Ðánh thắng IS cuộc chiến vẫn chưa kết thúc

Thứ Ba, 13/02/2018, 09:54
Kết thúc năm 2017, cả Mỹ và Nga đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ tuyên bố đã quét sạch IS ra khỏi Iraq, trong khi Nga khẳng định đã đuổi IS khỏi lãnh thổ Syria.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức gần đây cho rằng cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc.

Thế giới chung tay

Để đáp trả những chiến dịch thôn tính lãnh thổ nhanh chóng của IS trong nửa đầu năm 2014, và những hành động vi phạm nhân quyền bị kết án rộng rãi của tổ chức này, các quốc gia bắt đầu tiến hành cuộc chiến chống IS ở cả Syria lẫn Iraq. Sau đó, có một số nước cũng can thiệp vào các nhóm liên kết IS ở Nigeria và Libya.

Trung tuần tháng 6-2014, Iran bắt đầu xâm nhập Iraq để chống IS, theo Reuters. Đồng thời, Mỹ điều một lượng nhỏ quân đội vào Iraq và bắt đầu không kích ở nước này. 

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế, tháng 7-2014, Iran đã đưa máy bay Sukhoi Su-25 tới Iraq, và Hezbollah cũng đưa các huấn luyện viên và cố vấn đến Iraq để theo dõi các phong trào của IS. 

Tháng 8-2014, Mỹ và Iran đã bắt đầu một chiến dịch đột kích các mục tiêu IS ở Iraq. Kể từ đó, 14 quốc gia trong một liên minh do Mỹ lãnh đạo cũng đã thực hiện các cuộc không kích vào IS ở Iraq và Syria.

Binh sĩ quân đội Syria trên chiến trường Ðông Ghouta.

Tháng 9-2015, các lực lượng Nga, với sự cho phép của Chính phủ Syria, đã bắt đầu hàng trăm cuộc tấn công ném bom vào IS, al-Nusra Front và Quân đội Giải phóng Syria (FSA).

Kể từ khi các cuộc không kích bắt đầu, IS đã bị mất mặt ở cả Iraq lẫn Syria, dù đã có nhiều báo cáo về cái chết của nhiều dân thường vì những cuộc không kích. Giữa năm 2016, Mỹ và Nga dự định bắt đầu phối hợp các cuộc không kích của họ, tuy nhiên sự phối hợp này đã không thành hiện thực.

Tính đến tháng 12-2017, IS được cho là không còn kiểm soát lãnh thổ ở Iraq, và chỉ 5% lãnh thổ Syria. Ngày 9-12-2017, Iraq tuyên bố đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại IS và tuyên bố rằng cuộc chiến ở Iraq đã kết thúc.

Tương lai bất định

Dù IS trên danh nghĩa đã bị quét sạch, nhưng chiến thắng IS ở cả Iraq và Syria vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của cả hai quốc gia Trung Đông này. Ngay sau chiến dịch giải phóng Mosul, liên minh chống IS ở Iraq đã nhanh chóng tan rã.

Vào tháng 10-2017, quân đội Iraq đã đẩy lùi các chiến binh người Kurd khỏi “thành phố dầu mỏ” Kirkuk và nhiều khu vực còn tranh chấp khác. Ngoài ra, Baghdad cũng áp đặt lệnh cấm bay đi và đến khu tự trị người Kurd để đáp trả việc chính quyền tại đây tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi tách khỏi Iraq hồi tháng 9.

Trong khi đó, cuộc chiến chống IS tại Syria lại diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác cho lực lượng dân quân người Kurd và các tay súng Arab thuộc Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Vài tuần trước khi IS bị đẩy lui khỏi Raqqa vào tháng 10, các tay súng SDF đã phải hứng chịu thất bại nặng nề trước IS. Tuy nhiên, điều đó không làm giảm nhiệt huyết chiến đấu của họ. Nhiều người trong số này cho biết sẽ gia nhập lực lượng phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ để có thể chiến tại đây.

Những người chiến thắng ở cả Iraq và Syria giờ đang phải đối mặt với những thách thức cực lớn nhằm khôi phục các thành phố từ đống tro tàn của cuộc chiến chống IS. 

Người dân Raqqa đã thành lập một hội đồng để tiếp quản thành phố; tuy nhiên, họ không có đủ ngân sách hoạt động trong khi phải đau đầu giải quyết hàng loạt những yêu cầu từ phía người dân như kiếm việc làm hay việc cấp đất cho họ. 

Trong khi đó, nhóm dân quân người Kurd tham gia cuộc chiến chống IS tại Raqqa giờ lại phải tìm cách “lèo lái” để duy trì không khí hòa bình trong một thành phố mà người Arab đang chiếm đa số trong khi không để mất nguồn viện trợ quan trọng từ Mỹ. Cuộc sống của họ giờ đây trở nên vô định hơn bao giờ hết.

Binh sĩ quân đội Syria trên chiến trường Ðông Ghouta.
Nam Tiên
.
.
.