Ấn Độ:

Mafia câu kết với Cảnh sát "bảo kê giấc ngủ" đường phố

Thứ Hai, 29/02/2016, 09:47
Thị trường "bảo kê giấc ngủ" này ở Delhi là hiện thân của những bất cập còn lại sau hàng thập kỷ phát triển như vũ bão của Ấn Độ. 


Chính quyền thành phố không đủ năng lực cung cấp các dịch vụ phúc lợi như chăm sóc sức khỏe, nước sạch, giao thông vận tải và cả an ninh cho người dân. Do đó, nhiều tay buôn đã chớp lấy thời cơ để kinh doanh những nhu yếu phẩm này. IBT ngày 15/2/2016 cho hay.

Dịch vụ "hút máu" người vô gia cư

Nói tới chỗ trú ngụ, đây là vấn đề sống còn tại Delhi, nơi nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch rất khắc nghiệt. Mùa hè năm ngoái đã có hàng ngàn người chết ở nước này vì nóng bức. Một phần trong doanh thu từ "dịch vụ hút máu" người vô gia cư sẽ được chia lại cho cảnh sát và công nhân vệ sinh để họ không đánh thức "khách hàng", phóng sự của tờ New York Times sẽ đề cập rõ điều này.

Mọi người quây quần ngủ ngon lành trong đêm đông lạnh giá.

Mỗi khi màn đêm buông xuống khu vực thủ đô Delhi của Ấn Độ, mọi người lại thấy một người đàn ông quấn khăn ngồi ở một góc đường quen thuộc, đó là Farukh Khan. Ông là nhà cung cấp dịch vụ gần như độc nhất vô nhị: Cho thuê chỗ ngủ trên đường phố. Với giá 20 rupee (6.500đồng), mỗi người được cấp một chỗ ngả lưng trên nền vỉa hè lạnh lẽo và bẩn thỉu.

Vào những ngày giá rét, họ phải nằm sát vào nhau để tìm kiếm chút hơi ấm phả ra từ cơ thể. Những người không đủ tiền trả cho Khan phải đốt lửa bằng những vật liệu tự kiếm được, họ nép sát bên đám lửa, chờ tới khi trời sáng.

Trên thực tế, có một thị trường "chợ đen" chuyên kinh doanh chỗ ngủ vỉa hè tại Delhi - "Thành phố của giấc ngủ", tên bộ phim tư liệu của đạo diễn Shaunak Sen. Ở đó, những ông chủ được xem như "mafia của giấc ngủ", họ kiểm soát ai ngủ ở đâu, bao lâu, "tiện nghi" đến mức nào.

Khan cho biết, ông đã kinh doanh dịch vụ này được 8 năm nay. Với "khách hàng trung thành", ông cung cấp dịch vụ trọn gói với giá 100 - 200 rupee mỗi tháng. Ngoài ra, Khan cho biết, ông quan hệ tốt với những tên cướp vặt để đảm bảo khách của mình không bị móc túi.

Những cái chết vì vấn đề giấc ngủ gây ra

Vào mùa đông, những người vô gia cư càng phải đấu tranh quyết liệt để sinh tồn. Ban ngày, họ phải giấu chăn gối trên ngọn cây để tránh bị trộm cắp. Khi đêm xuống, giá cho mỗi chỗ ngủ cũng tăng, từ 30 lên 50 rupee. Trong một cảnh phim, đạo diễn Sen ghi lại cảnh một người đàn ông khẩn nài tay buôn cho mượn một chỗ ngủ, nếu không ông sẽ chết vì lạnh.

Tay mafia cười khẩy đáp: "Ông làm gì có quyền chết. Muốn chết cũng phải có 1.250 rupee làm đám ma". Nhưng chuyện người có chỗ ngủ vẫn chết trên vỉa hè không phải là hiếm thấy. Mỗi năm, cảnh sát Ấn Độ thu gom khoảng 3.000 thi thể không rõ tên tuổi trên đường phố. Phần lớn là những người đàn ông có thể trạng suy kiệt sau nhiều năm ăn ngủ bờ bụi.

Khan kể lại chuyện cách đây ít lâu, một người đàn ông vẫn nằm quấn chăn ngủ khi trời đã sáng hẳn. Nhân viên lao công kéo chăn đánh thức ông thì mới phát hiện thi thể đã lạnh cứng. Những cái chết trên vỉa hè như thế này buộc chính quyền Ấn Độ phải ra tay. Năm 2014, Tòa án tối cao Ấn Độ ra phán quyết yêu cầu các thành phố của nước này phải bố trí chỗ trú ngụ cho 0,1% dân số.

Mùa đông năm 2015,  chính quyền thành phố Delhi đã mở rộng hệ thống trú tạm lên hơn 18.000 chỗ. Nhưng con số này chẳng thấm tháp vào đâu so với 100.000 người vô gia cư trong khu vực. Thành phố trung tâm đầu não của đất nước hiện có hàng trăm ngàn người thất nghiệp, và con số người vô gia cư tăng lên mỗi năm, một phần vì kinh tế khó khăn, một phần số người từ nông thôn chuyển lên thành thị ngày càng nhiều để kiếm công ăn việc làm. 

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.