ASEANAPOL và Europol Những đối tác quan trọng của Cảnh sát Việt Nam

Thứ Bảy, 21/02/2015, 09:00
Cuộc họp chính thức đầu tiên của những người đứng đầu lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN được tổ chức tại Thủ đô Manila (Philippines) từ ngày 21/10 - 23/10/1981. Cuộc họp thống nhất thành lập Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á và các hội nghị thường niên sẽ được tổ chức với tên gọi Hội nghị ASEANAPOL. Điều kiện để trở thành thành viên ASEANAPOL là quốc gia đó phải là thành viên ASEAN và đơn gia nhập phải được đệ trình để các thành viên xem xét tại kỳ họp gần nhất.

Ban đầu thành viên của ASEANAPOL chỉ gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Các thành viên gia nhập tiếp theo là Brunei (năm 1984), Việt Nam (năm 1996), Lào và Myanmar (năm 1998), Campuchia (năm 2000). Hội nghị ASEANAPOL với sự tham dự của Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN được tổ chức thường niên theo hình thức luân phiên để tổng kết một năm hoạt động, đề ra phương hướng hợp tác trong năm tiếp theo và cũng tại hội nghị này, chức chủ tịch luân phiên sẽ được trao cho Cảnh sát nước chủ nhà.

Tại Hội nghị lần thứ 25 tổ chức tại đảo Bali (Indonesia) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Tổng thư ký ASEANAPOL với chức năng là kênh liên lạc và điều phối hoạt động của cảnh sát các nước ASEAN, góp phần thực hiện các thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Cộng đồng chung ASEAN thông qua Kế hoạch hành động và chương trình nghị sự, thực hiện các điều khoản được hội nghị thường niên ASEANAPOL thông qua.

Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 29 tổ chức tại Hà Nội năm 2009.

Từ khi gia nhập ASEANAPOL đến nay, thông qua kênh hợp tác này lực lượng Cảnh sát Việt Nam tiếp nhận và xử lý hàng nghìn thông tin tội phạm xuyên quốc gia. Đồng thời, đã trao đổi thông tin tội phạm và phối hợp điều tra, phát hiện, triệt phá hàng trăm đường dây tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới các hoạt động buôn bán ma tuý, buôn người, lừa đảo kinh tế, tài chính và các tội phạm khác. Cảnh sát Việt Nam phối hợp lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN thực hiện hàng nghìn lượt yêu cầu liên quan tương trợ tư pháp hình sự, truy bắt tội phạm nước ngoài lẩn trốn tại Việt Nam và ngược lại. Việt Nam đã hai lần đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị ASEANAPOL, đó là Hội nghị lần thứ 19 (từ 26 - 28 tháng 4/1999) và lần thứ 29 (từ 12 - 16/5/2009).

Tổ chức Cảnh sát châu Âu Europol là cơ quan Liên minh châu Âu (EU), có trụ sở đặt tại thành phố Hague (Hà Lan) với khoảng 800 nhân viên thường trực, trong đó có 145 sỹ quan liên lạc của Cảnh sát các nước thành viên.  Tiền thân của Europol xuất hiện từ TREVI, một diễn đàn hợp tác an ninh và Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước Ủy ban Châu Âu (EC) từ năm 1975.

Năm 1991, Đức là quốc gia đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Văn phòng Cảnh sát châu Âu tại một cuộc họp của EC tại Luxembourg. Sau khi Hiệp ước Maastricht có hiệu lực vào năm 1993, tiến trình đàm phán để thành lập Europol giữa các quốc gia châu Âu được đẩy mạnh và tới tháng 10/1998, Công ước thành lập Europol đã được 15 nước thông qua. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 7/1999, Europol chính thức đi vào hoạt động.

Europol không có thực quyền hành pháp nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối hợp tác, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm khủng bố quốc tế của EU. Europol không có chức năng tiến hành các hoạt động điều tra hay bắt giữ nghi phạm tại các nước thành viên. Thông qua các cơ chế điều phối và cơ sở dữ liệu của mình, tổ chức này tổ chức trao đổi thông tin, phân tích tình báo, hỗ trợ nhân sự, đào tạo và điều phối hợp tác với các tổ chức cảnh sát khác ngoài EU.

Từ khi ra đời đến nay, Europol ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành hoạt động hợp tác của Cảnh sát châu Âu với các tổ chức chính trị và cảnh sát khác trên thế giới như Liên hợp quốc, Interpol, ASEANAPOL… Đồng thời, tổ chức hiệu quả hoạt động phối hợp phòng, chống tội phạm giữa cảnh sát các quốc gia thành viên.

Hàng loạt chiến dịch lớn chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm làm giả giấy tờ qua mạng, tội phạm buôn người và tổ chức nhập cư bất hợp pháp… đã được Europol chủ trì điều phối với sự tham gia và tiến hành của cảnh sát nhiều nước châu Âu, đánh sập nhiều đường dây và tổ chức tội phạm khét tiếng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên toàn châu Âu. Thông qua cơ chế hợp tác Europol, mối quan hệ phối hợp giữa các quốc gia thành viên cũng được thắt chặt, tạo các mối quan hệ song phương và đa phương hiệu quả giữa cảnh sát các nước thành viên trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, hỗ trợ trang bị, phương tiện, đào tạo, học tập kinh nghiệm…

Lực lượng Europol kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Cùng với việc sử dụng đồng tiền chung và việc đi lại dễ dàng giữa các nước thuộc liên minh châu Âu thì vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tội phạm cũng là bài toán làm đau đầu Cảnh sát các nước và yêu cầu cần thiết là phải nâng cao được hiệu quả hợp tác quốc tế trong công tác cảnh sát.

Hiện nay, Europol ngoài việc kết nối và thường xuyên trao đổi thông qua hệ thống liên lạc Interpol cũng chủ động phát triển mạnh các hệ thống cơ sở dữ liệu và tiện ích của riêng mình nhằm phục vụ có hiệu quả hơn hoạt động của cảnh sát các nước thành viên. Mục tiêu của Europol là đoàn kết, thống nhất, hiện đại, hiệu quả để tạo nên một cơ chế hợp tác, điều hành tối ưu, để tổ chức này trở thành mái nhà chung của Cảnh sát các nước châu Âu chung tay phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Phạm Oanh - Xuân 2015
.
.
.