Đằng sau sự xuất hiện bất ngờ của "cha đẻ" Bitcoin

Thứ Tư, 11/05/2016, 18:29
Một cơn sốt mới cùng sự quan tâm đặc biệt về Bitcoin lại được dư luận, nhất là những người đã và đang sở hữu đồng tiền ảo này đề cập sau khi doanh nhân người Australia Craig Wright chính thức thừa nhận, mình là "cha đẻ" của đồng tiền từng gây "bão" trên thị trường thế giới.


Bởi theo hãng BBC, với khoảng 1 triệu Bitcoin đang sở hữu và tính theo giá giao dịch hiện nay (mỗi Bitcoin có giá khoảng 449 USD), ông Craig Wright có một lượng tiền mặt khoảng 450 triệu USD (nếu được chuyển đổi). Và câu hỏi đang được dư luận quan tâm, là tại sao bây giờ ông Craig Wright mới xuất hiện và nhằm mục đích gì.

"Cha đẻ của Bitcoin"

Nếu doanh nhân người Australia muốn "tạo sóng" đối với đồng tiền ảo này, việc đó không khó, bởi hiện mới có khoảng 15,5 triệu Bitcoin được tạo ra và đang lưu thông trong không gian mạng. Giới chuyên môn cho rằng, với tư cách là "cha đẻ" của Bitcoin, ông Craig Wright hoàn toàn có thể điều khiển cuộc chơi theo cách của mình.

Tên gọi đầy đủ của ông Craig Wright là Craig Steven Wright (sinh tháng 10-1970) và là một doanh nhân không mấy danh tiếng ở Australia. Nhưng sau tiết lộ hôm 2-5, cuộc đời và sự nghiệp của ông Craig Wright sẽ có những đổi thay.

Bitcoin được nhiều nơi chấp nhận như hình thức thanh toán cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, trong tuyên bố với giới truyền thông, doanh nhân người Australia khẳng định, không muốn làm người nổi tiếng, chỉ muốn làm việc một mình. Khi xuất hiện trên đài truyền hình BBC hôm 2-5, ông Craig Wright thừa nhận mình là tác giả của Bitcoin, kết thúc những đồn đoán về người sáng tạo ra đồng tiền ảo này.

Và để minh chứng cho điều này, ông Craig Wright đã cung cấp bằng chứng kỹ thuật để khẳng định cho tuyên bố của mình. "Đây là những mật mã được sử dụng để gửi 10 Bitcoin cho Hal Finney hồi tháng 1-2009, như những đồng Bitcoin đầu tiên được giao dịch", ông Craig Wright tuyên bố tại cuộc phỏng vấn. Hal Finney là một trong những kỹ sư đã giúp biến những ý tưởng của doanh nhân người Australia thành hiện thực.

Các thành viên chủ chốt của Bitcoin và đội ngũ phát triển đồng tiền ảo này đã xác nhận, ông Craig Wright là "cha đẻ" của Bitcoin. Bởi lâu nay, mọi người chỉ biết tới cái tên Satoshi Nakamoto là "cha đẻ" của đồng tiền kể trên.

Trên trang blog của mình, ông Gavin Andresen, nhà khoa học của Bitcoin Foundation cũng xác nhận tuyên bố của ông Craig Wright là thật. Ông Jon Matonis, nhà kinh tế và cũng là một trong những người sáng lập ra Bitcoin Foundation tin những tuyên bố của ông Craig Wright: "Tôi có cơ hội xem các dữ liệu liên quan đến ba dòng riêng biệt: mã hóa, xã hội và kỹ thuật và ông Craig Wright đáp ứng cả 3 dữ liệu này, do đó tôi tin ông ấy là cha đẻ của Bitcoin". Ngoài hãng BBC, còn có 2 cơ quan truyền thông khác là Economist và GQ cũng đăng tải thông tin liên quan tới ông Craig Wright. Theo ông Craig Wright, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tiết lộ danh tính chính là "có nhiều chuyện được dựng lên và không muốn làm tổn thương những người tôi quan tâm. Và không muốn bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi chuyện này".

Sự mạnh tay cần thiết

Khẩu hiệu của Bitcoin là "Không ngân hàng, không biên giới và chúng ta tin ở phép mã hóa". Gần 5 tháng trước (9-12-2015), 2 tạp chí Wired và Gizmodo từng xác định ông Craig Wright là "cha đẻ" của Bitcoin. Và ngay sau khi thông tin này được công bố chỉ vài giờ, cảnh sát đã đột kích vào nhà ông Craig Wright.

Giám đốc điều hành Mt.Gox Mark Karpeles.

Nhưng khi đó, Cơ quan thuế vụ Australia cho biết, cuộc đột nhập kể trên liên quan đến tiền thuế hơn là Bitcoin. Và sau vụ việc này, nhiều nhà báo đã săn đuổi ông Craig Wright và những người từng quen biết doanh nhân này.

Khi được hỏi về việc nhà bị lục soát, ông Craig Wright cho biết, đã hợp tác với cơ quan chức năng - cử luật sư để hỏi Cơ quan thuế vụ phải nộp bao nhiêu tiền. Theo giới truyền thông, từ trung tuần tháng 9-2015, các ngân hàng lớn của Australia đã quyết định đóng tài khoản của những công ty giao dịch Bitcoin, buộc ít nhất 13 nhà cung cấp đồng tiền này ngừng hoạt động.

Theo người phát ngôn của Hiệp hội giao dịch thương mại bằng tiền điện tử Australia (ADCCA), các ngân hàng đã gửi thông báo về quyết định khóa những tài khoản kể trên tới 17 nhà cung cấp dịch vụ giao dịch bằng Bitcoin.

Trước đó, Westpac Banking Corp là ngân hàng cuối cùng trong số 4 ngân hàng hàng đầu Australia rút khỏi lĩnh vực nhận tiền gửi của các công ty tiền ảo Bitcoin nhằm giảm nguy cơ rủi ro vi phạm luật. Khi đó ADCCA ước tính, lượng Bitcoin được lưu hành tại Australia chiếm 7% trong tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD trên thế giới.

Doanh nhân Craig Wright vừa công khai thừa nhận ông là ''cha đẻ'' của đồng Bitcoin.

Hơn 9 tháng trước (5-8-2015), Tòa án quận Tokyo đã bác đơn kiện đòi sở hữu tài sản của một khách hàng Sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox với lý do tiền ảo "không phải là đối tượng để sở hữu". Đây là một trong những khách hàng của Mt.Gox đã mở tài khoản dưới dạng tiền mặt và Bitcoin để tiến hành các giao dịch chéo qua mạng Internet.

Trước đó (1-8-2015), Giám đốc điều hành Mt.Gox Mark Karpeles đã bị cảnh sát Nhật Bản bắt với cáo buộc thao túng tài khoản tiền mặt trên Mt.Gox để trục lợi và đã biển thủ 8,9 triệu USD của khách hàng.

Hơn 2 năm trước (25-2-2014), cộng đồng sử dụng Bitcoin (BTC) từng rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi sàn giao dịch Bitcoin lớn thứ ba thế giới Mt.Gox có trụ sở tại Nhật Bản đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi mạng Internet. Việc này diễn ra sau khi rộ lên nhiều tin đồn sàn giao dịch kể trên đã bị đánh cắp 744.000 BTC và đang nợ tới 174 triệu USD.

Văn phòng làm việc của Mt.Gox ở thủ đô Tokyo cũng không hoạt động. Trước đó, Mt.Gox từng phải ngừng tất cả các giao dịch rút tiền trong khi lượng tiền rút ra tăng mạnh. Động thái này xuất hiện sau khi 2 ông trùm Bitcoin là Pascal Reid và Michel Abner Espinoza bị bắt tại Mỹ (27-1-2014) với cáo buộc rửa tiền và tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiền tệ không được cấp phép.

Tư gia của ông Craig Wright từng bị nhà chức trách Australia lục soát.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Mt.Gox đóng cửa là một "sự thất bại lớn" đối với cộng đồng sử dụng BTC, đồng thời cho thấy sự tồn tại của đồng tiền điện tử này rất "mong manh" và việc Mt.Gox phá sản không chỉ khiến giới đầu tư thất vọng, mà còn khiến việc giao dịch trong thế giới tiền ảo bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hơn 10 tháng trước (tháng 7-2015), cảnh sát Pháp từng thẩm vấn 3 người và tiến hành khám xét tại các thành phố Cannes, Nice, Toulouse (Pháp) và Brussels (Bỉ) nhằm làm rõ hoạt động của một đường dây bất hợp pháp trao đổi Bitcoin trên mạng Internet.

Những cảnh báo

Trung tuần tháng 9-2015, Bitcoin đã được Mỹ công nhận là một loại hàng hóa cơ bản giống như vàng hay dầu thô. Hãng CNBC cho biết, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Mỹ cho rằng, Bitcoin và các đồng tiền ảo khác được coi như hàng hóa. Việc CFTC đưa Bitcoin vào danh mục giao dịch có thể giúp làm sạch các giao dịch thương mại sản phẩm của Mỹ, đồng thời tăng chi phí kinh doanh.

Tuy chỉ áp dụng ở Mỹ, nhưng với quy mô thị trường giao dịch hàng hoá của Mỹ, việc này sẽ sớm tác động để làm thay đổi quy định ở các sàn giao dịch hàng hoá khác ở châu Âu, Nhật Bản... Trước đó (tháng 3-2015), Sở Thuế vụ Mỹ từng cho Bitcoin là một loại tài sản tương tự bất động sản và người sở hữu có thể phải đóng thuế thu nhập.

Tới tháng 8-2015, một tòa án tại bang Texas coi Bitcoin là một loại tiền tệ trong một vụ xử tranh chấp về đồng tiền ảo này. Hãng công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft cũng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cho một số đối tượng người dùng games, ứng dụng và nội dung số trên Windows, Windows Phone, Xbox Games, Xbox Music và Xbox Video.

Cơ quan chức năng lục soát nhà ông Craig Wright hồi tháng 12-2015.

Có người từng nói, Bitcoin sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân hàng trên thế giới. "Bitcoin có thể là sự chuyển đổi mô hình dành cho những người không có ngân hàng", Michael Fraser, trưởng bộ phận tin tức tại Hiệp hội Kế toán Australia và New Zealand đã nói với hãng CNBC như vậy khi được hỏi về chủ đề này.

Trong khi đó, Tòa án Tối cao châu Âu tuyên bố (trung tuần tháng 10-2015), Bitcoin sẽ không bị áp thuế khi giao dịch, tương tự như chính sách áp dụng với tiền mặt. Đồng thời nhấn mạnh, tiền ảo vừa là tiền tệ, hàng hóa, vừa là sản phẩm của công nghệ, nên việc đánh thuế giao dịch là không thỏa đáng và phán quyết kể trên đã giúp các giao dịch Bitcoin tại châu Âu tiết kiệm chi phí và thúc đẩy tiền ảo phát triển.

Theo giới chuyên môn, quyết định của Tòa án Tối cao châu Âu không những tạo lợi thế cho Bitcoin trong quá trình xác định giá trị, mà còn giải quyết tranh cãi giữa cơ quan thuế Thụy Điển và một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất nước này.

Theo tờ New York Times, giới tội phạm công nghệ hiện có nhiều mánh khóe kiếm tiền từ những hành vi như thu giữ hàng triệu dữ liệu file trên máy tính, đánh sập các trang web của tổ chức, chính phủ, đe dọa tấn công thực tế và gần đây chúng thích nhận tiền chuộc bằng Bitcoin. Giới chức châu Âu cũng thường xuyên cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi dùng Bitcoin thay cho tiền thật. Theo giới truyền thông, Đức là quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền tệ (tháng 8-2013).

Năm 2009, 1 USD đổi được 1.309.03 Bitcoin, nhưng 2 năm sau (2011), Bitcoin đã tăng đột biến. Giá trị của đồng Bitcoin trên thế giới đã tăng từ 150 triệu USD lên 10 tỷ USD trong năm 2013, tạo thêm áp lực cho các nhà quản lý. Ngày 21-5-2010, giao dịch thực tế đầu tiên trong lịch sử Bitcoin diễn ra khi Laszlo Hanyecz, lập trình viên sống tại Florida, Mỹ gửi 10.000 Bitcoin cho một tình nguyện viên đặt mua giúp anh một bánh pizza. Đầu tháng 11-2013, một Bitcoin tương đương với 215 USD, nhưng sau đó vọt lên hơn 1.000 USD/Bitcoin - tăng tới 400% trong chưa đầy một tháng. Sự tăng giá này từng khiến một số người tin rằng, Bitcoin đang được định giá quá cao và bong bóng đang phồng lên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm 2013, Bitcoin được xếp là 1 trong 10 sự kiện kinh tế và 1 trong 4 sự kiện công nghệ nổi bật nhất tại nước Mỹ. Fed từng lưu ý đến "giá trị xã hội tích cực" của Bitcoin.
Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.