Ðại chiến tiền mặt

Ðộng cơ chiến tranh (Kỳ 1)

Thứ Sáu, 19/05/2017, 10:40
Có lẽ lâu nay chúng ta đã nghe việc Chính phủ khuyến khích giảm sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đang có một xu hướng cực đoan hơn, đó là hoàn toàn “tận diệt” tiền mặt. Xu hướng này được gọi là “Cuộc chiến tranh chống tiền mặt” (The war on cash). Trong vòng 5 năm từ 2010-2015, các giao dịch không tiền mặt đã tăng 50%, từ 285,2 tỷ USD lên 426,3 tỷ USD.


Những gì chúng ta đã thấy ở Ấn Ðộ hồi cuối năm 2016 là một phần của cuộc chiến này. Khi đó, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tuyên bố “khai tử” 2 loại tiền mệnh giá lớn nhất nước này là 500Rs và 1.000Rs (tương đương 8 và 15USD).

Bốn thế lực gây chiến

Chiến tranh tiền mặt đang được thực hiện bởi 4 nhóm chính. Một, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hiện nay như ngân hàng và các công ty phát hành thẻ tín dụng. Hai, các công ty công nghệ, bao gồm cả những doanh nghiệp start-up, với những tham vọng về dịch vụ tài chính (fintech). Ba là các chính phủ. Bốn là các ngân hàng trung ương. Rõ ràng đây là một tập hợp lực lượng cực kỳ hùng hậu.

Nhưng không phải tất cả các bên gây chiến đều có cùng mục tiêu. Trên thực tế, những mục tiêu của họ không chỉ khác nhau mà đôi khi còn xung đột, nhưng lợi ích của họ lại bổ sung cho nhau trong cuộc chiến lật đổ tiền mặt. 

Thí dụ, những doanh nghiệp fintech như PayTM có thể chiếm mất “phần bánh” kinh doanh của các công ty dịch vụ tài chính hiện tại và phá hoại một số mô hình kinh doanh, nhưng đối với cả 2 nhóm, tiền mặt thực sự là kẻ thù không đội trời chung hoặc nhẹ lắm cũng là không có tích sự gì. Lợi ích mang lại từ tiền mặt đối với 2 nhóm này là cực thấp. 

Đối với các ngân hàng, việc kiểm đếm, quản lý, lưu trữ và di chuyển tiền mặt rất tốn kém. Nhưng một khi tiền mặt biến thành các bit kỹ thuật số, họ sẽ nắm được tới 2 cơ hội: thứ nhất, áp phí lên mỗi giao dịch; thứ hai, nắm được thu nhập và thói quen chi tiêu của khách hàng, từ đó đưa ra những dịch vụ và mô hình kinh doanh thích hợp. Vì vậy, các ngân hàng và những công ty fintech đều muốn đánh đuổi tiền mặt.

Ấn Độ đang ở giữa chiến trường này vì 2 lý do chính. Thứ nhất, nước này được xem đã đáp ứng được về cơ sở hạ tầng cơ bản về tài khoản ngân hàng và sự phổ biến của điện thoại di động để có thể tiến đến một nền kinh tế không tiền mặt. Thứ hai, Ấn Độ được xem là nước có thể hưởng lợi lớn từ cuộc chiến chống tiền mặt.

Thêm “hỏa lực” cho lãi suất

Chúng ta biết rằng các loại thẻ đã thay thế tiền mặt trên toàn thế giới một cách chậm chạp và ổn định trong hàng chục năm qua. Tiền mặt ngày nay chỉ chiếm từ 22-68% tổng khối lượng giao dịch ở các nền kinh tế phát triển. Na Uy, Australia và Đan Mạch đã dẫn đầu nhóm sử dụng giao dịch kỹ thuật số, trong khi Nhật, Đức và Hàn Quốc nằm trong số những nước vẫn thích sử dụng tiền mặt. Hoa Kỳ lại nằm ở lưng chừng, với con số 49%. Tuy nhiên, chỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 người ta mới bắt đầu nhấn mạnh đến việc loại bỏ tiền mặt trên phạm vi toàn cầu.

Ấn Ðộ được xem là nước có thể hưởng lợi lớn từ cuộc chiến chống tiền mặt. 

Như đã biết, cuộc suy thoái kinh tế nổ ra năm 2008 đã đẩy các nền kinh tế phát triển vào tình trạng tăng trưởng chậm, đầu tư và lạm phát suy yếu. Để kích thích tiêu dùng và đầu tư, ngân hàng trung ương ở các nước này đã quyết định giảm lãi suất xuống quanh mức zero. 

Tuy nhiên, điều khiến họ lo sợ là việc giảm lãi suất bằng 0 hoặc gần bằng 0 vẫn không đủ để vực dậy nền kinh tế. Trên thực tế, một số nước thậm chí còn áp lãi suất ở dưới mức zero, như Đan Mạch là nước đầu tiên vào năm 2012, tiếp theo là một số ngân hàng trung ương ở châu Âu năm 2014 và Nhật Bản năm 2016.

Lãi suất là “vũ khí” mạnh nhất của các ngân hàng trung ương dùng để kiểm soát lạm phát hay trì trệ kinh tế. Nếu nền kinh tế nóng lên và lạm phát vượt quá tỷ lệ mục tiêu, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để xoa dịu đầu tư và tiêu dùng. Khi đó, người ta sẽ tiết kiệm nhiều hơn trong khi chi tiêu ít hơn, làm giảm lạm phát và tăng trưởng. 

Nhưng nếu nền kinh tế trì trệ và lạm phát thấp hơn mục tiêu, đầu tư hoặc tiêu dùng đều yếu, các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất để kích thích. Lý thuyết kinh tế cho rằng việc đẩy lãi suất xuống dưới mức zero là cần thiết để kéo đầu tư và tiêu dùng.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Kỳ vọng lãi suất tiêu cực sẽ buộc các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân phải đem tiền đi cho vay, đầu tư hoặc chi tiêu thay vì gửi tiết kiệm. Lý thuyết kinh tế cho rằng lãi suất càng giảm càng kích thích chi tiêu và tăng trưởng; ngược lại, lãi suất càng cao càng kiềm chế chi tiêu. Tuy nhiên, trong thực tế lý thuyết này dường như có vấn đề. 

Các ngân hàng trung ương có thể áp lãi suất cao tùy thích, nhưng lại không thể giảm lãi suất tùy thích vì một lý do đơn giản: nếu áp lãi suất âm quá nhiều, người ta sẽ ra ngân hàng rút hết tiền về nhà giữ trong két sắt. Khi đó chi tiêu cũng không tăng lên và các mục tiêu của ngân hàng trung ương không đạt được. 

Nói cách khác, các nhà kinh tế cho rằng có sự bất đối xứng trong việc sử dụng công cụ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Họ có sức mạnh to lớn trong việc hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng, nhưng lại khá hạn chế trong việc kích thích nền kinh tế trì trệ bằng cách hạ lãi suất.

Thuật ngữ kỹ thuật các nhà kinh tế sử dụng để mô tả tình huống này là Effective Lower Bound (ELB - ranh giới thấp hữu hiệu), tức mức lãi suất thấp nhất các ngân hàng có thể áp mà không sợ người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền về cất giữ ở nhà. 

Vì gửi tiền ở ngân hàng được cho là an toàn hơn giữ ở nhà, và việc có tài khoản ngân hàng cũng giúp họ có thể sử dụng thẻ ghi nợ, nên ELB có thể thấp hơn zero một ít, chẳng hạn -0,5% hoặc -1%. Tuy nhiên, nếu vượt qua ngưỡng ELB, người ta sẽ không gửi tiền ở ngân hàng nữa. 

Sau cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008, hầu hết các ngân hàng trung ương đều hạ lãi suất xuống mức tiệm cận ELB. Tuy nhiên, dường như điều này cũng không kích thích được nền kinh tế.

Trong tình huống này, một số nhà kinh tế đã bắt đầu thúc đẩy một ý tưởng mới: loại bỏ tiền mặt hoàn toàn. Nếu không có tiền mặt, người ta không thể lấy tiền ra khỏi ngân hàng, và khi đó các ngân hàng trung ương có thể mặc sức áp lãi suất âm nếu thấy cần thiết. 

Nói cách khác, loại bỏ tiền mặt sẽ cải thiện khả năng chống lại trì trệ và cải thiện tăng trưởng của các ngân hàng trung ương. Dĩ nhiên, điều này giống như sự chiếm đoạt tiền tiết kiệm của người dân và sẽ khiến nhiều người phản kháng.

(Còn tiếp)

Vĩnh Ðông
.
.
.