Đẩy mạnh cuộc chiến chống rửa tiền

Thứ Sáu, 29/04/2016, 15:10
Sau khi "Hồ sơ Panama" rò rỉ những thông tin gây chấn động, nhiều quốc gia trên thế giới như Australia, Anh, Pháp, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Áo, Thụy Điển, Hà Lan, New Zealand… đã mở các cuộc điều tra đối với những cá nhân và đơn vị bị nghi trốn thuế, rửa tiền. Trong đo, Đức được coi là "người tiên phong" trong việc lấp những lỗ hổng trong cuộc chiến chống rửa tiền. 


Từ quyết tâm của Đức

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Martin Luther tại Halle-Wittenberg (Đức) công bố hôm 21-4, các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp tại Đức có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì cơ quan chức năng từng biết. Ước tính mỗi năm có ít nhất từ 15.000-28.000 giao dịch tại Đức bị nghi liên quan đến rửa tiền. Các hoạt động rửa tiền tại Đức có thể lên tới 100 tỷ euro/năm, cao gấp đôi so với những con số được thống kê từ trước đến nay. Và hoạt động rửa tiền chủ yếu nấp bóng dưới các giao dịch bất động sản, mua bán ôtô, các sản phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, lĩnh vực khách sạn, nhà hàng cũng được coi là nơi tiềm ẩn nguy cơ hoạt động rửa tiền. Nghiên cứu của Đại học Martin Luther còn nhấn mạnh, Đức được coi là một trong những điểm đến đầu tư kinh doanh hàng đầu ở châu Âu, do đó các hoạt động rửa tiền ở quốc gia sở hữu nền kinh tế số một "lục địa già" diễn ra sôi động, trong đó các nguồn tiền chủ yếu đến từ nước ngoài.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas từng kêu gọi giới truyền thông bàn giao "Hồ sơ Panama" gốc để hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra các nghi án trốn thuế. Và theo ông Heiko Maas, các nhà điều tra và luật sư ở Đức đang thu thập chứng cứ liên quan đến "Hồ sơ Panama" và nhiều cuộc điều tra về rửa tiền đang diễn ra.

Bộ Tài chính Đức thừa nhận, có những lỗ hổng trong hoạt động chống rửa tiền ở cấp độ các bang. Bởi ở Đức, chính quyền bang chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các lĩnh vực như giao dịch bất động sản, xây dựng, mua bán du thuyền, thuyền buồm hay mua bán đá quý, đồ trang sức. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính-ngân hàng do chính quyền liên bang quản lý thông qua Cơ quan giám sát tài chính liên bang (BAFIN).

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble còn cho biết, nước này đã lên kế hoạch hành động 10 điểm để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền và coi đây là biện pháp hữu hiệu giúp vạch trần mánh khóe che giấu tài sản tại các "thiên đường trốn thuế".

Theo kế hoạch hành động 10 điểm của ông Wolfgang Schauble, Đức muốn ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền, che giấu tài sản của "người có tiền". Đồng thời kêu gọi Panama hợp tác, đặc biệt là nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận thuế quan với Đức. Ngoài ra, Berlin sẽ trừng phạt nặng các doanh nghiệp hoặc ngân hàng có hành vi trốn thuế, đồng thời ủng hộ việc thiết lập một "danh sách đen" về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Tài chính Đức còn cho rằng, vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đã gia tăng sức ép đối với nhiều quốc gia, nhằm chấm dứt tình trạng trốn thuế và rửa tiền. Dự kiến, Đức sẽ đề xuất một dự luật liên quan và đây là một phần trong chính sách chống rửa tiền lần thứ 4 của Liên minh Châu Âu (EU).

Một số vụ án điển hình

Hơn 2 tháng trước (20-2), một tòa án ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã ra lệnh bỏ tù 3 quan chức chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và từ chối cho nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. 3 quan chức ICBC khác tuy cũng bị kết án tù, nhưng được nộp 100.000 euro để tại ngoại. Cả 6 quan chức ICBC kể trên đều bị cáo buộc phạm tội rửa tiền, gian lận và trốn thuế.

Theo thống kê, ICBC đã mở 2 chi nhánh ở Madrid và Barcelona, để phục vụ hơn 190.000 người Trung Quốc, cộng đồng nước ngoài đông thứ 4 ở Tây Ban Nha. Europol ủng hộ vụ bắt giữ của cảnh sát Tây Ban Nha. Bởi để bắt những lãnh đạo kể trên của ICBC, cảnh sát Tây Ban Nha đã phải theo dõi nhiều năm mới "cất lưới".

Và cảnh sát đã thực hiện hơn 60 cuộc truy quét ở các thành phố như Barcelona, Madrid và Valencia, bắt giữ 30 nghi phạm. Europol và cảnh sát Tây Ban Nha còn phát hiện các băng nhóm tội phạm Trung Quốc và Tây Ban Nha có liên hệ với những nhóm khác ở Pháp, Đức và Lithuania, để thực hiện các vụ rửa tiền lớn.

Ngày 20-6-2015, các công tố viên ở thành phố Florence, Italia đã chính thức đề nghị truy tố chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở thành phố Milan cùng 297 người, hầu hết là người Trung Quốc, bị nghi rửa tiền và dính líu đến một số hoạt động tội phạm khác. Theo tài liệu gửi lên tòa án thành phố Florence, các công tố viên khẳng định, hơn 4,5 tỉ euro (có tài liệu nói khoảng 5,1 tỉ USD) đã được chuyển bất hợp pháp từ Italia về Trung Quốc (2006-2010) thông qua dịch vụ chuyển tiền Money2Money (M2M) ở nhiều thành phố.

Theo các công tố viên Florence, hoạt động chuyển tiền diễn ra thường xuyên, bằng một cái tên Trung Quốc giả nào đó và động thái này đã củng cố thêm năng lực kinh tế của các tổ chức mafia Trung Quốc chuyên hoạt động trong lĩnh vực này.

Công ty Luật Mossack Fonseca.

Giới chuyên môn từng tuyên bố, việc cảnh sát Brazil bắt giữ 11 đối tượng tình nghi tham gia đường dây rửa tiền lên đến 1 tỷ USD thông qua các hợp đồng thương mại giả với Venezuela, càng chứng tỏ "vòi bạch tuôc" của một số đường dây rửa tiền xuyên quốc gia đã len lỏi vào tất cả những lĩnh vực.

Trong tuyên bố hôm 11-6-2015, cảnh sát Brazil cho biết, vụ bắt giữ 11 đối tượng kể trên được thực hiện tại các bang Sao Paulo, Rio de Janeiro và Parana trong khuôn khổ chiến dịch "Puerto Victoria". Theo những chứng cứ của cảnh sát Brazil, bọn tội phạm đã rút tiền bất hợp pháp từ Venezuela thông qua các hợp đồng nhập khẩu giả mạo với các công ty Brazil.

Hơn 1 năm trước (16-1-2015), Cơ quan kiểm sát Colombia đã triệt phá mạng lưới rửa tiền trị giá 970 triệu USD (giai đoạn 2005-2012) thông qua hoạt động xuất khẩu vàng. Và cơ quan kiểm sát Colombia còn phát 26 lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan, trong đó có doanh nhân với biệt danh là "Vua vàng" John Hernandez Santa.

Đây là vụ triệt phá tội phạm rửa tiền lớn nhất liên quan tới kinh doanh vàng tại Colombia. Còn cảnh sát Australia từng phá đường dây rửa tiền quốc tế đi qua hơn 20 quốc gia (23-1-2014), sau khi mở chiến dịch Eligo. Và đã tịch thu một lượng hàng hóa cùng tiền trị giá 512 triệu USD, bắt giữ 105 người với 190 cáo buộc khác nhau.

Tới "thiên đường trốn thuế"

Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Tài chính của 5 quốc gia Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha vừa đề xuất về một danh sách đen các "thiên đường trốn thuế" giống như Panama, nếu những quốc gia này không chia sẻ dữ liệu đăng ký về kinh doanh với các nước khác. Và 5 nền kinh tế Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha còn kêu gọi trấn áp các "thiên đường trốn thuế", đồng thời hối thúc các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) chấm dứt hoạt động bí mật của các công ty ma tiếp tay cho trốn thuế và rửa tiền.

Giới chuyên môn cho biết, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Nhóm G-20 đã đẩy mạnh minh bạch tài chính, chống rửa tiền... và những biện pháp này đã đạt được một số kết quả. Bởi những "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Luxembourg, Bermuda, quần đảo Caymann và các đảo Jersey, Guernsey của Anh, Singapore, Hongkong… đã bạch hóa thông tin. Nhưng với những tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" thì vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, khó ngăn chặn sự lưu thông của tiền bẩn và phần chìm của tảng băng trốn thuế và rửa tiền vẫn chưa bị động tới.

Theo số liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca, có hơn 500 ngân hàng và chi nhánh trên thế giới như Credit Suisse (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ), Coutts (London, Anh)... đã lập công ty ma ở nước ngoài để giúp khách hàng che giấu tài sản.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne.

EU từng ký với Thụy Sỹ một thỏa ước (dự kiến có hiệu lực từ năm 2018) nhằm chấm dứt tình trạng "bí mật ngân hàng" đối với các cư dân EU và ngăn chặn việc che giấu các nguồn thu nhập không minh bạch tại các ngân hàng Thụy Sỹ. Gần 1 năm trước, 4 ngân hàng Thụy Sỹ đã phải dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ về khoản tiền phạt "khủng" để tránh bị truy tố giúp công dân Mỹ mở tài khoản ở nước ngoài nhằm trốn thuế.

Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) từng công bố hồ sơ cho thấy, Ngân hàng HSBC tại Thụy Sỹ đã giúp khách hàng trốn hàng trăm triệu USD tiền thuế. Hồ sơ cũng công bố một danh sách chính trị gia và người nổi tiếng đến từ Anh, Nga, Ấn Độ, Arab Saudi, Bahrain, Jordan… đã gửi hơn 100 tỉ USD vào HSBC ở Thụy Sỹ. Hơn 1 năm trước (23-3-2015), Thượng viện Brazil từng tuyên bố, thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra hơn 8.860 tài khoản bí mật bị tình nghi trốn thuế bằng cách chuyển tiền tới Thụy Sỹ thông qua chi nhánh của Ngân hàng HSBC.

Mấy hôm trước (22-4), Bắc Kinh thông báo bắt đầu đợt 2 của chiến dịch "Lưới trời" và đây là nỗ lực nhằm truy lùng các quan tham đang sống ở hải ngoại. Và trong đợt này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Công an cùng phối hợp điều tra các khoản giao dịch tài chính trái phép ở nước ngoài thông qua công ty hải ngoại và ngân hàng ngầm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Hoàng Thụ Hiền cho rằng, việc truy bắt trên phạm vi toàn cầu sẽ mang lại thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng tại nước này. Và động thái này diễn ra sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ những danh tính gây chấn động xã hội. Dư luận từng cho rằng, việc lần đầu tiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Sở Dịch vụ Tài chính New York yêu cầu chi nhánh tại Mỹ của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (1 trong 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc) phải giải trình những biện pháp đối phó tốt hơn với nạn rửa tiền, từng khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm.

Bởi theo quyết định của Fed và Sở Dịch vụ Tài chính New York, Trung Quốc không thường xuyên hợp tác với họ trong việc đối phó và chống rửa tiền.

Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.