Ai đứng sau vụ tấn công mạng của Hạ viện Đức?

Thứ Bảy, 23/05/2015, 10:00
Vì một số dữ liệu trong hệ thống mạng của Hạ viện, đặc biệt là ổ lưu trữ dữ liệu của Ủy ban Giám sát Hạ viện, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra vụ bê bối của Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) đã bị thâm nhập và tải xuống nên dư luận càng quan tâm tới việc hệ thống máy tính của Hạ viện Đức trở thành mục tiêu của một đợt tấn công mạng lớn chưa từng có trong lịch sử nước này. 

Theo tờ Spiegel số ra ngày 15/5, Cục An ninh công nghệ thông tin Liên bang Đức (BSI) cùng chuyên gia mạng của Hạ viện Đức đang xem xét để tìm những lỗ hổng trong hạ tầng mạng của cơ quan này. Nhưng đến nay họ vẫn chưa xác định được nguồn gốc của đợt tấn công mạng này.

Theo bà Petra Pau, Phó Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ thông tin Hạ viện Đức, đây là cuộc tấn công mạng với quy mô chưa từng có, và các đối tượng ẩn danh đã tìm cách cài đặt phần mềm do thám vào hệ thống máy tính của Hạ viện nước này. Hiện các đảng đối lập đang yêu cầu Chính phủ Đức và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel phải nhanh chóng làm sáng tỏ các cáo buộc liên quan tới BND. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Sigmar Gabriel từng tuyên bố, Thủ tướng Angela Merkel đã đảm bảo với ông rằng, BND không giúp Mỹ do thám kinh tế nước này.

Trước đó (13/5), khi phát biểu tại hội nghị về an ninh ở thủ đô Berlin, ông Hans-Georg Maaßen, người đứng đầu Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (BfV), đã bảo vệ cho các hoạt động của BND, đồng thời khẳng định, không có bằng chứng cho thấy tình báo Mỹ do thám các công ty hàng đầu của Đức.

Phó Chủ tịch Hạ viện Đức Petra Pau.

Ông Hans-Georg Maaßen cho rằng, sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ các thông tin về quy mô do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), BfV không nhận được bất cứ thông tin nào phản ánh việc các công ty Đức bị do thám. Ngoài ra, ông Hans-Georg Maaßen còn cảnh báo, không nên để những nghi ngờ ảnh hưởng tới sự hợp tác với Mỹ và nước này vẫn luôn là đối tác quan trọng của Đức trong lĩnh vực tình báo.

Nhưng theo các tài liệu vừa được đăng tải của Wikileaks, BND đã tích cực giúp đỡ NSA thu thập thông tin về công dân và nhiều công ty lớn tại châu Âu. Theo tiết lộ trước đây của Edward Snowden, NSA nhận được khoảng 500 triệu siêu dữ liệu/tháng từ BND và đây là con số tính riêng trong tháng 12/2012, còn thực tế lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, trang web Die Zeit tiết lộ, BND đã thu thập hơn 220 triệu đơn vị siêu dữ liệu, ước tính khoảng 6,6 tỷ gói dữ liệu mỗi tháng và gửi cho NSA khoảng 1/5 tổng số dữ liệu thu thập được (khoảng 1,3 tỷ gói dữ liệu/tháng). Và gói dữ liệu gửi tới NSA chủ yếu là thông tin của các phương tiện truyền thông nước ngoài đang hoạt động trong khu vực. Nhưng khi được phỏng vấn, phát ngôn viên của BND đã từ chối bình luận về thông tin kể trên.

Trong khi đó, tờ "Hình ảnh Chủ nhật" (Đức) cho rằng, BND đã tiếp tay cho NSA do thám Tập đoàn công nghệ Siemens. Lý do khiến NSA quan tâm tới Siemens bởi tập đoàn này đã ký hợp đồng với Cơ quan tình báo viễn thông và thông tin đặc biệt (SSSN, trước đây là FAPSI) của Nga. Theo hợp đồng này, Siemens chuyển cho SSSN các công nghệ viễn thông tình báo. NSA cũng từng đề nghị BND tìm kiếm thông tin về hàng chục nghìn danh mục mà không nêu lý do, nên BND bị cáo buộc đã tiếp tay để NSA do thám quan chức và doanh nghiệp châu Âu, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp hàng không và quốc phòng châu Âu (EADS), nay là Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus.

Chánh Văn phòng nội các Đức Peter Altmaier mới thông báo với Ủy ban điều tra NSA của Quốc hội rằng, Chính phủ đã hạn chế đáng kể việc chuyển tiếp dữ liệu cho NSA. Nhưng theo giới chuyên môn, cơ quan tình báo Đức phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tin từ Mỹ, trong đó có cảnh báo khủng bố cùng những bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao tại các khu vực khủng hoảng; do đó BND không thể không hợp tác với NSA. Ngoài NSA, BND đang hợp tác với khoảng 450 cơ quan tình báo của 167 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại diện Đảng Xanh và Cánh tả Đức từng kêu gọi giới chức nước này có biện pháp trừng phạt đối với những người tiếp tay cho hoạt động do thám của NSA tại Đức. Thậm chí họ còn yêu cầu chính phủ phải cung cấp bản danh sách do thám của Mỹ giai đoạn 2002-2010. Được biết, ngay từ năm 2005, Chính phủ Đức đã biết về các hoạt động do thám của NSA tại nước này, không phải đợi tới tiết lộ của Edward Snowden. Bởi khi đó, BND đã có chứng cứ cụ thể về việc tình báo Mỹ đưa Đức vào mục tiêu do thám. Ông August Hanning, cựu lãnh đạo BND từng nêu vấn đề này khi báo cáo về thực trạng tình báo tại Phủ Thủ tướng Đức ngày 8/2/2005.
Tuệ Sỹ
.
.
.