Nhà máy sô cô la “Tháng Mười Đỏ” trong chiến tranh Vệ quốc

Thứ Hai, 18/05/2020, 07:59
Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhiều xí nghiệp công nghiệp được đưa đi sơ tán đến khu vực an toàn, còn các doanh nghiệp phi quân sự được tái kết cấu dành cho mục đích quân sự, trong số đó có nhà máy sô cô la “Tháng Mười Đỏ”, nơi đã sản xuất hàng nghìn tấn lương khô, sô cô la để cung cấp cho những người lính ngoài mặt trận.


Tất cả vì tiền tuyến

Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, khoảng 500 công nhân nhà máy đã ra trận, thay thế cho họ ở xưởng máy là những người phụ nữ và các thiếu niên. Khâu sản xuất chính vẫn ở Matxcơva, một phần trang thiết bị được sơ tán đến Samara.

Việc tái kết cấu nhà máy phục vụ cho nhu cầu quân sự được xúc tiến ngay từ tháng 7-1941. Khi chiến tranh bùng nổ, nhà máy bánh kẹo này đã sản xuất những trái bóng tín hiệu và khói. Phân xưởng caramel được chuyển đổi để chế biến lương khô dành cho chiến trường. Nhà máy áp dụng chế độ làm việc 3 ca suốt ngày đêm, đến cuối năm 1941, hơn 1.500 tấn lương khô đã từ nơi đây đến với các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Xưởng sản xuất của Nhà máy sô cô la “Tháng Mười Đỏ”.

Trong một trận không kích ồ ạt của không quân Đức đánh vào Matxcơva ngày 11/8/1941, máy bay Đức đã ném bom cháy xuống nhà máy làm một kho giấy bị thiêu rụi. Bất chấp bom rơi, những người thợ lao vào dập tắt đám cháy. Suốt đêm diễn ra cuộc vật lộn đối chọi với thần hoả để cứu nhà máy.

Trong thời gian có những trận chiến khốc liệt ở cửa ngõ Matxcơva, đã thông qua quyết định không để những chủ thể chiến lược quan trọng của thủ đô lọt vào tay quân Đức; trong trường hợp nguy cấp, sẽ nổ mìn phá huỷ theo kiểu “tiêu thổ kháng chiến”.

Tại nhà máy “Tháng Mười Đỏ”, tất cả nhà xưởng đều được gài mìn, còn các nhân viên rời khỏi phân xưởng; chỉ một vài người dưới sự chỉ huy của Giám đốc nhà máy vẫn ở lại trực trong Văn phòng Giám đốc, chờ đợi cuộc điện thoại với mệnh lệnh cuối. Nhiệm vụ của họ là cho nổ tung nhà máy và nếu còn may mắn sống sót sẽ tìm cách đến với các du kích. May sao, quân Đức đã không thể đặt chân vào nội thành Matxcơva, chúng bị đánh bật ra ngay ở vùng ngoại vi.

Ứng dụng công nghệ và những phong sô cô la thời chiến

Từ lúc bắt đầu chiến tranh, các loại sản phẩm bánh kẹo đã phải cắt giảm do thiếu nguyên liệu, nhưng đến năm 1942, các chuyên gia công nghệ Liên Xô đã tìm ra cách thay thế nhiều thành phần trong sản phẩm bằng cách sáng tạo những công thức chế biến tiên tiến.

Đến năm 1944, đã có 150 loại đồ ngọt mới ra đời tại nhà máy này. Do thiếu những nguyên liệu cần thiết, đã dùng dầu dừa, lúa mạch đen, mật ong, ngũ cốc, đường hoá học saccharin, lecithin tinh chiết từ đậu nành, vừng, đường hoa quả glucose, vỏ ca cao để sản xuất bánh kẹo.

Gay go hơn cả là thiếu đường. Tinh bột được thêm vào sô cô la và kẹo thay cho đường vì khan hiếm. Bột được chiên với đường, nhờ vậy vẫn có vị ngọt mà tốn ít đường hơn. Nước củ cải đỏ cũng được dùng thay cho đường và củ cải đường xay nhuyễn thế chỗ cho táo làm nhân kẹo caramel và mứt.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo về cung cấp nhiên liệu, các chuyên gia của nhà máy đã tìm ra công nghệ hoàn toàn mới để sản xuất caramel và kẹo ngọt bằng cách thức lạnh và bán lạnh, vì các phân xưởng làm việc cả vào những ngày không có nhiên liệu.

Tổng cộng, trong những năm tháng chiến tranh, nhà máy đã xuất xưởng lượng sô cô la nhiều hơn gấp ba lần so với thời yên bình trước chiến tranh. Hơn thế nữa, có những mẻ sô cô la nhỏ còn được xuất khẩu sang Anh và Mỹ.

Bất kể là một phần nhà máy đã chuyển đổi tái cơ cấu và một bộ phận sản xuất sơ tán đến Samara, sản lượng vẫn không hề giảm. Để duy trì chuẩn mực sản xuất như thời trước, các nhà công nghệ đã tăng trọng lượng của thanh sô cô la lên đến 2 kg, giúp giảm chi phí sản xuất. Như vậy, nhà máy đã cung cấp cho mặt trận tiền tuyến những thanh sô cô la với số lượng cần thiết dưới dạng những “hòn gạch” nặng tới 2 kg. 

Năm 1942, sau chiến thắng của Hồng quân trong trận chiến ở ngoại ô Matxcơva, Chính phủ chỉ thị cho các nhà sản xuất bánh kẹo phát triển công thức thanh sô cô la mới để vinh danh các chiến sĩ can đảm bảo vệ thủ đô. Chỉ trong mấy ngày đã có công thức mới, in nhãn rồi thêm vài ngày sau nhà máy gửi ra mặt trận những tấn sô cô la “Cận vệ quân” đầu tiên trong bao gói rực rỡ hai màu đỏ và vàng.

Dành cho các phi công và thuỷ thủ tàu ngầm, có tính đến công việc khép kín mệt mỏi của họ, ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến, các kỹ thuật viên của nhà máy sô cô la đã sản xuất sô cô la «Cola» từ hạt cola của châu Phi chứa nhiều theobromine và caffeine.

Giữa thời chiến, cán bộ công nhân viên nhà máy đều đặn trao đổi thư từ với các chiến sĩ, gửi cho những người đang đánh giặc nơi tuyến đầu các bưu kiện gồm đồ mặc ấm, món ăn và sách.

Tháng 4/1945, nhà máy đón bà Clementine Churchill đến thăm, bà chính là Chủ tịch của “Quỹ Cứu trợ Nga của Hội Chữ thập đỏ”. Tại nhà máy này, bà được mời nếm những món bánh kẹo tốt nhất, trong đó có “bom sô cô la”. Khi tự tay mở một quả “bom sô cô la”, bà Churchill thực sự bất ngờ vì trong ruột “viên kẹo ngọt” có một cây trâm cài mà bà lập tức ghim lên ve áo khoác.

Ngọc Trang (theo Sputnik)
.
.
.