Ấn Độ:

Gia tăng số cảnh sát nữ để chống tội phạm hiếp dâm

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:00
Giới chức Ấn Độ vừa quyết định đưa thêm nữ giới vào lực lượng thực thi pháp luật bởi nhiều nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp chỉ tới đồn cảnh sát nếu biết phụ nữ làm việc ở đó.
Trong phiên họp nội các do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì mới đây, chính phủ quyết định nâng số lượng nữ cảnh sát để họ chiếm 1/3 tổng số cảnh sát ở thủ đô New Delhi. Đây là động thái mới nhằm làm giảm tình trạng lạm dụng tình dục và bạo hành phụ nữ.

"Nội các phê duyệt chủ trương tăng số lượng nữ giới trong ngành cảnh sát lên 33% bằng cách tuyển dụng trực tiếp tại các khu vực, bao gồm cả New Delhi"- AFP dẫn tuyên bố của chính phủ Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ hy vọng, quyết định sẽ giúp cơ quan chức năng tiếp cận và chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân nữ dễ dàng hơn.

Trước đây, số lượng nữ giới trong ngành cảnh sát khá thấp. Phụ nữ chỉ chiếm 7% trong lực lượng Cảnh sát tại New Delhi. Tờ Washington Post dẫn một nghiên cứu năm 2012 cho thấy, tỷ lệ Cảnh sát nữ càng thấp thì khả năng nạn nhân của hành vi hiếp dâm trình báo nhà chức trách càng thấp. Các nạn nhân chỉ tố cáo nếu họ biết cảnh sát nữ làm việc trong đồn.

Lực lượng nữ cảnh sát Ấn Độ.

Hiện tại, ngành cảnh sát Ấn Độ cần tuyển thêm khoảng 26.000 - 27.000 người. Con số ấy đồng nghĩa với việc khoảng 8.000 - 9.000 phụ nữ sẽ gia nhập lực lượng thực thi pháp luật trong thời gian tới, Times of India đưa tin.

Sau khi công bố chủ trương mới trên các phương tiện truyền thông, nhiều người đồng tình và khen ngợi động thái của chính phủ trong việc bảo vệ quyền phụ nữ.

"Đây là bước tiến quan trọng và quyết định đúng đắn của Thủ tướng Narendra Modi và chính quyền trung ương" - Aditya Raj Kaul, một người dân, nói.

Chính phủ Ấn Độ quan tâm nhiều hơn tới bảo vệ quyền phụ nữ sau vụ việc nhóm nam thanh niên làm nhục một nữ sinh viên 23 tuổi trên xe bus hồi tháng 12 /2012. Sau đó cô gái tử vong tại bệnh viện.

Thực tế, thời gian gần đây, lực lượng nữ tham gia cảnh sát ngày một tăng ở Ấn Độ. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, lực lượng nữ chiếm 5,8% trong ngành cảnh sát toàn quốc. Các bang Tamil Nadu, Maharashtra và Chandigarh được xem là những nơi có nhiều đại diện nữ trong lực lượng cảnh sát. Năm 1997, Tamil Nadu đã có một đạo luật, cho phép phụ nữ tham gia cảnh sát chiếm tới 33% tân binh. Những quốc gia có nhiều cảnh sát nữ là Nam Phi (28%), Úc (30%), Canada (18%), Mỹ (14%)… Tại Ấn Độ hiện nay, nhiều người trong lực lượng bán quân sự là nữ giới.

Nữ cảnh sát Ấn Độ chăm chỉ luyện tập.

Nghiên cứu quốc tế cho thấy, phụ nữ ban đầu được xem là không phù hợp với ngành cảnh sát, nhưng qua trải nghiệm cho thấy, nữ cảnh sát ít sử dụng vũ lực, họ mềm mại khi hóa giải tốt các cuộc đối đầu, không sử dụng vũ lực quá mức, họ có khả năng giao tiếp tốt hơn nam giới, thúc đẩy hợp tác và tạo niềm tin với công chúng.

Một nghiên cứu từ Cảnh sát London, Anh cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa nhân viên cảnh sát nam và nữ trong đương đầu với bạo lực, và những cam kết thực thi pháp luật. Một lợi ích khác là, nữ cảnh sát đối phó với bạo lực phụ nữ hiệu quả hơn. Người ta cũng ước tính rằng, 80% phái đẹp trong ngành cảnh sát hành động phi bạo lực.

Theo BBC, một nhóm gồm 40 cảnh sát nữ sẽ được phân công làm nhiệm vụ tại các trạm xe buýt, tàu điện ngầm, bên ngoài các trường học và nhiều khu vực khác, nơi phụ nữ thường bị đe dọa xâm hại tình dục trong vài tháng tới. Họ phải trải qua những tháng ngày tập luyện gian khổ, căng thẳng, và được mệnh danh "Những thiên thần của Charlie".  "Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động tồi tệ nào, những trò mèo, rình rập rồi hiếp dâm phụ nữ. Chúng tôi phải ngăn chặn những việc này xảy ra" - Bharti Wadhwa, người đứng đầu nhóm cho biết.

 New Delhi gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ hãm hiếp dã man. Mỗi năm, có hàng trăm vụ cưỡng bức ở thành phố này, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.

Cảnh sát New Delhi cũng đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, bao gồm việc tổ chức các lớp học tự vệ cho nữ giới.

Việc thành lập "Những thiên thần của Charlies" được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng, với một đất nước đông dân như Ấn Độ thì phải cần thêm thật nhiều đội nữa.

Tường Vân (tổng hợp)
.
.
.