Apple sẽ phải chấp hành lệnh của tòa?

Thứ Năm, 10/03/2016, 13:54
Tuyên bố hôm 29-2 của Thẩm phán James Orenstein ở Brooklyn, thuộc tòa án khu vực Đông New York được coi là tạo đà cho Apple trong cuộc chiến với FBI sắp tới.


Bởi theo phán quyết của Thẩm phán James Orenstein, Bộ Tư pháp không có quyền buộc Apple bẻ khóa chiếc iPhone trong vụ buôn ma túy ở Brooklyn để trao dữ liệu cho FBI. Và phán quyết này có liên quan tới yêu cầu của FBI đối với Apple khi vận dụng luật All Writs Act có từ năm 1789.

Phán quyết này có liên quan tới vụ án xảy ra từ tháng 7-2015, có liên quan tới chiếc iPhone của Jun Feng, công dân New York bị cáo buộc buôn lậu ma túy đá methamphetamine. Nhưng trước đó (27-2), một tòa phúc thẩm tại Mỹ đã hủy chiến thắng pháp lý trị giá gần 120 triệu USD của Apple với Samsung trước đó.

Một số khách hàng của Apple tập trung tại cửa hàng của hãng ở Santa Monica, California để phản đối yêu cầu của chính phủ  Mỹ.

Theo đó, 2 bản quyền phần mềm của Apple mà Samsung bị kết án vi phạm là vô giá trị, và họ không vi phạm những bản quyền còn lại. Động thái này diễn ra sau khi Apple yêu cầu tòa án bang California (25-2) bác lệnh yêu cầu hãng này phải hỗ trợ FBI bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của Syed Farook, kẻ đã bắn chết 14 người, làm bị thương 22 người trong cuộc xả súng ở San Bernardino ngày 2-12-2015.

Đồng thời cáo buộc Chính phủ Mỹ đã vượt quá quyền hạn pháp lý khi yêu cầu Apple phá khóa điện thoại iPhone và đây là câu trả lời của hãng này đối với kiến nghị trước đó của Bộ Tư pháp Mỹ. Nhưng trước đó (22-2), Apple từng tuyên bố, sẵn sàng hỗ trợ FBI nếu chính quyền Washington chấm dứt các hành động pháp lý chống lại hãng này.

Và theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cần tổ chức phiên điều trần với sự tham gia của đại diện Apple và FBI vào ngày 1-3 (theo giờ địa phương), để tìm kiếm giải pháp cho phép giới hành pháp làm nhiệm vụ, nhưng không làm tổn hại tới tính cạnh tranh của các công ty Mỹ, cũng như quyền riêng tư của người dân.

Ngày 25-2, phát biểu tại phiên điều trần ở Ủy ban Tình báo Hạ viện, Giám đốc FBI James Comey một lần nữa nhấn mạnh, FBI không muốn tạo tiền lệ, chỉ mong Apple hợp tác điều tra - giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone để lấy thông tin từ thiết bị này sau nhiều nỗ lực phá khóa bất thành.

Và tuy công tác bảo mật là quan trọng, nhưng cơ quan chức năng cần có quyền tiếp cận một số thông tin để bảo đảm an ninh cộng đồng và an toàn cho người dân. Nhưng Apple lại cho rằng, yêu cầu của Chính phủ sẽ buộc họ phải tạo ra "cửa hậu" cho phép các chuyên gia FBI dễ dàng bẻ khóa điện thoại iPhone.

Apple coi yêu cầu của FBI là vi phạm quyền tự do dân chủ đã được bảo vệ bởi Hiến pháp Mỹ. Apple còn nhấn mạnh, lệnh của tòa án sẽ buộc hãng này phải tạo ra một hệ điều hành mới và FBI có thể sử dụng nó để xâm nhập các iPhone khác, và điều này đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận của họ.

Phát biểu trên kênh ABC News, Tổng Giám đốc Apple Tim Cook tuyên bố, ông sẵn sàng đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao, nếu cần thiết. Giới chuyên môn coi đây là cuộc đối đầu chưa có tiền lệ giữa Apple và FBI. Thậm chí, Apple còn tuyên bố, vấn đề của họ chỉ có Quốc hội Mỹ mới giải quyết được.

Ngày 24-2, CNN đăng bài "Apple đấu FBI là một dấu hiệu nguy hiểm về sự chia rẽ" - Washington và thung lũng Sillicon tồn tại bất đồng, sẽ chẳng có ai hưởng lợi. Do đó, Chính phủ và Apple phải thỏa hiệp với nhau vì lợi ích chung.

Trước đó (23-2), tờ Financial Times đăng bài phỏng vấn Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft, và ông trùm công nghệ đã ủng hộ FBI. Nhưng CNN sau đó đã đăng một bình luận khác của Bill Gates vì ông thất vọng với bài viết của Financial Times.

Bởi "ủng hộ FBI" không phải quan điểm của ông - Bill Gates chỉ cho rằng, Apple nên chấp nhận yêu cầu của FBI, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông ủng hộ FBI. Một công tố viên coi hành động của Apple thực chất không phải đặt người tiêu dùng lên hàng đầu, mà chỉ là chiêu trò quảng cáo cho hãng này.

Theo giới truyền thông, Apple đang đứng trước một sức ép pháp lý khác khi một số nạn nhân trong vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, sẽ khởi kiện để buộc hãng này phải bẻ khóa chiếc iPhone kể trên. Cựu Thẩm phán liên bang Stephen Larson cho biết, ông sẽ đại diện cho một số nạn nhân trong vụ tấn công này kiện Apple lên tòa án vào đầu tháng 3.

Bởi theo ông Stephen Larson, những người bị hại có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến tiến trình điều tra, cũng như nguyên nhân của vụ tấn công khủng bố. Còn theo trang web công nghệ Quartz, trong khi tỏ ra cứng rắn với Chính phủ Mỹ, Apple lại đồng ý để giới chức Trung Quốc kiểm tra an ninh tất cả các thiết bị của hãng này khi bán ra thị trường đông dân nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc Apple phải chia sẻ thông tin quan trọng cho Bắc Kinh, như mã nguồn hệ điều hành. 

Tuệ Sỹ
.
.
.