Anh: Theo dõi phóng viên tại các hãng truyền thông lớn của thế giới

Thứ Tư, 11/02/2015, 15:00
Không chỉ hỗ trợ Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong chương trình nghe lén trải khắp toàn cầu, Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ) còn thực hiện một chiến dịch theo dõi quy mô lớn nhằm vào các phóng viên, nhà báo làm việc tại những hãng thông tấn lớn nhất thế giới. Những tiết lộ mới nhất của "người thổi còi" Edward Snowden cho thấy, tình báo Anh đã "liệt" các nhà báo vào "danh sách nguy hiểm không khác gì tin tặc, khủng bố".
70.000 email trong 10 phút giám sát

Các nhà báo bị GCHQ bí mật theo dõi gồm những người làm việc cho các tờ The New York Times, The Washington Post, The Guardian, The Sun, Le Monde, kênh NBC, BBC và Reuters. Tờ The Guardian cho hay, chương trình theo dõi này được thực hiện từ năm 2008 và chỉ trong 10 phút đầu thử khả năng giám sát này, GCHQ đã thu thập được 70.000 email của các nhà báo.

Điều đáng chú ý là bất kỳ ai làm việc cho GCHQ đều có thể truy cập kho dữ liệu khổng lồ này. Tức là họ có thể xâm phạm tính riêng tư và cuộc sống, đời tư của các nhà báo một cách công khai và nhanh chóng. Mới đầu, như tài liệu của Edward Snowden tiết lộ, GCHQ mới chỉ giám sát hoạt động của các nhà báo thuộc những hãng thông tấn lớn của Anh với mục đích là nhằm xác định những cảnh sát nào là nguồn tin của giới truyền thông Anh.

Sau đó, từ năm 2010, GCHQ mới mở rộng phạm vi theo dõi của mình tới các phóng viên của các hãng thông tấn lớn khác theo yêu cầu hỗ trợ từ NSA. Nguyên do là vì vào thời điểm đó, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện phóng viên James Rosen của hãng Fox News làm rò rỉ các thông tin mật về CHDCND Triều Tiên. James Rosen và một nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ là Stephen Jin-Woo Kim đã bị theo dõi trong khoảng 3 tháng liền rồi FBI mở rộng nghe lén thêm 20 đường dây điện thoại khác của các phóng viên làm việc cho hãng Fox News.

Nhà báo Glenn Greenwald từng bị GCHQ theo dõi vì được "người thổi còi" Edward Snowden cung cấp hàng trăm ngàn trang tài liệu liên quan đến chương trình nghe lén của NSA.

Chưa hết, vào thời điểm mà cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp cho báo giới các thông tin liên quan đến chương trình nghe lén của NSA, do nhà báo Glenn Greenwald được Edward Snowden cung cấp hàng trăm ngàn trang tài liệu khác nhau nên ông này đã trở thành đối tượng theo dõi số 1 của GCHQ.

Thậm chí, GCHQ còn cho người đến trụ sở của tờ The Guardian để thu những máy tính và lắp đặt thiết bị nghe lén nhằm lần theo dấu vết của Glenn Greenwald để từ đó tìm ra Edward Snowden. Trong một số tài liệu của GCHQ, các nhà báo như Glenn Greenwald đã bị "liệt vào danh sách điều tra như một mối đe dọa ngang hàng với tin tặc và những kẻ khủng bố".

Nguy cơ bị kiện

Đương nhiên là giới báo chí Anh đã không để yên chuyện này. Hồi cuối tháng 1 vừa qua, hơn 100 biên tập viên các tờ báo Anh đã trình một bức thư chung kêu gọi chính phủ nước này ngăn các nhà hành pháp xem nội dung các cuộc gọi của nhà báo mà không có sự cho phép của tòa án. Bức thư khẳng định, nếu chính phủ và GCHQ không có hồi âm sớm, họ sẽ tiếp tục làm đơn kiện lên các cơ quan có thẩm quyền khác.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, 6 nhà báo hoạt động ở Anh cũng đã lập hồ sơ chính thức yêu cầu Sở Cảnh sát London hủy những hồ sơ bí mật theo dõi mình. Những tập hồ sơ này bao gồm thông tin cá nhân, thói quen tác nghiệp, sở trường và thậm chí có cả bệnh án của từng thành viên trong gia đình của các nhà báo.

Các nhà báo trên cho rằng, hành vi theo dõi đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của họ cũng như quyền tự do báo chí. Liên đoàn nhà báo Anh quốc (NUJ) còn tuyên bố ủng hộ vụ kiện của các nhà báo và theo đuổi đến khi nào GCHQ dừng hành vi lạm quyền bằng cách xâm nhập trái phép vào email và điện thoại của các nhà báo.

Được biết, Anh không phải là quốc gia đầu tiên bị chỉ trích về việc lén theo dõi các nhà báo. Hồi năm 2006, Cơ quan Tình báo đối ngoại (BND) của Đức cũng đã bị dư luận báo giới nước này lên án vì hành vi theo dõi bất hợp pháp một số nhà báo trong nhiều năm liền kể từ khi nước Đức thống nhất. Khi đó, Quốc hội Đức đã thảo luận nhiều lần về bản báo cáo cho thấy, BND lần lượt tuyển lựa và trả tiền mua chuộc một số nhà báo nhằm biến họ thành chỉ điểm viên theo dõi và thu thập thông tin về các đồng nghiệp của mình là những nhà báo chuyên viết bài, đưa tin về cộng đồng tình báo.

Cuối cùng, Chủ tịch của BND khi đó là August Hanning đã phải công khai xin lỗi và Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu BND phải chấm dứt ngay hành động này. Còn tại Mỹ, năm 2013, Bộ Tư pháp nước này đã gặp rắc rối lớn khi bị phát hiện thu giữ tài liệu ghi âm hai tháng các cuộc gọi điện thoại của phóng viên và nhà báo thuộc hãng tin AP.

Chi Anh
.
.
.