn với nạn rửa tiền, đang khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm. Bởi trong quyết định hôm 21/7 của FED và Sở Dịch vụ Tài chính New York, 2 cơ quan này cho rằng, Trung Quốc không thường xuyên hợp tác với họ trong công tác đối phó và chống nạn rửa tiền xuyên biên giới.

Ông Mildred Harper, quan chức tại chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc ở thành phố New York (mở từ năm 2009) đã xác nhận những thông tin kể trên. Và theo yêu cầu của FED và Sở Dịch vụ Tài chính New York, trong vòng 60 ngày, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc phải thuê một bên thứ ba độc lập để đánh giá xem họ có tuân thủ quy định trong việc xác định và báo cáo những giao dịch đổi ngoại tệ đáng ngờ trong nửa cuối năm 2013 hay không.

Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Mỹ.

Theo tờ The Wall Street Journal, FED và Sở Dịch vụ Tài chính New York đưa ra quyết định kể trên sau khi họ phát hiện một số vấn đề "bất hợp lý" ở chi nhánh tại Mỹ của ngân hàng này. Tuy nhiên, cho đến nay FED vẫn chưa đưa ra biện pháp trừng phạt, và không nêu chi tiết những vấn đề Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đang phải đối mặt.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, đã đặt chi nhánh tại 24 nước và đang bị Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương Trung Quốc yêu cầu kiểm toán (chỉ 1 ngày sau quyết định của FED và Sở Dịch vụ Tài chính New York).

Theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương, hoạt động kiểm toán lần này của họ chỉ chú trọng đến "sự lạm dụng quyền lực của các lãnh đạo để làm giàu cá nhân hoặc vì tư lợi, hành vi tham nhũng và những vi phạm kỷ luật khác", không liên quan tới quyết định của FED và Sở Dịch vụ Tài chính New York. 1 năm trước (tháng 7/2014), Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng từng cáo buộc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc rửa tiền và giúp khách hàng giàu có chuyển tiền lậu qua biên giới.

Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh thường xuyên không hợp tác với các nước hữu quan trong việc đối phó với nạn rửa tiền xuyên biên giới. Và đây không phải lần đầu một ngân hàng nhà nước Trung Quốc dính líu đến những rắc rối liên quan tới rửa tiền ở nước ngoài. Bởi trước đó (20/6), các công tố viên ở thành phố Florence, thủ phủ vùng Tuscany, Italia đã chính thức đề nghị truy tố chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở thành phố Milan cùng 297 người, hầu hết là người Trung Quốc, bị nghi rửa tiền và dính líu đến một số hoạt động tội phạm khác.

Theo kết quả cuộc điều tra cho thấy, khoảng 5,1 tỉ USD đã được chuyển trái phép từ Italia đến Trung Quốc trong giai đoạn 2006-2010 thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money tại một số thành phố của nước này. Trong đó khoảng 2,4 tỉ USD được chuyển thông qua chi nhánh BOC (ngân hàng thương mại quốc doanh lớn thứ tư Trung Quốc) ở thành phố Milan, mang lại cho ngân hàng này hơn 860.000 USD.

Theo giới truyền thông, 4 nhà quản lý cao cấp của chi nhánh này bị cáo buộc không trình báo những giao dịch bất thường, giúp che giấu nguồn gốc, điểm đến của số tiền và tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm.

Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

Ngoài 4 nhà quản lý kể trên, cơ quan chức năng Italia đã cáo buộc gần 300 cá nhân có liên quan tới các vụ rửa tiền. Theo các công tố viên Florence, hoạt động chuyển tiền diễn ra thường xuyên, bằng một cái tên Trung Quốc giả nào đó và động thái này đã củng cố thêm năng lực kinh tế của các tổ chức mafia Trung Quốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực nhập cư trái phép. Hãng tin ANSA của Italia cũng dẫn lời đại diện cơ quan công tố Florence cho biết, hơn 5 tỉ USD của doanh nhân người Hoa thu được đến từ hoạt động kinh doanh trái phép như mại dâm, sản xuất hàng nhái, hàng giả, trốn thuế và bóc lột sức lao động của công nhân.

Hãng Reuters cho biết, từ năm 2008, công tố viên Pietro Suchan (hiện là thẩm phán) đã phát động chiến dịch điều tra quy mô nhằm vào băng nhóm tội phạm Trung Quốc. Và trên cương vị mới, thẩm phán Pietro Suchan tuyên bố, họ không thể liên lạc được với giới chức tư pháp và cảnh sát Trung Quốc.

Về phần mình, BOC khẳng định không làm gì sai trong các giao dịch chuyển tiền và luật sư của Money2Money cũng tuyên bố, khách hàng của mình vô tội. Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) còn đăng bài chỉ trích những thông tin "không bình thường" của truyền thông phương Tây, đồng thời nhấn mạnh, BOC không có trách nhiệm phải hợp tác với cảnh sát Italia.

Nhiệm Bình
.
.
.