Datlai Latma từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông xử sự như thế nào?

Thứ Tư, 13/05/2015, 19:00
Ngay sau khi Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc công bố Sách trắng "Sự lựa chọn lịch sử về con đường phát triển của Tây Tạng", dư luận đã có những phản ứng khác nhau. Bởi Sách trắng nêu rõ, thực chất của "con đường trung gian" là chia cắt Trung Quốc, đi ngược lại lợi ích căn bản của nhân dân Trung Quốc, trong đó có nhân dân các dân tộc Tây Tạng. 

Theo Sách trắng, cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Datlai Latma đời thứ 14 bắt đầu thay đổi sách lược "Tây Tạng độc lập", đưa ra cái gọi là "con đường trung gian", nhằm quảng cáo cho "đại khu vực Tây Tạng". Nhưng "đại khu vực Tây Tạng" không hề có căn cứ trong lịch sử quy hoạch đơn vị hành chính Trung Quốc, là con đẻ của chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược Trung Quốc, mưu toan chia cắt Trung Quốc… Để hiểu rõ về Datlai Latma đời thứ 14, CSTC xin giới thiệu tư liệu dưới đây.

Từ sự trọng thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông

Việc đầu tiên Chủ tịch Mao Trạch Đông quan tâm sau ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (1/10/1949) là giải phóng hoà bình Tây Tạng. Ngày 16/12/1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông tới Moskva để ký với Stalin về bản "Công ước trợ giúp lẫn nhau giữa hai đồng minh Xô-Trung", ngoài ra ông còn dành thời gian nghĩ cách đánh đuổi Quốc dân đảng, thống nhất đất nước. Và một trong những việc cần làm khi mở chiến dịch Lan Châu là chuẩn bị tốt lực lượng, tinh thần để giải quyết "vấn đề Tây Tạng" một cách tốt đẹp nhất.

Datlai Latma.

Theo chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông, dã chiến quân Tây Bắc đã nhanh chóng liên lạc với người của Banthien Latma đời thứ 10, nên ngay trong ngày 1/10/1949, Banthien Latma đã có điện chúc mừng Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tổng tư lệnh Chu Đức nhân ngày thành lập nước. Ngày 23/11/1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi điện cảm ơn và cũng trong ngày hôm đó, ông đã chỉ thị cho Bành Đức Hoài chuẩn bị tiến quân vào Tây Tạng.

Mặc dù ở Moskva, nhưng Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn chỉ đạo sát sao và bàn việc với Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long trong quá trình tiến quân vào Tây Tạng. Theo chỉ thị của ông, đầu năm 1950, Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long chia quân làm 4 ngả Tây Kang, Thanh Hải, Vân Nam và Tân Cương tiến quân vào Tây Tạng. 

Trước khi phát lệnh tấn công, Bộ chỉ huy tiền phương đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Tây Tạng cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh để đàm phán nhằm giải quyết hoà bình vấn đề Tây Tạng, song chính quyền phản động khi đó cố tình phớt lờ thiện chí của quân giải phóng. Sau nhiều lần thuyết phục bất thành, Bộ chỉ huy đã quyết định tấn công giải phóng Xương Đô - cửa ngõ vào Tây Tạng.

Ngày 21/10/1950, Xương Đô được giải phóng, chính quyền bù nhìn bị đánh đổ, Datlai Latma đời thứ 14 khi đó mới 15 tuổi đã được chấp chính (theo quy định phải 18 tuổi mới được chấp chính). Tháng 4/1951, Datlai Latma cử A Bái dẫn đoàn đại biểu Tây Tạng tới Bắc Kinh để hoà đàm. Cùng thời gian đó, Banthiên Latma đời thứ 10 và đoàn đại biểu cũng lên đường tới Bắc Kinh. 

Sau khi biết tin về 2 đoàn đại biểu này, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cử Thủ tướng Chu Ân Lai và Lý Duy Hán, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề dân tộc làm trưởng đoàn đàm phán với phía Tây Tạng. Do đặc điểm lịch sử nên Tây Tạng có nhiều điểm không giống với các dân tộc khác nên phải áp dụng một số chính sách đặc biệt nhằm giải quyết thoả đáng vấn đề này. Khi đó, vấn đề cấp bách cần giải quyết của Tây Tạng không phải là vấn đề cải cách chế độ xã hội, mà là 2 vấn đề.

Thứ nhất, giải quyết một cách thoả đáng mối quan hệ giữa Trung ương với Tây Tạng, đánh đuổi số phản động khỏi Tây Tạng. Đồng thời, giải quyết ổn thoả khoảng cách về dân tộc do lịch sử để lại... để đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước. Thứ hai, giải quyết một cách công bằng, hợp lý những vấn đề lịch sử để lại, đoàn kết nội bộ Tây Tạng, nhất là sự đoàn kết giữa Datlai Latma với Banthien Latma. 

Chính vì 2 lý do kể trên nên mọi sắp xếp đều do Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân chỉ thị. Theo đó, đoàn của A Bái bay tới Tây An, sau đó từ Tây An đi tàu hoả tới Bắc Kinh. Còn đoàn của Banthien Latma đi tàu hoả từ Tây An tới Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai sẽ đón họ tại sân ga.

Datlai Latma tại một buổi thuyết trình trước các tín đồ.

Đoàn đại biểu Tây Tạng cũng có suy nghĩ riêng. Banthien Latma lo Trung ương sẽ hy sinh lợi ích của họ để tranh thủ Datlai Latma trong việc tiến quân vào Tây Tạng. Trong khi đó, A Bái lo Trung ương sẽ sử dụng Banthien Latma để tiêu hao lực lượng của họ. Nhưng sau hơn 20 ngày hội đàm, đoàn đại biểu Tây Tạng đã đạt thoả thuận về "Hiệp nghị bàn biện pháp giải quyết hoà bình vấn đề Tây Tạng".

Sáng 23/5/1951, lễ ký chính thức diễn ra trước sự chứng kiến của Phó Chủ tịch Chu Đức, Lý Tế Thâm và Phó Thủ tướng Trần Vân. Chiều 24/5/1951, Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp đoàn đại biểu Tây Tạng tại Hoài Nhân Đường.

Và từ tháng 10 đến tháng 12/1951, quân giải phóng đã làm chủ toàn bộ tình hình Tây Tạng. Tết Nguyên đán năm 1952, cả Datlai Latma và Banthien Latma đều gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trung tuần tháng 9/1954, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ nhất (Quốc hội) được tổ chức tại Bắc Kinh, cả Datlai Latma và Banthien Latma đều được mời tham dự, được bầu vào đoàn chủ tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng, cả 2 vị "Phật sống" cùng tới Bắc Kinh.

Ngày 11/9/1954, Mao Chủ tịch tiếp 2 vị "Phật sống" tại điện Cần Chính trong Trung Nam Hải. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp kiến Datlai Latma đời thứ 14, và cũng là lần đầu tiên ông tiếp một lúc 2 vị "Phật sống".

Sau đó, Datlai Latma được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khi vừa tròn 19 tuổi, còn Banthien Latma được cử làm Phó Chủ tịch Chính hiệp khi mới 16 tuổi. Mãi tới thượng tuần tháng 3/1955, Datlai Latma và Banthien Latma mới chuẩn bị trở về Tây Tạng. Ngày 8 và 9/3/1955, Mao Trạch Đông Chủ tịch cùng một số tướng lĩnh và lãnh đạo đảng, nhà nước làm lễ tiễn Datlai Latma và Banthien Latma. Ngày 10/3/1955, Thủ tướng Chu Ân Lai tổ chức yến tiệc để tiễn 2 vị "Phật sống". Nhưng đến tháng 3/1959, Datlai Latma đã đi ngược lại những gì đã thoả thuận, đàm phán với Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Tới cuộc đào tẩu của Karmapa thứ 17

Vào khoảng 22h ngày 28/12/1999, trong khi người dân Lasha, Tây Tạng bắt đầu chìm trong giấc nồng thì tại chùa Sở Bố, Karmapa thứ 17 chuẩn bị rời khỏi nơi đây bằng lối cửa sổ. Trước khi rời chùa Sở Bố, Karmapa thứ 17 để lại bức thư biện giải cho chuyến đi này: ra nước ngoài tìm chiếc mũ đen và pháp khí chính thống của Karmapa thứ 16 để lại trên trần gian - biện pháp đề phòng của Karmapa thứ 17 - nếu gặp bất trắc đã có bức thư làm bằng!

Sau khi rời khỏi chùa Sở Bố, Karmapa thứ 17 đã lên chiếc xe có 2 tài xế và 2 trợ thủ cùng 1 tăng nhân với chị gái của mình, để vượt 800km tới cửa khẩu. Nhưng tại cửa khẩu giáp biên với Nepal, lính biên phòng Trung Quốc đột nhiên gia tăng tuần tra, toàn bộ khu vực biên giới bị phong toả, không cho bất cứ một người dân nào được phép qua lại. 

Đây là tình hình ngày 30/12/1999 và nếu Karmapa thứ 17 chỉ ra đi bình thường thì không thể qua được biên giới. Bởi họ phải vượt qua một chặng đường dài, cần tới một nguồn tài chính lớn cũng như nhân lực dồi dào, trong khi vị "phật sống" mới 16 tuổi cùng vài tuỳ tùng không thể làm nào.

Được biết, kế hoạch đào tẩu của Karmapa thứ 17 được vạch ra từ năm 1998. Và cũng giống như Datlai Latma, Karmapa thứ 17 ra đi một cách lén lút vào ban đêm, theo một kịch bản viết sẵn.

Ngay sau khi Karmapa thứ 17 tới Ấn Độ (ngày 6/1/2000), một loạt hoạt động đã liên tiếp diễn ra. Đại diện của hơn 35 nhóm Tây Tạng lưu vong đã có mặt tại thủ đô New Delhi, để yêu cầu chính phủ Ấn Độ cho phép Karmapa thứ 17 được tị nạn chính trị sau khi cư ngụ tại nơi tạm trú của Datlai Latma, khi ông mới trốn sang Ấn Độ năm 1959. Sau đó, Datlai Latma đã chính thức làm đơn xin Thủ tướng Ấn Độ cho phép Karmapa thứ 17 được tị nạn chính trị.

Ngày 16/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Trung Quốc có đầy đủ các quy định về tôn giáo, và chế độ Datlai Latma phải được tiến hành theo pháp luật nhà nước và nội quy tôn giáo. Theo đó, Datlai Latma tái sinh cũng phải tuân thủ các nghi lễ tôn giáo, định chế lịch sử và quy định của nhà nước.

Trước đó, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Datlai Latma nói rằng, ông sẽ không tái sinh sau khi chết, kết thúc 400 năm lịch sử truyền thống Latma tái sinh của Phật giáo Tây Tạng. Truyền thống này cho rằng, linh hồn của một vị Latma sẽ tái sinh vào một đứa trẻ ngay sau khi diễn ra cái chết của người này. Cũng trong ngày 16/4, hãng Reuters cho biết, người đang giữ danh hiệu Datlai Latma là Ogyen Trinley Dorje hiện sống lưu vong ở Ấn Độ, nhưng vẫn được Bắc Kinh thừa nhận là Datlai Latma. 

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.