Argentina: Cái chết bí ẩn của công tố viên từng tố cáo Tổng thống

Thứ Sáu, 06/02/2015, 09:00
Rạng sáng 17/1, cảnh sát Argentina phát hiển thi thể công tố viên Alberto Nisman tại nhà riêng ở Puerto Madeno, một khu phố sang trọng ngay tại trung tâm thủ đô Argentina, với một phát đạn bắn vào đầu, bên cạnh là một khẩu súng 22 ly. Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ trước khi vị công tố viên xấu số có phiên điều trần trước Quốc hội Argentina về kết quả cuộc điều tra vụ đánh bom khủng bố năm 1994, bị tình nghi là do các thế lực cực đoan trong chính quyền Iran tiền nhiệm tiến hành, mà đương kim Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner bị cáo buộc là đã "bao che" cho hành động này.

Theo Buenos Aires Herald, ông Alberto Nisman đang điều tra một vụ đánh bom xảy ra ngày 18/7/1994, nhằm vào cộng đồng người Do Thái thuộc Hội tương trợ Israel - Argentina (AMIA) ở Buenos Aires, làm 85 người chết và 300 người bị thương, cũng như vụ tấn công Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires năm 1992, làm 29 người chết. Cả hai vụ đều không được điều tra đến nơi đến chốn. Năm 2004, ông Nisman nhận nhiệm vụ điều tra vụ việc từ cố Tổng thống Argentina Nector Kirchner, chồng của đương kim Tổng thống nước này.

Tới năm 2006, sau nhiều năm điều tra, tòa án Argentina đã yêu cầu dẫn độ 8 viên chức cấp cao Iran, gồm cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Vahidi và Mohsen Rabbani, cựu Tùy viên văn hóa thuộc Đại sứ quán Iran ở Buenos Aires đến Argentina để xét xử, vì bị tình nghi dính dáng tới vụ AMIA. 7 năm sau, năm 2013, ông Nisman cho biết đã lần ra manh mối cho thấy Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đã cho phép thực hiện vụ đánh bom trên. Theo đó, quyết định này được cho là từ Lãnh đạo tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Iran vào thời điểm đó Rafsanjani.

Vụ đánh bom vào AIMA xảy ra ngày 18/7/1994 đã cướp đi sinh mạng của 85 người và phá hủy toàn bộ tòa nhà của cơ quan này.

Hồi tuần trước, ông Nisman đã trình bản kết luận điều tra dài 300 trang, trong đó chỉ đích danh Tổng thống Argentina, Ngoại trưởng Hector Timerman và những người khác đã tìm cách ngụy tạo bằng chứng chứng minh sự vô tội của những kẻ chủ mưu, và ông nói muốn chất vấn nữ Tổng thống cùng các quan chức bị nghi ngờ liên quan vụ việc này. Tờ Buenos Aires Herald dẫn lời ông Nisman khẳng định Tổng thống Fernandez quyết "không buộc tội" các cựu quan chức cấp cao Iran về vai trò lên kế hoạch đánh bom, thay vào đó là tìm sự làm thân với Tehran nhằm "lập quan hệ thương mại để giảm nhẹ khủng hoảng khát dầu thô nghiêm trọng của Argentina".

Ông Nisman khẳng định ông đã nắm trong tay những băng ghi âm cho thấy Tổng thống Kirchner và giới lãnh đạo Argentina bị phía Iran "bắt chẹt" với những hợp đồng thương mại béo bở. Trong bản kết luận điều tra của ông Nisman có đoạn: "Đây là một tình huống phạm pháp. Việc Tổng thống ra lệnh đổi hướng cuộc điều tra đồng nghĩa với việc hủy bỏ nhiều năm đòi hỏi công lý hợp pháp, tìm cách xóa mọi nghi ngờ cho những người Iran bị buộc tội, mâu thuẫn với những mối liên hệ với vụ tấn công đã được chứng minh. Tổng thống và Ngoại trưởng chọn một quyết định phạm pháp, dựng nên sự vô tội của Iran, để thỏa mãn những quyền lợi thương mại, chính trị và địa-chính trị".

Trước đó, năm 2013, Tổng thống Fernandez từng công bố một thỏa thuận giữa Chính phủ Argentina và Iran với mục tiêu thành lập một ủy ban điều tra về vụ AIMA. Ông Nisman miêu tả ủy ban này chỉ là cái cớ để Interpol hủy tráp truy nã đối với 5 nghi can Iran, như một động tác để Argentina bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, cựu Tổng thư ký Interpol Roland Noble nhấn mạnh: Mọi cáo buộc của ông Nisman đều "không chính xác", đồng thời xác nhận "không thành viên nào trong Chính phủ Argentina" yêu cầu Interpol hủy danh sách "Lưu ý đỏ" đối với các quan chức Iran bị ông Nisman tố cáo. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hector Timerman, đã phản bác cáo buộc của chưởng lý Nisman, cho đây là một thủ đoạn chính trị, trước vòng đầu cuộc bầu lại Tổng thống Argentina 2015.

Công tố viên xấu số Alberto Nisman.

Trong một bình luận gây ngạc nhiên trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Fernandez cho rằng: "Ông Nisman đã bị sát hại chỉ vì ông ấy đã bị lợi dụng để đưa chính phủ vào vụ tố cáo này". Bà Fernadez viết: "Tôi tin chắc đây không phải là tự sát. Các cáo buộc của ông Nisman thực ra không phải là "điệp vụ" chính chống lại chính phủ, các vu khống đã thất bại trước đó và có lẽ ông Nisman chưa bao giờ biết như thế". Vị nữ Tổng thống cho rằng, cái chết của ông Nisman thật ra là một phần trong âm mưu bôi nhọ thanh danh của bà. Bà nói: "Họ sử dụng ông khi ông còn sống và rồi họ cần ông phải chết đi", tuy nhiên, bà Fernandez không tiết lộ những cái tên mà bà ám chỉ "họ" là ai.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.
.