Đằng sau cáo buộc rửa tiền của cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez

Thứ Tư, 20/04/2016, 14:00
Khi phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ ở thủ đô Buenos Aires, cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã bác bỏ những cáo buộc tham nhũng, đồng thời cho rằng chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri âm mưu dùng vấn đề này chống lại bà. Thậm chí còn nhấn mạnh, phe đối lập không thể ngăn cản bà nói lên sự thật và sẵn sàng từ bỏ quyền miễn truy tố để chứng minh sự trong sạch. 


Cựu Tổng thống Cristina Fernandez đã đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio triệu tập đến tòa để lấy lời khai liên quan tới vụ bán tiền USD của Ngân hàng trung ương Argentina (BCRA) trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ đầu tháng 12-2015. Và bà Cristina Fernandez đã gửi văn bản giải trình tới Thẩm phán Claudio Bonadio, trong đó bác bỏ mọi cáo buộc nhắm vào mình.

Theo Thẩm phán Claudio Bonadio, tại thời điểm bà Cristina Fernandez đương nhiệm, có sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá đồng Peso nội địa với USD tại chợ đen và tỷ giá chính thức; do đó việc bán USD với tỷ giá thấp hơn so với chợ đen có thể đem lại khoản chênh lên tới 5,2 tỷ USD.

Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez.

Trước đó (9-4), Thẩm phán liên bang Guillermo Marijuan cũng yêu cầu điều tra cựu Tổng thống Cristina Fernandez với cáo buộc bà có liên quan tới một đường dây rửa tiền và tham ô. Ngoài bà Cristina Fernandez, Thẩm phán Guillermo Marijuan còn đề nghị xem xét sự liên quan của cựu Bộ trưởng Kế hoạch Julio De Vido cùng 13 người khác với 2 doanh nhân Leonardo Farina và Lazaro Baez. Bởi doanh nhân Lazaro Baez, người có quan hệ làm ăn mật thiết với bà Cristina Fernandez, vừa bị bắt, còn ông Leonardo Farina bị bắt từ hơn 2 năm trước vì tội trốn thuế.

Trước đó, truyền hình Argentina đăng đoạn băng video ghi từ năm 2012, trong đó cho thấy Martin Baez, con trai ông Lazaro  Baez cùng một số người đang đếm hàng bao tải tiền USD tại văn phòng của cha mình ở Buenos Aires. Theo giới truyền thông Argentina, doanh nhân Leonardo Farina đã quyết định hợp tác với cơ quan điều tra và khai rằng, cố Tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007), và bà Cristina Fernandez đều tham ô và có liên quan tới rửa tiền.

Nghị sỹ Hector Recalde, người đứng đầu Mặt trận vì Thắng lợi (FpV) ở Hạ viện tố cáo việc làm của Thẩm phán Guillermo Marijuan là bất công vì cho rằng không có bất cứ bằng chứng nào để điều tra cựu Tổng thống Cristina Fernandez. Dư luận coi động thái của 2 Thẩm phán liên bang kể trên nhằm hướng dư luận vào vụ bê bối của cựu Tổng thống Cristina Fernandez, để bỏ qua cáo buộc trốn thuế của Tổng thống Mauricio Macri, người đang bị réo tên trong danh sách 12 nguyên thủ quốc gia có liên quan tới "Hồ sơ Panama", và cũng đang bị cơ quan tư pháp “sờ gáy”.

Theo tờ Straitstimes, quyết định điều tra cựu Tổng thống Cristina Fernandez được đưa ra sau khi doanh nhân Leonardo Farina khai nhận với cơ quan điều tra hôm 8-4. Và ngày 13-4, bà Cristina Fernandez đã phải trả lời những câu hỏi liên quan tới việc bán các hợp đồng tương lai theo tỉ giá USD ở mức thấp hơn tỉ giá thị trường do BCRA ấn định.

Đệ nhất phu nhân Crisitina Fernandez, người có biệt danh “Hillary Clinton của Argentina”, đã trở thành nữ Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Argentina sau cuộc bầu cử hôm 28-10-2007. Mọi người gọi bà Crisitina Fernandez là “Hillary Clinton của Argentina” bởi giữa họ có khá nhiều điểm tương đồng - cùng là Thượng nghị sỹ, Đệ nhất phu nhân, đi lên sau khi trở thành luật sư và đều lịch lãm, xinh đẹp, thông minh, hấp dẫn người nghe bằng khả năng diễn thuyết của mình. Do đó, dư luận đều cho rằng, bà Crisitina Fernandez sẽ dễ dàng vượt qua cuộc chiến pháp lý hiện nay.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri.

Về phần mình, ngày 12-4, Tổng thống Mauricio Macri tiếp tục bác bỏ cáo buộc có liên quan tới tập đoàn Marci có trụ sở tại Panama do phụ thân sáng lập, và đó là công ty thứ ba ông bị đề cập theo “Hồ sơ Panama”.

Trong khi đó, tờ La Nacion lại cho biết, tập đoàn Macri được đăng ký kinh doanh tại Phòng công chứng thương mại Panama từ tháng 5-2010 và chỉ vài tháng sau khi ra đời, tập đoàn Macri đã đổi tên thành Metro Consulting PTY. Trước đó, Tổng thống Mauricio Macri bị cáo buộc có liên quan tới công ty Fleg Trading ở Bahamas, và công ty Kagemusha tại Panama. Và Thẩm phán liên bang Sebastian Casanello đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xem xét khả năng điều tra Tổng thống Mauricio Macri.

Tuy mới nhậm chức được hơn 4 tháng (từ 10-12-2015), nhưng Tổng thống Mauricio Macri đã phải đối mặt với cuộc điều tra của một ủy ban quốc hội để làm rõ những bất thường trong hoạt động tài chính của ông. Tuy nhiên, Tổng thống Mauricio Macri sẽ không phải điều trần trước Quốc hội để làm rõ việc ông có liên quan đến Công ty Fleg Trading và Công ty Kagemusha. Và điều này đang giúp ông Mauricio Macri rảnh tay đối phó với những cáo buộc khác.

Tuệ Sỹ
.
.
.