Ai đang giúp bọn buôn người từ Syria vào châu Âu phát tài?

Thứ Hai, 11/01/2016, 21:00
Thông tin trên tờ The Wall Street Journal đang khiến giới chức các nước tham gia chống nạn buôn người tỵ nạn từ Syria vào châu Âu phải nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu chống lại đường dây chuyển tiền giúp bọn chúng phát tài.

Bởi nếu để đường dây chuyển tiền được biết tới dưới tên gọi hawala tiếp tục hoạt động như hiện nay, sẽ khó ngăn được dòng người di cư vào châu Âu nói riêng, và các quốc gia khác trên thế giới nói chung. Bởi hawala (có nghĩa là chuyển khoản theo tiếng Arab) được hình thành từ nhiều thế kỷ, hoạt động dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

Theo thống kê, dòng người di cư lậu ở châu Âu trị giá khoảng 2,5 tỉ USD/năm, trong đó 90% số tiền này thông qua hawala. Và hawala cũng đã chuyển hàng chục tỉ USD/năm từ người di cư gửi về gia đình. Người sử dụng dịch vụ hawala gồm đủ thành phần, đối tượng và họ không cần tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, thậm chí giấy tờ tùy thân, nhưng vẫn rút và gửi tiền thuận lợi, dễ dàng.

Người làm việc trong hệ thống halawa gọi là hawaladar - chuyển tiền tận tay người nhận trong vòng 48 giờ, bất kể nơi đó ở đâu. Bọn tội phạm thích sử dụng hawala bởi không cần bất cứ thủ tục nào, nhưng tiền của chúng vẫn được bảo toàn.

Tuy hoạt động không chính thức, nhưng hawala được người sử dụng tin dùng bởi hầu như không có gian lận, lừa đảo trong hệ thống. Theo ông Nikos Passas, người chuyên nghiên cứu về hawala, nếu ai đó không tuân thủ quy định của "luật chơi", họ sẽ bị tẩy chay và không có cơ hội làm lại. Còn theo Giáo sư về tội phạm học Andrea Di Nicola, khó theo dõi dòng tiền của tội phạm.

         Người tị nạn đợi tàu tới Thụy Điển ở một nhà ga Đan Mạch.

Được biết, Bộ Tài chính Mỹ từng buộc tội đường dây này chuyển hàng tỉ USD giúp các quan chức tham nhũng, Taliban và bọn trùm buôn lậu ma túy thông qua hawala ở Afghanistan. Năm 2010, khoảng 50% số tiền chuộc con tin của hải tặc Somalia đã vào túi bọn chúng nhờ hệ thống hawala. Theo lời kể của Hawez Zaman, 32 tuổi, người Iraq gốc Kurd,  một hawaladar ở vùng ngoại ô Aksaray của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trung bình mỗi ngày anh nhận khoảng 200 cuộc chuyển tiền với giá trị khoảng 1.500 euro từ những người nhập cư đến từ Syria, Iraq và Afghanistan.

Tuy không phải đóng thuế, cùng những chi phí khác, nhưng Hawez Zaman không thể hưởng 100% số tiền kiếm được từ công việc này. Bởi nếu không nộp tiền bảo kê cho cảnh sát và tội phạm địa phương, những người như Hawez Zaman sẽ không thể làm ăn thuận lợi. Và cũng chính vì hawala đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ, nên các băng đảng tội phạm thường tranh giành địa bàn, tạo ra những cuộc thanh trừng đẫm máu.

Theo lực lượng biên phòng Thụy Điển, họ đã phát hiện nhiều vụ dân nhập cư sử dụng hawala để chuyển tiền giúp người thân ở Italia, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đoàn tụ với gia đình. Và theo chỉ huy của lực lượng này là Patrik Engstrom, thì đây là vấn nạn lớn đối với cảnh sát bởi họ khó phát hiện những vụ chuyển khoản này - có xuất xứ từ đâu, tới đâu, ai chuyển và ai nhận...

Interpol cảnh báo, đường dây chuyển tiền hawala có thể giúp bọn khủng bố nguồn kinh phí để tổ chức những cuộc tấn công, mặc dù các nhà điều tra chưa tìm thấy chứng cứ hawala được sử dụng để chuyển tiền cho bọn khủng bố tấn công Paris tối 13-11-2015. Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), đã có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn tới Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015 (gấp 4 lần năm 2014) và các tổ chức buôn người kiếm được trên 1 tỷ USD từ dịch vụ này.

Và theo người phát ngôn IOM Joel Milman, rất khó để dự đoán diễn biến của cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn châu Âu trong năm 2016. Theo lời Giám đốc IOM William Lacy Swing, trung bình mỗi gia đình người di cư và tị nạn phải chi cho bọn buôn người từ 2.000 đến 6.000 USD mới có cơ hội đến EU. Và theo ước tính, từ năm 2000 đến nay, bọn buôn người đã kiếm khoảng 10 tỷ USD và đây là ngành dịch vụ đem lại lợi nhuận lớn, ông William Lacy Swing nhận định.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng cảnh báo, EU phải tăng cường kiểm soát các khu vực biên giới của khối này để đề phòng IS lợi dụng dòng người di cư, xâm nhập vào các nước thành viên, tiến hành các vụ tấn công, khủng bố. Và lực lượng cảnh sát Đức đang truy nã 12 đối tượng sử dụng hộ chiếu Syria giả để thâm nhập nước này sau đó "biến mất".

Trong khi đó Cơ quan Biên phòng châu Âu cảnh báo, IS đã chiếm được rất nhiều phôi hộ chiếu trắng ở Syria, Iraq, Libya và với những cuốn hộ chiếu này, chúng có thể xâm nhập vào châu Âu một cách khó kiểm soát. Bởi số hộ chiếu kể trên được bán ở thị trường chợ đen với giá từ 1.000 đến 1.500 USD/cuốn. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt 2 nghi phạm IS, thu giữ 150 hộ chiếu giả có nguồn gốc châu Âu.

Nhiệm Bình
.
.
.