Điểm mặt một số đường dây rửa tiền quốc tế

Thứ Bảy, 20/06/2015, 14:00
Việc cảnh sát Brazil bắt giữ 11 đối tượng tình nghi tham gia đường dây rửa tiền lên đến 1 tỷ USD thông qua các hợp đồng thương mại giả với Venezuela, khiến giới chuyên môn cho rằng, "vòi bạch tuộc" của một số đường dây rửa tiền quốc tế đã len lỏi vào tất cả những lĩnh vực. 

Trong tuyên bố hôm 11/6, cảnh sát Brazil cho biết, vụ bắt giữ 11 đối tượng kể trên được thực hiện tại các bang Sao Paulo, Rio de Janeiro và Parana trong khuôn khổ chiến dịch "Puerto Victoria". Cơ quan chức năng Brazil bắt đầu điều tra sau khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra Mỹ và họ đã làm rõ số tiền được đường dây này hợp pháp hóa lên tới 1 tỷ USD trong hơn 3 năm qua; và các đối tượng ở Brazil đã liên kết với một tổ chức tội phạm hoạt động ở Mỹ, Nhật Bản, Anh và Venezuela.

Theo những chứng cứ của cảnh sát Brazil, bọn tội phạm đã rút tiền bất hợp pháp từ Venezuela thông qua các hợp đồng nhập khẩu giả mạo với các công ty Brazil. Và để làm được điều này, bọn chúng đã nâng giá trị hàng hóa lên đến 5.000% để hợp lý hóa cho việc rút tiền từ Venezuela. Sau đó, tiền được chuyển tới Hongkong (Trung Quốc), và từ đây "tiền bẩn" được đưa vào lưu thông trên phạm vi toàn cầu.

Trước đó (4/11/2014), cảnh sát Brazil thông báo, đã lập chuyên án Veraneio để phá đường dây vận chuyển ma túy và rửa tiền hoạt động tại một số nước Mỹ Latinh và châu Âu mà "đại bản doanh" được đặt tại huyện Sinop, bang Mato Grosso của Brazil.

Ông Preet Bharara miêu tả quy mô của mạng lưới Liberty Reserve.

5 tháng trước (16/1), Tổng viện kiểm sát Colombia cho biết, nước này vừa triệt phá một mạng lưới rửa tiền trị giá 970 triệu USD trong giai đoạn 2005-2012 thông qua hoạt động xuất khẩu vàng. Đây là vụ triệt phá tội phạm rửa tiền lớn nhất liên quan tới kinh doanh vàng tại Colombia.

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Bogota, Phó tổng Viện trưởng Tổng viện kiểm sát Colombia Jorge Fernando Perdomo thông báo, tham gia đường dây này có lãnh đạo và nhân viên của công ty xuất khẩu vàng Comercializadora Internacional Goldex và một số cá nhân khác. Và cơ quan kiểm sát Colombia đã phát 26 lệnh bắt giữ các đối tượng liên quan, trong đó có doanh nhân với biệt danh là "Vua vàng" John Hernandez Santa.

Gần 9 tháng trước (24/9/2014), Cơ quan giám sát tài chính và Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Trung tâm Quốc gia chống tham nhũng Moldova đã thông báo cho Nga về một đường dây rửa tiền cực lớn bằng cách sử dụng quyết định pháp lý giả từ tòa án địa phương. Một số ngân hàng đã tham gia chuyển tiền "bẩn" như Rublevsky, InterCapital bank, European Express, Tempbank, Oksky...

Trong giai đoạn 2011-2014, tổng số tiền giao dịch được các ngân hàng này thực hiện lên tới hơn 18 tỉUSD. Số tiền trên được rút từ tài khoản của 100 công ty tại 21 ngân hàng Nga và được chuyển đến nhiều tài khoản trong ngân hàng BC Moldindconbank S.A của Moldova và Trasta Komercbank của Latvia dưới tên người nhận là 19 công ty nước ngoài đăng ký tại Anh, New Zealand, Belize...

Trước đó (25/8/2010), cơ quan an ninh kinh tế Nga cũng thông báo, đã bóc gỡ một tổ chức tội phạm bị tình nghi rửa tiền bất hợp pháp hơn 65 triệu USD/tháng. Bọn tội phạm trả cho các tổ chức thương mại từ 3% đến 9% và các cơ quan nhà nước từ 12% đến 17% để họ giúp chúng "rửa tiền".

Hơn một năm trước (23/1/2014), cảnh sát Australia đã phá đường dây rửa tiền quốc tế đi qua hơn 20 quốc gia. Theo thông báo của Ủy ban Tội phạm Australia (ACC), họ đã mở chiến dịch Eligo và tịch thu một lượng hàng hóa cùng tiền trị giá 512 triệu USD, và bắt giữ 105 người với 190 cáo buộc khác nhau. Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan cho biết, lực lượng đặc nhiệm đã tập trung vào các hoạt động rửa tiền và kết quả này hé mở các dạng tội phạm khác trong lĩnh vực này.

Hơn 2 năm trước (28/5/2013), giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới việc Mỹ phá vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử thế giới do tổ chức giao dịch tiền ảo Liberty Reserve có trụ sở tại Costa Rica tiến hành. Và để phá đường dây này, cảnh sát của 17 quốc gia ở 5 châu lục đã phải liên thủ để bắt người sáng lập Arthur Budovsky và một số lãnh đạo của Liberty Reserve.

Theo cáo buộc của công tố viên Preet Bharara, Liberty Reserve là trung tâm tài chính cho tội phạm, hỗ trợ các hoạt động phi pháp trực tuyến như lừa đảo thẻ tín dụng, ăn trộm thông tin cá nhân, lừa đảo đầu tư, xâm nhập máy tính… Và hệ thống chi trả trực tuyến Liberty Reserve bị cáo buộc "rửa" 6 tỷ USD.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Liberty Reserve đã giúp bọn tội phạm phương pháp cất giấu tiền không để lại dấu vết bằng cách cho họ thiết lập các tài khoản với tên giả và địa chỉ giả. Liberty Reserve không lưu trữ bất kỳ thông tin nào về giao dịch hay hoạt động qua ngân hàng từ bên thứ ba bởi họ cho phép người dùng giấu số tài khoản Liberty Exchange khi giao dịch.

Nhiệm Bình
.
.
.