Xung quanh luật do thám mới của Pháp

Thứ Hai, 06/07/2015, 15:00
Việc Pháp thông qua luật do thám mới (24/6) đang gây tranh cãi khi cho phép các cơ quan chức năng do thám công dân nước này. Và vì việc này diễn ra đúng thời điểm WikiLeaks công bố thông tin sốc (Mỹ đã nghe lén 3 đời tổng thống Pháp trong giai đoạn 2006-2012) nên dư luận càng quan tâm tới vấn đề này.

Luật mới cho phép chính quyền do thám trên truyền thông kỹ thuật số và điện thoại di động của bất cứ ai có liên quan đến một cuộc điều tra khủng bố mà không cần sự cho phép của tòa án, các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các công ty điện thoại. Các nhà chức trách có quyền giữ các bản ghi âm trong vòng 1 tháng và siêu dữ liệu trong vòng 5 năm. Cơ quan mật vụ sẽ có quyền đặt máy ghi hình và thiết bị thu âm tại nơi ở cá nhân và cài đặt thiết bị theo dõi bàn phím của một máy tính mục tiêu.

Cảnh sát áp giải 1 phụ nữ có liên quan với nghi can Yassine Salhi.

Được biết, dự luật mới đã được thông qua một cách áp đảo bởi các nhà lập pháp cả cánh tả lẫn cánh hữu và được soạn thảo trong một thời gian dài và nhận được ủng hộ mạnh mẽ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Paris hồi tháng 1 khiến 17 người thiệt mạng. Bởi sau vụ khủng bố tòa soạn báo biếm họa Charlie Hebdo, Pháp vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ và đang phải căng mình để theo dõi hàng trăm thanh niên Hồi giáo tìm cách sang Syria và Iraq để chiến đấu cho các phong trào thánh chiến hoặc trở về từ đó. Tuy nhiên, luật do thám mới cũng đang vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức như Tổ chức Ân xá Thế giới.

Cũng trong ngày 24/6, khi phát biểu trên kênh truyền hình Pháp TF1, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho rằng, đã đến lúc các chính phủ châu Âu phải có hành động pháp lý đối với các hoạt động do thám của Mỹ. Đồng thời kêu gọi Quốc hội Pháp cần mở cuộc điều tra hành vi do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và đưa vụ này lên cơ quan công tố để truy tố các đối tượng do thám.

Ông Julian Assange còn nhấn mạnh, đây mới là sự mở đầu của một loạt tiết lộ mới bởi WikiLeaks còn giữ nhiều bí mật về chương trình do thám của Mỹ. Theo tờ Ouest France, NSA đã lắp đặt thiết bị nghe lén trên mái nhà Đại sứ quán Mỹ ở đại lộ Gabriel (thủ đô Paris) và cơ quan tình báo Pháp biết các thiết bị nghe lén đặt trong Đại sứ quán Mỹ hoạt động khoảng 4 năm nay.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cử điều phối viên về tình báo Didier Le Bret và Tổng Giám đốc Tổng cục An ninh Bernard Bajolet tới Mỹ để làm rõ những tiết lộ của WikiLeaks. Ngay sau khi vụ việc này được giới truyền thông đăng tải, Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với Tổng thống Francois Hollande, đồng thời khẳng định, Mỹ tiếp tục tôn trọng cam kết không nghe lén.

Dư luận cũng quan tâm tới tuyên bố của Bộ trưởng Tư pháp Pháp khi bà Christiane Taubira cho rằng, Paris có thể sẽ cho phép cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden và người sáng lập WikiLeaks Julian Assange tị nạn tại đất nước này. Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFMTV, bà Christiane Taubira nhấn mạnh, đây không phải là quyết định của Bộ trưởng Tư pháp, mà phải là Tổng thống và Thủ tướng Pháp.

Ngày 25/6, tờ Liberation cho rằng, việc cho phép Edwad Snowden tị nạn được coi là hành động khinh thường đồng minh Mỹ, đồng thời gửi tới Washington một thông điệp rõ ràng và hữu ích.

Edward Snowden và Julian Assange có thể sẽ được tị nạn tại Pháp.

Giới chuyên môn cho rằng, việc bất hợp tác (từ chối trả lời câu hỏi của các nhà điều tra) của Yassine Salhi, nghi can gây ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà máy sản xuất khí đốt ở thị trấn Saint-Quentin-Fallavier và chặt đầu một nạn nhân hôm 26/6, càng khiến cho cuộc chiến chống khủng bố thêm quyết liệt. Và việc này sẽ làm dịu bớt những chỉ trích đối với luật do thám mới.

Được biết, Yassine Salhi, cùng vợ và chị gái đang bị giam giữ tại thành phố Lion, sau khi tên này lái xe đâm vào nhà máy sản xuất khí đốt của Mỹ, sát hại người chủ và treo đầu của ông lên cửa ra vào của nhà máy. Theo luật chống khủng bố của Pháp, Yassine Salhi và 2 phụ nữ kể trên sẽ bị tạm giữ trong 4 ngày trước khi có lệnh bắt giam chính thức của tòa án. Yassine Salhi từng bị điều tra cách đây 9 năm vì liên quan đến cực đoan và được cho là có liên kết với phong trào Hồi giáo Salafist.

Trước đó (25/6), tờ Figaro cho biết, đối tượng người Pháp gốc Algeria Sid Ahmed Glham, nghi can bị bắt hồi tháng 4/2015 do âm mưu tấn công các nhà thờ ở Paris, còn có kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào tuyến đường sắt hoặc tàu điện ngầm của Pháp. Theo tờ Figaro, Sid Ahmed Glham không thực hiện âm mưu tấn công một mình mà cấu kết với một mạng lưới khủng bố.

Thiện Lân
.
.
.