Ðâu là mục đích triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc?

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:00
Bất chấp những quan ngại, Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang khẩn trương triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với lý do để bảo vệ Seoul tốt hơn trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ CHDCND Triều Tiên.


Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đó không phải là mục đích sau cùng của Washington và Seoul, mà là mối đe dọa đối với Nga và Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Hãng tin Sputnik của Nga, bà Namhee Lee - Phó giáo sư ngành Lịch sử Hàn Quốc hiện đại thuộc Đại học California (Mỹ) -  cho rằng, mục đích cuối cùng mà Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD là nhằm vào Trung Quốc và Nga, để thu thập thông tin, và đây cũng là lý do vì sao cả Moscow và Bắc Kinh đều tỏ ra tức giận trước đợt triển khai này. 

Bà Lee giải thích, tên lửa của CHDCND Triều Tiên bao gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật (SCUD) tầm ngắn, với tầm bắn chỉ khoảng 500km và tên lửa tầm trung Rodong 1 với tầm bắn trải dài 1.300km, trong khi hệ thống THAAD lại đạt hiệu quả nhất khi đối phó với các loại tên lửa tầm xa và cao. 

Bên cạnh đó, hệ thống radar X-band tần số AN/TPY-2X tích hợp với hệ thống THAAD có khả năng phát hiện tên lửa trong phạm vi 1.000 - 5.000km, điều này có nghĩa là rất nhiều loại tên lửa Trung Quốc có thể bị radar X-band phát hiện. Bắc Kinh cũng có suy nghĩ tương tự.

Thiếu tướng Thái Quân, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho rằng, mục đích chính của Mỹ và Hàn Quốc trong việc triển khai THAAD là nhằm thiết lập bức tường bao vây Trung Quốc và Nga, làm suy yếu năng lực chiến lược của hai nước này. Hệ thống này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh chiến lược hai nước Trung - Nga mà còn ảnh hưởng đến ổn định chiến lược của toàn thế giới. 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc coi việc triển khai THAAD là hành động “gây tổn hại tới sự ổn định và cân bằng chiến lược tại khu vực”. Và để phản đối, bên cạnh việc áp đặt những biện pháp hạn chế thương mại nặng nề đối với Seoul, Bắc Kinh còn liên tục thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật và thử nghiệm các loại vũ khí mới “để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Nga cũng chỉ trích việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD, cho rằng hệ thống này có thể gây ra “những nguy cơ nghiêm trọng” đối với khu vực, khả năng hoạch định chiến lược của Nga, đồng thời cảnh báo, Moscow có thể có lý do để rời khỏi Hiệp ước SRART mới với Mỹ về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược. 

Trung tướng Victor Poznihir, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga.

Trung tướng Victor Poznihir, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu và châu Á sẽ phá vỡ sự cân bằng chiến lược đang có, uy hiếp đến an ninh của các hoạt động hàng không, cũng như khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng từng nêu rõ rằng, để đối phó với những mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, việc triển khai hệ thống này cũng như các loại vũ khí trong khu vực là một sự đáp trả không tương xứng. 

Một chiếc xe tải chở các bộ phận của bệ phóng tên lửa của Hoa Kỳ và các thiết bị khác để thiết lập hệ thống THAAD.

Việc Nga tập trung phản ứng ban đầu về mặt quân sự thay vì kinh tế đối với THAAD cho thấy các nhà lãnh đạo Nga có tầm nhìn sâu đối với an ninh Đông Bắc Á. Cách phản ứng của Nga đối với THAAD là điều dễ hiểu và phù hợp với những diễn biến của khu vực này. Tuy nhiên, nếu Nga phản ứng quyết đoán hơn về mặt quân sự đối với THAAD sẽ cho thấy các giới hạn về khả năng của Nga hoặc tự nguyện phải dựa chủ yếu vào ngoại giao hay các biện pháp phi bạo lực khác. 

Ngoài những lý do trên, nguyên do bùng phát việc phản đối triển khai THAAD ngay tại chính Hàn Quốc là do việc lắp đặt radar gây ra lo ngại về nguy cơ với sức khỏe người dân địa phương. Bởi bức xạ điện từ của hệ thống radar THAAD được cho là sẽ gây nguy hại tới sức khỏe người dân sống quanh. Cụ thể người sống trong phạm vi bán kính 100m có thể thiệt mạng, và với những người sống trong phạm vi bán kính 3,6km sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, nôn nao.

Về phía Mỹ, có ý kiến cho rằng, việc nước này triển khai THAAD tại Hàn Quốc, ngoài những lý do như để bảo vệ đồng minh, tạo sức ép đối với Trung Quốc… thì đây là một cách bán hàng mới. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Hàn Quốc trả tiền cho việc lắp đặt THAAD khi hệ thống này đã gần như hoàn thành khâu triển khai khiến nhiều người nhớ lại trường hợp của Ukraine trước đây.

Bởi cũng giống như Hàn Quốc, sau khi nhận được hàng loạt thiết bị quân sự miễn phí, Ukraine đã bắt đầu phải móc hầu bao nếu muốn dùng hàng có nguồn gốc từ Mỹ. 

Với tuyên bố của ông Trump, Washington muốn biến Hàn Quốc thành khách hàng bất đắc dĩ. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện bởi Hàn Quốc đã thẳng thắn từ chối yêu cầu phía Mỹ đưa ra.

Minh Nhật
.
.
.