Đằng sau việc Interpol ngưng hợp tác với FIFA

Thứ Bảy, 20/06/2015, 08:00
Tuyên bố hôm 12/6 của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) càng khiến cho dư luận quan tâm tới những bê bối tại Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). 

Bởi theo Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock, tổ chức này tuy vẫn cam kết phát triển chương trình Liêm chính trong thể thao, nhưng ông đã quyết định ngưng dự án kể trên vì "tình hình hiện thời" liên quan tới FIFA. Được biết, chương trình Liêm chính trong thể thao là dự án kéo dài 10 năm với khoản đóng góp 22 triệu USD từ FIFA. Và đây là chương trình nhằm ngăn chặn việc lũng đoạn các sự kiện thể thao, cũng như tình trạng cá độ bất hợp pháp của các nhóm tội phạm. Và quyết định ngưng chương trình Liêm chính trong thể thao xuất phát từ bê bối tham nhũng của FIFA.

Ông Sepp Blatter.

Giới truyền thông cho rằng, việc Chủ tịch FIFA Sepp Blatter quyết định từ chức hôm 2-6 đang khiến cho những vụ tham nhũng kéo dài trong 20 năm qua tại FIFA dần được phơi bày và đây là một việc nghiêm trọng. Cho tới nay cảnh sát Interpol đã ra quyết định truy nã đối với 6 quan chức FIFA. Đó là ông Jack Warner (cựu Phó Chủ tịch FIFA) và cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ Nicolas Leoz, cùng 4 Giám đốc các công ty tiếp thị thể thao và phát thanh truyền hình là Alejandro Burzaco, Hugo Jinkis, Mariano Jinkis và Jose Margulies.

Cơ quan chức năng đang có trong tay tài liệu chứng minh về vụ chuyển khoản số tiền 10 triệu USD từ FIFA sang những tài khoản do cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner kiểm soát.

Quyết định kể trên diễn ra đúng bối cảnh Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố, không ra đi theo yêu cầu của Nghị viện Cộng đồng Châu Âu (EU), và chỉ thực hiện việc này sau khi FIFA tìm được chủ tịch mới. Theo nghị quyết của Nghị viện EU, cơ quan này không những yêu cầu ông Sepp Blatter phải rời bỏ ngay lập tức vị trí điều hành FIFA, mà còn yêu cầu điều tra việc chọn quốc gia đăng cai các vòng chung kết bóng đá thế giới năm 2018 ở Nga và năm 2022 ở Qatar.

Nếu kết quả điều tra cho thấy, Nga và Qatar có hành vi hối lộ quan chức FIFA để lấy phiếu bầu, FIFA sẽ phải tổ chức cuộc bỏ phiếu mới để lựa chọn quốc gia thay thế. Còn trong thông báo mới nhất của FIFA đã nhấn mạnh: FIFA thực sự ngạc nhiên với nghị quyết của Nghị viện EU bởi tuy đã tuyên bố từ chức, nhưng ông Sepp Blatter vẫn giữ quyền điều hành FIFA cho tới khi Đại hội bất thường của FIFA bầu ra Chủ tịch mới.

Trong khi đó giới chuyên môn quan tâm tới bản cáo trạng gồm 47 điểm chống lại 9 quan chức của FIFA và 5 Giám đốc điều hành các công ty thể thao trực thuộc FIFA vừa được Bộ Tư pháp Mỹ thông báo. Theo cáo buộc của Washington, những quan chức kể trên có liên quan tới cáo buộc gian lận, lừa đảo và rửa tiền với tổng trị giá 150 triệu USD.

Theo giới chuyên môn, doanh thu ngày càng tăng cao khiến FIFA trở thành "con bò sữa" cho tất cả những ai tham gia vào các dự án phát triển của FIFA. Bởi doanh thu khổng lồ của FIFA đã tăng dần từ World Cup 2002 (1,9 tỷ USD), World Cup 2010 (3,655 tỷ USD) và đến năm 2014 vượt mức 4,826 tỷ USD. Và các khoản thu này đều đến từ hợp đồng bán bản quyền phát sóng, tài trợ của công ty, cấp giấy phép hoạt động và bán vé.

Theo nhận định của kinh tế gia Andrew Zimbalist, việc Washington bị FIFA từ chối trao quyền đăng cai World Cup 2022 (trao cho Qatar) là một sự sỉ nhục đối với giới chức Mỹ. Do đó, Mỹ quyết "làm rõ trắng đen" trong vấn đề này.

Ông Andrew Zimbalist cũng cho rằng, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch muốn nhấn mạnh đến những lo ngại về tham nhũng của FIFA trong môn thể thao mà Washington muốn có một vai trò lớn hơn. Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho rằng, những khoản hối lộ dành cho quan chức FIFA được chuyển đi từ Delta thông qua các ngân hàng lớn như Citigroup, JPMorgan và hàng chục triệu USD đã được Tập đoàn tiếp thị thể thao Traffic Group chuyển qua các ngân hàng HSBC, Wells Fargo & Co và Banco Do Brazil SA trong một thập kỷ qua.

Giới truyền thông cho biết, các công tố viên Mỹ đang lần theo đường dây chuyển tiền mà Washington đã cáo buộc trước đó. Tổng Biên tập tờ Sport (Tây Ban Nha) Josep Maria Casanovas cho rằng, FIFA đã trở thành "hang ổ của những kẻ ăn cắp" bởi lá phiếu đã bị bán và ý chí đã bị mua chuộc. Trong khi đó FBI cho biết, đã điều tra việc Qatar tham gia cuộc đua đăng cai World Cup từ tháng 9/2011 và được biết, ông Phaedra Almajid, nhân viên người Qatar từng chứng kiến việc đưa hối lộ số tiền 1,5 triệu USD để Qatar nhận được sự ủng hộ của 3 thành viên châu Phi thuộc Ban điều hành FIFA.

Mạnh Phong
.
.
.