Argentina:

Móng vuốt của "quỹ kền kền"

Thứ Hai, 25/04/2016, 14:43
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Alfonso Prat Gay, sau khi phát hành trái phiếu trong ngày 18-4, để thu về khoảng 15 tỷ USD, Buenos Aires sẽ trả gần 12 tỷ USD vào ngày 22-4, nhằm thanh toán khoản nợ đã thương lượng hồi tháng 2 với các nhà đầu cơ theo kiện Argentina từ năm 2012 tại Tòa án New York, Mỹ. Ông Alfonso Prat-Gay cho biết, các nhà đầu tư đã đặt lệnh mua với tổng giá trị lên tới 65 tỷ USD tại phiên giao dịch ngày 19-4, và đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Argentina trong tương lai.


Quyết tâm của Argentina

Động thái kể trên diễn ra sau phán quyết hôm 13-4 của Tòa phúc thẩm Mỹ và việc này tạo điều kiện cho Argentina không còn bị coi là "vỡ nợ", đồng thời cho phép Buenos Aires được phát hành trái phiếu để có thể tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế. Sau khi lên nắm quyền (cuối năm 2015), Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri đã đạt được thỏa thuận với 4 quỹ đầu cơ lớn với số tiền lên tới 4,65 tỷ USD, trong đó có NML Capital và Aurelius.

Theo tờ Le Monde, thỏa thuận trả nợ là chiến thắng chính trị của Tổng thống Mauricio Macri khi khép lại "vụ kiện thế kỷ" như người Argentina đã gọi. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, sau quyết định của Tổng thống Mauricio Macri, Argentina đã sang trang mới - tìm lại sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời hủy bỏ một số biện pháp bảo hộ dưới thời vợ chồng Tổng thống Nestor Kirchner và Cristina Kirchner.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri.

Theo giới truyền thông, Argentina có kế hoạch phát hành trái phiếu với tổng giá trị 11,68 tỷ USD, cùng lãi suất 7,5% và kỳ hạn 5, 10 và 30 năm trong tháng 4 và số tiền thu được sẽ dùng để trả nợ. Với việc phát hành trái phiếu lần này, Argentina trở thành quốc gia đang phát triển có số nợ lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm trở lại đây.

Ngày 31-3, sau 13 giờ thảo luận, Thượng viện Argentina đã phê chuẩn thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư (sau khi Hạ viện đã phê chuẩn) nhằm chấm dứt 15 năm mang nợ. Cuối năm 2001, Argentina từng tuyên bố mất khả năng trả nợ nước ngoài đến 100 tỉ USD và việc này diễn ra do chi tiêu quá nhiều dưới chế độ độc tài quân sự cầm quyền (1976-1983).

Tới thập niên 1990, chính phủ của Tổng thống Carlos Menem lại ấn định tỉ giá đồng peso ngang với USD khiến ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng. Do đó, trong 2 năm 2001 và 2002 là thời điểm đen tối nhất đối với nền kinh tế Argentina - các giao dịch ngoại hối tạm dừng vô thời hạn, các tài khoản ngoại tệ trong ngân hàng đều bị đóng băng.

Đến năm 2005, để xử lý khủng hoảng nợ công, Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007) đã đề nghị đổi trái phiếu đáo hạn lấy trái phiếu mới trị giá bằng 70% nợ cũ. Khi đó, có 93% người giữ trái phiếu Argentina đồng ý đảo nợ, 7% không đồng ý, trong đó có quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius của Mỹ. Năm 2008, quỹ đầu tư NML Capital của tỉ phú Mỹ Paul Singer đã chi 80 triệu USD mua lại các trái phiếu có giá định danh 400 triệu USD.

Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Alfonso Prat-Gay được cử thay thế người tiền nhiệm Axel Kicillof để giải quyết "vấn nạn nợ" của Argentina. Hơn 8 tháng trước (17-8-2015), ông Axel Kicillof từng khẳng định, Argentina không có tài sản có khả năng bị các quỹ đầu cơ phong tỏa ở Mỹ, theo như phán quyết của Thẩm phán Thomas Griesa. Và cho phép các chủ nợ, đặc biệt là quỹ đầu cơ NML Capital và Aurelius, được tịch thu hoặc phong tỏa tài sản của Argentina ở Mỹ, trừ các tài sản ngoại giao và quân sự.

Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Alfonso Prat Gay.

Trước đó (7-6-2015), ông Axel Kicillof tố cáo phán quyết của tòa án New York liên quan tới các khoản nợ của Argentina là một "cái bẫy". Ngày 18-7-2015, Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) từng khẳng định, bất chấp các phán quyết của Tòa án New York, nước này sẽ tiếp tục thực thi cam kết trả nợ với các nhà đầu tư. Nhưng nỗ lực thanh toán nợ của Argentina thông qua Ngân hàng Citibank, chi nhánh của Citigroup (Mỹ) tại Argentina, đã bị Tòa án New York cản trở.

Quyền uy của Thẩm phán Thomas Griesa

Ngày 13-4, Thẩm phán Thomas Griesa của Tòa án New York đã bãi bỏ các quyết định trước đó với điều kiện Quốc hội Argentina phải bãi bỏ 2 luật cấm chính phủ thanh toán tiền cho các nhà đầu cơ. Trước đó (2-3), Thẩm phán Thomas Griesa quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa hàng tỷ USD tiền thanh toán nợ của Argentina.

Hãng CNN cho biết, Argentina và 4 quỹ đầu tư lớn đã kết thúc cuộc chiến pháp lý hôm 28-2, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ chấp nhận trả tổng cộng 4,65 tỉ USD. Theo đó, quỹ đầu tư Bracebridge Capital ở Mỹ, thu về 950 triệu USD sau khi chi 120 triệu USD đầu tư, kiếm 800%.

Còn tỉ phú Paul Singer và quỹ đầu tư NML Capital được nhận 2,28 tỉ USD cả gốc lẫn lãi, kiếm tới 370% bởi NML Capital chỉ chi 617 triệu USD vốn ban đầu. Ngoài ra, Argentina còn chấp thuận trả 235 triệu USD lệ phí vì thua kiện.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Axel Kicillof.

Gần 4 năm trước (tháng 7-2012), Thẩm phán Thomas Griesa từng tuyên bố, Argentina phải trả 100% giá trị trái phiếu cộng thêm lãi suất, đồng thời cấm Buenos Aires trả các khoản nợ tái cấu trúc trong năm 2005 và 2010 chừng nào các quỹ đầu tư chưa được trả tiền.

Bởi cuộc chiến pháp lý giữa Argentina với các quỹ đầu cơ đã bùng phát sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Cristina Fernandez từ chối thanh toán nợ cho các quỹ đầu cơ không tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này năm 2005 và 2010.

Và để gây sức ép, 2 chủ nợ chính là NML Capital và Aurelius đã kiện Argentina lên Tòa án New York từ năm 2012. Và Thẩm phán Thomas Griesa đã ra phán quyết phong tỏa các khoản tiền thanh toán nợ của Argentina với 93% các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận trong các đợt tái nợ từ năm 2005 và 2010. Quyết định của Thẩm phán Thomas Griesa đã khiến Buenos Aires rơi vào tình trạng "vỡ nợ một phần" vào năm 2014, đồng thời ngăn cản Argentina tiếp cận thị trường vốn thế giới.

2 năm sau, Tòa án Tối cao Mỹ công nhận phán quyết của Thẩm phán Thomas Griesa, nhưng bà Cristina Kirchner không chấp nhận. Sự việc này kéo dài tới cuối tháng 2-2016 mới chấm dứt, sau khi Tổng thống Mauricio Macri chấp thuận trả tiền cho các chủ nợ.

Theo thống kê, Argentina đã vỡ nợ tới 8 lần trong lịch sử 200 năm qua, nhưng lần vỡ nợ hồi cuối tháng 7-2014 là kỳ lạ nhất. Bởi Argentina không vỡ nợ vì không trả được nợ mà vì quyết định của Thẩm phán Thomas Griesa.

Tới thượng tuần tháng 6-2015, Tòa án New York lại ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Argentina phải thanh toán cho 500 chủ nợ với tổng số tiền 5,4 tỷ USD. Với 2 phán quyết của Tòa án New York, số nợ của Argentina đối với các quỹ đầu cơ lên tới 7 tỷ USD. Và tính tới thời điểm đó, Argentina nợ tất cả các chủ nợ không tham gia tái cơ cấu khoảng 15 tỷ USD, và việc trả số nợ này có thể phát sinh hàng trăm nghĩa vụ mới.

Cách kiếm tiền của "quỹ kền kền"

Cuối tháng 3-2016, Quốc hội Argentina đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trả nợ và thị trường chứng khoán lập tức có những phản ứng tích cực với thông tin này. Và điều đó chứng tỏ, Argentina thua các quỹ đầu cơ, từng được gọi với biệt danh "quỹ kền kền" - chuyên làm giàu bằng cách săn lùng mua lại nợ với giá rẻ.

Theo tờ Le Soir, 54 nghị sĩ Argentina bỏ phiếu thông qua việc trả tiền cho các quỹ đầu tư vì muốn sớm thoát khỏi các "quỹ kền kền", bởi nếu không trả nợ thì lãi tiếp tục tăng trong khi Buenos Aires đã sử dụng mọi giải pháp pháp lý. Nhưng 16 nghị sĩ bỏ phiếu chống bởi không muốn Argentina phải gánh thêm khoản nợ mới trị giá 12,5 tỉ USD, đồng thời tố cáo các "quỹ kền kền" là "bọn cho vay nặng lãi", "bọn khủng bố tài chính".

Thẩm phán Thomas Griesa của Tòa án New York.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Argentina Roberto Lavagna chỉ trích thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư là "cực kỳ hao tổn cho đất nước". Theo giới truyền thông, luật sư Daniel Pollack, người được cử làm trung gian hòa giải giữa các chủ nợ với Chính phủ Argentina cho biết, quỹ đầu tư GMO (Boston, Mỹ), Ngân hàng BNP Paribas của Pháp và La Societa Ymus SRL, cùng một vài tư nhân đã mua trái phiếu do Chính phủ Argentina phát hành trong giai đoạn khủng hoảng năm 2001 là những người được hưởng lợi sau quyết định của Tổng thống Mauricio Macri.

Gần 1 tháng trước (23-3), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Mauricio Macri để Argentina phát triển và trở thành quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhưng nhiều tổ chức cánh tả đã phản đối chuyến thăm của ông Barack Obama tới Buenos Aires với khẩu hiệu "Các quỹ kền kền hãy cút khỏi Argentina".

Giới kinh tế-tài chính cho biết, chiến lược kiếm tiền của "quỹ kền kền" khá đơn giản - chờ một quốc gia đang phát triển vỡ nợ, để mua nợ với giá rẻ, sau đó kiện để đòi trả nợ cả gốc lẫn lãi. Argentina từng tuyên bố, sẽ đưa vấn đề "quỹ kền kền" ra Liên hợp quốc nhằm thiết lập khuôn khổ ngăn chặn các quỹ đầu cơ phá hoại nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Ngày 11-7-2015, bà Cristina Fernandez đã tố cáo các quỹ đầu cơ lũng đoạn nền kinh tế của nhiều quốc gia như Argentina, Hy Lạp và Puerto Rico. Bà Cristina Fernandez còn khẳng định, sẽ theo đuổi việc thiết lập khung pháp chế đa phương để bảo vệ các thỏa thuận và tiến trình tái cơ cấu nợ của các nước trên thế giới, nhưng bất thành.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Axel Kicillof từng coi các "quỹ kền kền" là trở ngại lớn đối với các nước đang gặp khó khăn về kinh tế, và Liên hợp quốc cần giải quyết vấn nạn này. Thậm chí Argentina còn kiện Ngân hàng Citibank của Mỹ vì đã "câu kết làm hại chính phủ" xung quanh vấn đề nợ chưa thanh toán.

Nhưng ngày 21-7-2015, quỹ đầu cơ Aurelius đã yêu cầu Thẩm phán Thomas Griesa ngăn cản Argentina thanh toán nợ bằng ngoại tệ, cũng như không cho các chủ đầu tư thanh toán trái phiếu Bonar 24 với nước này. Bởi trước đó (tháng 4-2015), Argentina đã phát hành trái phiếu Bonar 24 và thu về 1,415 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu là 500 triệu USD.

Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.