Anh:

Các băng đảng tội phạm mua vũ khí qua online, vận chuyển qua bưu điện

Thứ Tư, 23/03/2016, 07:46
Báo cáo mới công bố của cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết, các băng nhóm tội phạm và khủng bố đang khai thác sự bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến để đưa vũ khí vào Anh thông qua dịch vụ bưu điện. Đây là thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm rất khó kiểm soát.


Nhiều thủ đoạn khó lường

Vấn đề khiến các cơ quan chức năng của Anh đặt nghi vấn là kể từ năm 2009, chỉ có một vụ vận chuyển súng lục Baikal bị phát hiện, thu giữ ở khu vực biên giới vào tháng 10/2015. 5 khẩu súng Baikal có bộ phận giảm thanh và 35 viên đạn đã được giấu trong lô hàng gắn mác "sản phẩm thịt" trên xe bưu chính xuất phát từ Lithuania đến Dover.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, các băng nhóm tội phạm ở Anh sử dụng súng Baikal hoạt động khá "phổ biến". Vậy các băng nhóm tội phạm lấy súng, vũ khí đạn dược ở đâu ra và đưa vào Anh bằng cách nào? Đây là những câu hỏi khiến các quan chức của NCA đau đầu.

Theo các quan chức của NCA, hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, khó lường. Các thủ đoạn vận chuyển, buôn bán súng đạn luôn thay đổi, khó kiểm soát. "Thực tế cho thấy, việc phát hiện thủ đoạn buôn bán, vận chuyển súng đạn vào Anh không hề đơn giản. Một xu hướng đáng báo động là các băng nhóm tội phạm đang tìm cách vận chuyển vũ khí thông qua phương tiện, dịch vụ công cộng mà ít người để ý tới", một quan chức của NCA nhận định.

Tình trạng mua bán súng đạn trực tuyến đưa vào Anh qua các dịch vụ bưu chính đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đảm bảo an ninh.

Trong một trường hợp, tù nhân Alexander Mullings, 23 tuổi đã đặt hàng, mua vũ khí từ Đức, chuyển đến nhà tù Wandsworth nơi Alexander Mullings đang thụ lý. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng an ninh trong các nhà tù ở Anh. Vào tháng 8/2015. Cảnh sát Anh đã thu giữ 22 khẩu Kalashnikov kiểu súng trường tấn công tự động, chín súng ngắn Skorpion, cùng nhiều đạn dược trong chiếc xe trên bến du thuyền ở Kent. Gần đây, NCA cũng đã phát hiện ra một ngôi nhà ngay giữa thủ đô London cất giấu nhiều thành phần, chất hóa học thường dùng để sản xuất đạn.

Theo NCA, các thành phần sản xuất đạn dược có khả năng được nhập khẩu bằng đường biển hoặc tội phạm mua từ nguồn cung cấp hợp pháp, không loại trừ khả năng mua trên các thị trường giao dịch trực tuyến.

NCA nhận định rằng, tình trạng các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí có khả năng sát thương hàng loạt đã tăng trong thời gian gần đây. Súng được đưa vào Anh thông qua nhiều con đường khác nhau, kể cả nhập khẩu trực tiếp, lấy trộm từ người có quyền giữ vũ khí hợp pháp…

Sử dụng dịch vụ bưu điện vận chuyển vũ khí vì giá rẻ và nguy cơ rủi ro thấp

"Sử dụng dịch vụ bưu điện để vận chuyển hàng hóa, vũ khí ngày càng trở nên phổ biến với tội phạm. Đây có thể là một trong những phương pháp vận chuyển vũ khí "được ưa chuộng" nhất trong thời gian tới. Buôn lậu vũ khí và đạn dược bằng con đường này có chi phí rẻ và nguy cơ rủi ro thấp", tờ DailyMail (Anh) dẫn báo cáo của NCA cho hay. NCA cho biết thêm, gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ súng Skorpion được đưa vào Anh qua dịch vụ chuyển phát nhanh ParcelForce.

Vũ khí chết người như súng máy và súng trường tấn công, đạn dược được các băng nhóm tội phạm, những phần tử khủng bố đặt mua trực tuyến, thường thông qua những trang "web đen" - được biết đến là một hình thức giao dịch bí mật trên Internet với không ít rủi ro. "Sự tồn tại của những giao dịch mua bán trên web đen đặt ra nhiều nguy cơ cho công tác an ninh. Vấn đề kiểm soát súng đạn, phát hiện súng đạn được đưa vào Anh bất hợp pháp luôn hết sức khó khăn", báo cáo của NCA cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường buôn bán vũ khí vào châu Âu diễn ra hết sức phức tạp, mặc dù, các quốc gia đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này. Ông An Vranckx, một chuyên gia nghiên cứu về vũ khí của Bỉ nói với phóng viên tờ Telegraph (Anh) rằng, hình thức phổ biến mà các băng nhóm tội phạm sử dụng để đưa vũ khí vào châu Âu được gọi là "Thương mại kiến". Đây là hình thức buôn bán vũ khí quy mô nhỏ, bằng nhiều tuyến đường di chuyển khác nhau.
T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.