Đằng sau cuộc đảo chính tại Burkina Faso

Thứ Năm, 24/09/2015, 07:00
Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), và các nước thành viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), cùng một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp đều lên án cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso.

Sáng 17/9, Trung tá Mamadou Bamba thông báo trên đài truyền hình, Tổng thống lâm thời Michel Kafando đã từ chức, còn chính phủ và quốc hội bị giải tán. Tướng Gilbert Diendere, người phụ trách Trung đoàn bảo vệ tổng thống, là thân tín của cựu Tổng thống Blaise Compaore, được chỉ định giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Dân chủ, và là người đứng đầu hội đồng chuyển tiếp.

Vai trò của Trung đoàn bảo vệ tổng thống

Cuộc đảo chính diễn ra 2 ngày sau khi một Ủy ban Chính phủ đề nghị giải tán Trung đoàn bảo vệ tổng thống (RSP) gồm 1.200 thành viên. Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia của Burkina Faso (CNT), ông Cherif Moumina Sy đã coi vụ bắt giữ Tổng thống Michel Kafando, Thủ tướng Isaac Zida và nhiều bộ trưởng hôm 16/9 là sự lớn mạnh của RSP, và đây là mối nguy hiểm đối với đất nước Burkina Faso. Đồng thời kêu gọi các nghị sĩ quốc hội biểu tình và tất cả những người yêu nước tập hợp lại để bảo vệ Tổ quốc. Theo hãng AFP và Reuters, các sỹ quan trung thành với cựu Tổng thống Blaise Compaore đã giam Tổng thống lâm thời Michel Kafando và Thủ tướng lâm thời Isaac Zida tại Phủ Tổng thống.

Tổng thống lâm thời Michel Kafando (giữa) và các quan chức quân đội tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Ouagadougou, Burkina Faso.

Theo giới truyền thông, lực lượng đảo chính xuất thân từ Trung đoàn bảo vệ tổng thống của cựu Tổng thống Blaise Compaore, tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát đất nước và giải tán Chính phủ chuyển tiếp sau khi bắt giữ Tổng thống Michel Kafando và Thủ tướng Isaac Zida. Trả lời kênh Al Jazeera, nhà phân tích chính trị Emna Zina Thabet cho rằng, cựu Tổng thống Blaise Compaore đang được hưởng lợi từ cuộc đảo chính. Ông Blaise Compaore lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Thomas Sankara hồi tháng 10/1987. Và 9 năm sau (1996), Trung đoàn bảo vệ tổng thống được thành lập.

Theo tờ Le Monde (Pháp), từ ngày 16/9, Trung đoàn bảo vệ tổng thống đã bắt Tổng thống Michel Kafando, Thủ tướng Isaac Zida và nhiều bộ trưởng. Hơn 4 năm trước, trong sắc lệnh thông báo trên truyền hình tối 21/4/2011, Tổng thống Blaise Compaore, đã tự bổ nhiệm mình làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó (15/4/2011), Tổng thống Blaise Compaore đã giải tán Chính phủ và bổ nhiệm Thiếu tá Honore Nabere Traore làm Tham mưu trưởng quân đội, thay thế Tướng Dominique Djindjere, sau khi xảy ra binh biến do các thành viên trong Trung đoàn bảo vệ tổng thống tiến hành.

Ngày 18/7, Tổng thống Michel Kafando đã quyết định bãi chức Bộ trưởng Quốc phòng của Thủ tướng Isaac Zida; cách chức Bộ trưởng An ninh của Đại tá Auguste Denise Barry và chuyển giao chức vụ này cho ông Youssouf Ouattara. Tổng thống Michel Kafando quyết định cải tổ nội các sau các cuộc thảo luận với những lãnh đạo chính trị, tôn giáo và xã hội dân sự nhằm giải quyết mâu thuẫn đang gia tăng giữa Thủ tướng Isaac Zida với giới lãnh đạo quân đội. Khi đó, ông Michel Kafando cho rằng, những thay đổi kể trên sẽ giúp giải quyết những vấn đề bất thường trong bộ máy điều hành, cũng như sự bất mãn trong quân đội Burkina Faso.

Trước đó (22/1), Tổng thống Michel Kafando thông báo kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 11/10, và đây là bước cuối cùng trong quá trình chuyển tiếp ở nước này sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức hôm 31/10/2014. Tổng thống Michel Kafando, Thủ tướng Isaac Zida cùng toàn bộ thành viên trong chính phủ chuyển tiếp sẽ không ra tranh cử. Và hàng triệu người Burkina Faso sống ở nước ngoài cũng không được tham gia bỏ phiếu.

Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Burkina Faso, ông Cherif Moumina Sy.

Mâu thuẫn trong quân đội

Ngày 18/9, sau khi tuyên bố trả tự do cho Tổng thống Michel Kafando và tái mở biên giới quốc gia, lực lượng đảo chính đã chấp nhận tiến hành các cuộc thương lượng tại thủ đô Ouagadougou nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Burkina Faso. Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự trung gian hòa giải của Tổng thống Senegal Macky Sall, Chủ tịch đương nhiệm của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Tổng thống Benin Thomas Boni Yayi.

Ngày 19/9, Tổng thống Benin Thomas Boni Yayi cho biết, Burkina Faso sẽ trở lại chính quyền dân sự, và chính phủ lâm thời do Tổng thống Michel Kafando đứng đầu sẽ được phục hồi. Trước đó, lực lượng đảo chính thông báo, đã trả tự do cho Tổng thống Michel Kafando và 2 bộ trưởng nhằm xoa dịu căng thẳng và vì lợi ích chung.

Cách đây gần 1 năm (1/11/2014), quân đội Burkina Faso tuyên bố ủng hộ Trung tá Isaac Zida, Phó Tư lệnh Trung đoàn bảo vệ tổng thống, chứ không tuân theo tuyên bố của Tổng Tư lệnh quân đội Navere Honore Traore. Bởi khi đó có 2 lãnh đạo quân đội cùng tuyên bố tạm nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức. Và tuyên bố kể trên của quân đội đã kết thúc những dư luận xung quanh người tạm thời lãnh đạo đất nước sau khi Tổng thống Blaise Compaore bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy chớp nhoáng 1 ngày trước đó.

Có một chi tiết đáng quan tâm, ngay sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức tối 31/10/2014, Tổng Tư lệnh quân đội Navere Honore Traore tuyên bố, sẽ tạm thời nắm quyền tổng thống, điều hành đất nước trong thời gian 90 ngày, nhưng người biểu tình không chấp nhận. Bởi người biểu tình cho rằng, ông Navere Honore Traore quá thân cận với Tổng thống Blaise Compaore vừa bị lật đổ, họ ủng hộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kouame Lougue, người từng thất bại trong cuộc tranh cử năm 2003. Nhưng người cuối cùng được chọn là Trung tá Isaac Zida.

Tổng thống lâm thời Burkina Faso Michel Kafando tuyên thệ nhậm chức ngày 21/11/2014.

Ngay sau khi nắm quyền, ông Isaac Zida đã điều lực lượng trung thành với mình triển khai tại các điểm chiến lược trong thủ đô Ouagadougou, thực thi lệnh giới nghiêm từ 19h ngày 1/11/2014 đến 6h hôm sau; đồng thời thành lập cơ quan chuyển tiếp, đóng cửa sân bay và biên giới. Sau đó, ông Isaac Zida đã chuyển giao quyền lực cho Tổng thống dân sự Michel Kafando. Ngày 19/11/2014, Trung tá Issac Zida được bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời sau khi các đảng phái chính trị và lãnh đạo quân đội nhất trí thông qua quyết định này.

Cựu Tổng thống Blaise Compaore buộc phải từ chức ngày 31/10/2014 sau làn sóng biểu tình quy mô lớn phản đối kế hoạch sửa đổi hiến pháp nhằm "dọn đường" để ông tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 sau hơn 27 năm cầm quyền. Theo giới truyền thông, Tổng thống Blaise Compaore đã bị lật đổ bằng cuộc nổi dậy "mùa xuân đen tối".

Đêm 31/10/2014, Tổng thống Blaise Compaore buộc phải đáp ứng yêu cầu từ chức của người biểu tình, sau khi hàng chục nghìn người xông vào phóng hỏa tòa nhà quốc hội cùng nhiều trụ sở chính phủ khác, kể cả đài truyền hình quốc gia ở thủ đô Ouagadougou. Ngay sau khi tuyên bố từ chức, Tổng thống Blaise Compaore đã tới Yamoussoukro, thủ đô Bờ Biển Ngà. Trong tuyên bố từ chức, ông Blaise Compaore cho biết, vị trí tổng thống đang bỏ trống và một cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong vòng 90 ngày sẽ diễn ra.

Ngày 24/11/2014, Chính phủ lâm thời Burkina Faso đã họp phiên đầu tiên với việc quân đội nắm nhiều vị trí chủ chốt trong nội các. 6 vị trí chủ chốt trong chính phủ liên quan tới quốc phòng, nội vụ, mỏ, năng lượng, thông tin liên lạc và thể thao đều do quân đội nắm giữ.

Trước đó (tối 23/11/2014), danh sách các bộ trưởng đã được công bố, trong đó có Tổng thống lâm thời Michel Kafando và Thủ tướng lâm thời Isaac Zida.

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi biết tin đảo chính, hàng trăm người đã xuống đường phản đối cuộc đảo chính. Ngày 17/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên án cuộc đảo chính tại Burkina Faso, đồng thời kêu gọi thả ngay lập tức tất cả các quan chức bị bắt giữ, khôi phục chính quyền chuyển tiếp và nối lại tiến trình bầu cử tại quốc gia từng là thuộc địa của Pháp.

Tổng thống Burkina Faso Michel Kafando (phải) và Thủ tướng Isaac Zida.

Cũng trong ngày 17/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, cuộc đảo chính là "sự vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Hiến chương chuyển giao của Burkina Faso. Đồng thời khẳng định, Liên hợp quốc kiên định ủng hộ chính quyền chuyển tiếp, cũng như Tổng thống lâm thời Kafando".

Ngày 18/9, sau cuộc họp của Hội đồng An ninh và Hòa bình Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, AU thông báo, sẽ đình chỉ hoạt động của Burkina Faso do liên quan tới cuộc đảo chính quân sự hôm 17/9. Và lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt nếu chính quyền quân sự "không ngay lập tức trả tự do cho giới chức chính quyền chuyển tiếp".

Cũng trong ngày 18/9, khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Hòa bình và An ninh (APSC) của AU tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Chủ tịch Ủy ban AU, bà Nkosazana Dlamini Zuma đã nhấn mạnh, lực lượng đảo chính tại Burkina Faso phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự mất ổn định tại quốc gia Tây Phi này, đồng thời cho biết, APSC đang thảo luận các biện pháp cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Burkina Faso.

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Tây Phi, ông Mohamed Ibn Chambas hiện có mặt tại thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso và đang hợp tác chặt chẽ với ECOWAS cũng như AU và các đối tác hữu quan để đảm bảo quá trình chuyển giao ở quốc gia này diễn ra thuận lợi.

Được biết, trong khi ECOWAS đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau nhiều thập kỷ qua tại Burkina Faso, thì lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Blaise Compaore đã tiến hành đảo chính quân sự hôm 17/9, lật đổ Tổng thống lâm thời Michel Kafando và chính phủ chuyển tiếp của Thủ tướng lâm thời Isaac Zida.

Ngày 18/9, trong thông điệp phát trên đài phát thanh, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Burkina Faso (CNT), ông Cherif Moumina Sy đã tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời của nước này; đồng thời kêu gọi lực lượng đảo chính ra đầu hàng và giải tán lực lượng bất hợp pháp này.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.