Anh:

Nghi vấn xung quanh cái chết của nữ nhà báo Jacky Sutton

Thứ Sáu, 23/10/2015, 14:00
Chính phủ Anh đang tính đến việc đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép cử một nhóm chuyên gia cùng điều tra với lực lượng cảnh sát nước này về nguyên nhân cái chết của nữ nhà báo Jacky Sutton. Trong khi đó, truyền hình Thổ  Nhĩ Kỳ đã công bố những hình ảnh được cho là của bà Jacky Sutton trên sân bay Istanbul vào ngày bà chết (18/10) cũng như những nghi vấn được đưa ra bởi người thân, bạn bè và các đồng nghiệp của nữ nhà báo này.

Theo tin từ hãng BBC, hôm 19/10, sau khi làm việc với Bộ Ngoại giao Anh để nhanh chóng đưa thi thể của nữ nhà báo Jacky Sutton về nước an táng, thân nhân, gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp của bà tại hãng BBC đã gửi đơn lên chính quyền London, đề nghị xem xét kỹ vụ việc này.

Một đồng nghiệp thân thiết của bà Jacky Sutton còn cho biết, mọi người đặt nhiều câu hỏi, nghi vấn về cái chết kỳ lạ của bà. Vì vậy, trong thời gian tới, các đồng nghiệp của nữ nhà báo này sẽ sát cánh cùng người thân trong gia đình bà, dùng các phương tiện truyền thông, gây sức ép để đòi hỏi một cuộc điều tra quốc tế riêng bên cạnh cuộc điều tra do lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành. 

Hãng tin Reuters cho hay, từ hôm 18/10, sau khi phát hiện thi thể bà Jacky Sutton trong nhà vệ sinh nữ của sân bay Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức mở cuộc điều tra, kiểm tra toàn bộ các dữ liệu an ninh thu được từ camera giám sát tại sân bay, nhưng chưa phát hiện ra kẻ khả nghi.

Nữ nhà báo Jacky Sutton. (ảnh: Facebook).

Báo cáo ban đầu cho rằng, bà Jacky Sutton đã tự sát bằng cách treo cổ mình trong nhà vệ sinh nữ. Không ai hay biết việc này cho đến khi một nhóm khách người Nga bước vào và phát hiện. Để rộng đường dư luận, hôm 20/10, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho công bố toàn bộ đoạn băng do camera an ninh ở sân bay thu được vào thời điểm trước khi bà Jacky Sutton chết. Trong đoạn băng này, bà Jacky Sutton đang đeo ba lô và đi qua cửa kiểm tra an ninh. Sau đó bà đi dạo từ từ trong phòng đợi cùng các hành khách khác. Một số tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một nguồn tin giấu tên cho rằng, nữ nhà báo này đã tự tử vì không lên kịp chuyến bay tới Iraq. Họ còn nói rằng bà không mang đủ tiền để mua một vé máy bay khác.

Trong một phóng sự được đăng trên đài BBC tối 20/10, phóng viên Ben Ando, từng làm việc với bà Jacky Sutton ở đài BBC cho biết, nữ nhà báo này đã chờ trong phòng đợi để lên chuyến bay tới Iraq trong 2 tiếng đồng hồ liền. Ông Ben Ando nói: "Không có lý do gì để Jacky Sutton lặn lội từ London (Anh) tới Erbil (Iraq) rồi lại tự tử ở sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi tin rằng có một thế lực đằng sau đã hãm hại bà". Vậy nguyên nhân gì có thể khiến bà Jacky Sutton bị ám hại?

Hãng BBC cho biết, bà Jacky Sutton hiện đang là Giám đốc tạm thời của Viện Báo cáo Hòa bình và Chiến tranh (IWPR) tại Iraq. Viện này chuyên ủng hộ các nhà báo ở những quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và khủng hoảng. Trước khi nhận nhiệm vụ này theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Jacky Sutton từng làm việc tại hãng BBC từ năm 1998-2000 sau đó hoạt động tự do, tham gia đưa tin về các cuộc chiến ở châu Phi, Trung Đông.

Sân bay Ataturk ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi thi thể bà Jacky Sutton được phát hiện tại nhà vệ sinh nữ (ảnh: Getty Imagine).

Năm 2008, bà cũng tham gia điều hành một công ty truyền thông và các dự án liên quan tới bầu cử của Liên Hợp Quốc  tại Baghdad (Iraq). Vài năm trở lại đây, bà làm việc cho một số tổ chức của LHQ. Jacky Sutton có thể nói thông thạo 5 ngoại ngữ và đã giành được bằng Tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo ở Đại học quốc gia Australia. Từ năm 2003-2013, bà chuyên tâm nghiên cứu về việc phát triển và hỗ trợ quốc tế cho các nữ phóng viên tại Iraq và Afghanistan.

Một điểm đáng chú ý là hồi tháng 5, khi Giám đốc trước của IWPR tại Iraq là ông Ammar Al Shahbander thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở thủ đô Baghdad, Jacky Sutton đã được bổ nhiệm thay thế. Nhưng chỉ một tháng sau đó, bà đã tâm sự với một người bạn thân về những nghi ngờ xung quanh việc bà đang bị theo dõi. Thậm chí, Jacky Sutton còn kể rằng bà thường xuyên phải thay đổi chỗ ở mỗi khi tới Erbil. Jacky Sutton cũng ám chí rằng có một số thế lực đã đe dọa sẽ hãm hại bà nếu không chịu làm theo yêu cầu của họ.

Châu Anh (Theo Telegraph, BBC & Reuters)
.
.
.