Anh:

Nhiều người giúp việc có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người

Thứ Năm, 21/01/2016, 09:30
Một báo cáo mới được công bố trên tờ Guardian (Anh) của Cơ quan nghiên cứu thị thực lao động trong nước của Anh cho biết, hàng ngàn phụ nữ được đưa tới Anh bởi gia đình đến từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng, đối xử như nô lệ và trở thành nạn nhân của nạn buôn người.


Những nạn nhân đầu tiên "lộ diện"

Theo quy định của luật pháp Anh, người giúp việc được đưa đến nước này luôn phải gắn chặt với người sử dụng lao động và không thể thay đổi công việc giữa chừng. Chính quy định này đã khiến Bộ Nội vụ Anh phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích rằng đã “tiếp tay cho chế độ nô lệ thời hiện đại”. Một loạt cuộc phỏng vấn với người giúp việc đã bị lạm dụng ở Anh cho thấy, tất cả đều cảm thấy sợ hãi vì việc tố cáo hành vi lạm dụng với cơ quan chức năng sẽ dẫn đến việc bị trục xuất hoặc bị bắt giữ.

Renera, một người giúp việc Philippines đã bị nhà chủ bỏ đói, không được ngủ trong nhiều ngày đã nói rằng, "khi tôi gọi điện đến Đại sứ quán Philippines nhờ giúp đỡ thì họ nói rằng, theo quy định, tôi phải trở về Saudi Arabia với gia đình chủ”. Renera cho biết thêm, "trên đường đến Vương quốc Anh từ Saudi, ông chủ nói với tôi, nếu có ai hỏi thì trả lời rằng, kiếm được 350 bảng Anh/tuần ở London. Tôi đã phải ký một số giấy tờ để xin thị thực nhưng không biết giấy tờ đó ghi nội dung gì vì tất cả viết bằng tiếng Ảrập".

Hàng ngàn lao động giúp việc ở Anh phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của bọn buôn người.

Cũng giống như Renera, nhiều phụ nữ được phỏng vấn cho biết, họ không được thông báo về các quyền của mình theo quy định pháp luật Anh. Nhiều người đã bị ép ký tên vào đơn xin visa mà không hiểu trong đó viết nội dung gì.

Ofonime Inuk, người Nigeria đã kể câu chuyện gây sốc về việc đã phải lao động 17 giờ mỗi ngày, trong suốt 24 năm trong ngôi nhà của vợ chồng bác sĩ Emmanuel Edet ở ngoại ô London. Khi đến giúp việc gia đình Emmanuel Edet, cậu bé mồ côi Ofonime Inuk mới 14 tuổi. Bây giờ ở tuổi 38, Ofonime Inuk vẫn không có hộ chiếu hay giấy tờ chính thức nào. Anh đang sống một cuộc sống của nô lệ thời hiện đại.

Năm ngoái, khoảng 17.000 visa lao động trong nước đã được ban hành ở Anh, hơn 1/2 trong số đó được cấp cho lao động đến từ Saudi Arabia và United Arab Emirates. Nhiều người lao động không nói được tiếng Anh và không hiểu rõ về điều kiện sử dụng lao động áp đặt, họ không có quyền ở lại Anh nếu mối quan hệ với người sử dụng lao động đổ vỡ.

Chấp nhận rủi ro

Fiona Mactaggart, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề người lao động trong nước cho rằng, người lao động là nạn nhân của nạn buôn người hay bị lạm dụng sẽ phải rời khỏi Anh ngay lập tức. Điều này làm cho nhiều phụ nữ miễn cưỡng hợp tác với các cơ quan điều tra. Họ buộc phải chấp nhận làm việc bất hợp pháp để tiếp tục gửi tiền về cho gia đình. Phoebe Dimacali, Chủ tịch Hiệp hội lao động trong nước Philippines nói rằng, phụ nữ từ chối cơ hội làm việc ở Anh có nguy cơ bị buôn bán trở lại các quốc gia vùng Vịnh.

“Cuộc sống ở Philippines rất khó khăn. Vì vậy, ngay cả khi biết rằng, cuộc sống ở vùng Vịnh thực sự nguy hiểm nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro và hy vọng mình không phải là nạn nhân. Nếu phải quay trở về Philippines thì tìm đến các quốc gia vùng Vịnh là lựa chọn tốt hơn", Renera nói.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, quy định cấp thị thực với lao động trong nước của Anh đã tạo điều kiện cho các hành vi lạm dụng lao động có “đất” phát triển. "Kể từ khi quy định cấp thị thực này có hiệu lực vào năm 2012, đã có rất nhiều ý kiến lên án rằng, điều kiện cấp thị thực đã khiến hàng ngàn phụ nữ bị tổn thương. Họ có ít sự lựa chọn và không được các cơ quan chức năng bảo vệ”, Kate Roberts, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về quyền lao động trong nước cho biết. Roberts nói thêm rằng, người giúp việc thường bị đối xử như một "hành lý xách tay bổ sung" của ông, bà chủ.

Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, các quy định đang "mang kafala đến Vương quốc Anh" - một quy định tại nhiều quốc gia vùng Vịnh nhằm ngăn ngừa người lao động bỏ việc hay trở về nhà mà không có sự cho phép của người sử dụng lao động. Ước tính, khoảng 2,4 triệu người giúp việc đang phải đối mặt với điều kiện sống của chế độ nô lệ ở các quốc gia vùng Vịnh.

Trước những lời chỉ trích từ nhiều phía, Chính phủ Anh đã tiến hành thu thập dữ liệu về số phụ nữ giúp việc nhà bị ngược đãi ở Anh. Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, “Chính phủ Anh cam kết ngăn chặn chế độ nô lệ hiện đại trong tất cả các hình thức của nó. Tất cả các nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn  người sẽ được bảo vệ”.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.