Đằng sau việc Thụy Điển bác đơn kháng cáo của nhà sáng lập WikiLeaks

Chủ Nhật, 17/05/2015, 15:00
Ngày 11/5, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã bác đơn kháng cáo của nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange xung quanh cáo buộc lạm dụng tình dục. 

Theo thông báo của Tòa án Tối cao Thụy Điển, họ thấy không có lý do để hủy lệnh bắt giữ đối với ông Julian Assange, cho dù các công tố viên nước này muốn thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks ở London về cáo buộc tấn công tình dục.

Hơn 2 tháng trước (13/3), các công tố viên Thụy Điển từng đề nghị cơ quan chức năng Anh cho phép thẩm vấn và xét nghiệm ADN của ông Julian Assange, thay vì thẩm vấn tại Thụy Điển như yêu cầu trước đó, nhằm giải quyết cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks tấn công tình dục đối với 2 phụ nữ năm 2010. 

Giới chuyên môn từng coi đề nghị kể trên sẽ tạo bước ngoặt làm sáng tỏ vụ án lạm dụng tình dục của ông Julian Assange, nhưng với tuyên bố hôm 11/5 của Tòa án Tối cao Thụy Điển, vấn đề này có thể lại rơi vào bế tắc.

Ông Julian Assange và Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino.

Trước đó (cuối năm ngoái), một tòa án phúc thẩm Thụy Điển cho rằng, các công tố viên chưa làm hết sức để thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks. Giới chuyên môn nhận định, một trong những nguyên nhân khiến Tòa án Tối cao Thụy Điển đưa ra quyết định hôm 11/5 bởi luật pháp nước này giới hạn thời gian điều tra một số hành vi phạm tội. Và trong trường hợp của ông Julian Assange, các công tố viên chỉ có cơ hội thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks về một số cáo buộc trước tháng 8/2015, mặc dù họ vẫn có quyền điều tra các cáo buộc hiếp dâm nghiêm trọng nhất cho đến năm 2020.

Đây là thông báo của công tố viên Marianne Ny, người phụ trách vụ án này. Bà Marianne Ny cũng là người chính thức đề nghị thẩm vấn ông Julian Assange trong Đại sứ quán Ecuardor ở London và lấy mẫu ADN của nhà sáng lập WikiLeaks tại đây. Trong khi đó, luật sư Claes Borgstrom cho biết, thời hạn khởi tố đối với cáo buộc tấn công tình dục là 5 năm và 10 năm đối với tội cưỡng hiếp. Do đó, thời hạn khởi tố tội tấn công tình dục đối với ông Julian Assange sẽ hết hiệu lực vào tháng 8/2015.

Dư luận cho rằng, quyết định của Tòa án Tối cao Thụy Điển được đưa ra sau khi trang mạng WikiLeaks tiết lộ 30.287 tài liệu và 173.132 email của hãng phim Sony Pictures bị rò rỉ (hạ tuần tháng 4) trong vụ hacker tấn công năm ngoái. Và Sony Pictures đã chỉ trích việc WikiLeaks tung lên mạng các tài liệu của họ, đồng thời cáo buộc trang website này đã tiếp tục phát tán các thông tin bị đánh cắp. Trong khi đó, ông Julian Assange lại cho rằng, những tài liệu kể trên cần để cho công chúng tiếp cận.

Trước đó (24/3), ông Julian Assange còn tuyên bố: Từ lâu Mỹ đã tìm cách chia rẽ Moskva với Kiev và phương Tây, đã chi hàng tỷ USD để thành lập các tổ chức phi chính phủ ở Ukraine…

Per Samuelson, một trong những luật sư của ông Julian Assange từng cho biết, nhà sáng lập WikiLeaks hoan nghênh việc thẩm vấn tại London, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại rằng, việc này có thể mất nhiều thời gian bởi đề xuất của Thụy Điển cần nhận được sự đồng ý từ Chính phủ Anh và Ecuador.

Luật sư Per Samuelsson từng tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, ông Julian Assange bị Mỹ săn lùng sau khi cho công bố 500.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cùng 250.000 bức thư tín ngoại giao mật khác. Luật sư Per Samuelsson cũng khuyến cáo, nếu rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, ông Julian Assange sẽ mất quyền miễn trừ chính trị và phải đối mặt với bản án 35-40 năm tù giam tại Mỹ.

Cảnh sát Anh canh gác bên ngoài Đại sứ quán Ecuador ở London.

Không phải bây giờ, mà ngay sau khi bị Thụy Điển phát lệnh truy nã, nhà sáng lập WikiLeaks đã cho rằng, Stockholm có thể trục xuất ông đến Washington, và phải đối mặt với bản án từ 35 đến 40 năm, bởi trang mạng WikiLeaks công bố nhiều tài liệu quân sự và ngoại giao mật của Mỹ. Ông chủ WikiLeaks không những bác bỏ mọi cáo buộc chống lại bản thân, mà còn cho rằng việc Stockholm săn lùng mình mang động cơ chính trị.

Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino từng viết trên Twitter rằng, tính đến ngày 16/3 là tròn 1.000 ngày ông Julian Assange tới tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador. Gần 2 năm trước (25/10/2013), Ecuador từng yêu cầu Anh mở hành lang an toàn để ông Julian Assange có thể bay đến Quito, nhưng bất thành.

Ngày 19/6/2012, ông chủ WikiLeaks đến Đại sứ quán Ecuador ở London xin tị nạn chính trị, sau khi một tòa án ở Anh ra phán quyết (24/2/2011) có thể dẫn độ Julian Assange sang Thụy Điển.

Trước đó (18/11/2010), một công tố viên Thụy Điển phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với ông Julian Assange về tội tấn công tình dục 2 phụ nữ. Và theo ước tính của trang Govwaste.co.uk, số tiền chi để theo dõi 24/24h đối với ông Julian Assange có thể thanh toán hơn 8 triệu bữa ăn cho người nghèo, tiền viện phí cho 38.043 giường bệnh trong một đêm hoặc học phí cả năm cho 17.226 trẻ em ở Anh.

Nhiệm Bình
.
.
.