Người mại dâm chuyển giới ở Peru: Đối mặt với bạo lực và ma túy

Thứ Năm, 28/01/2016, 11:37
Những phụ nữ chuyển giới ở trung tâm thành phố Lima, Peru đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là sự kỳ thị của cộng đồng. Họ không được hưởng những quyền lợi cơ bản như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Phần lớn họ sống bằng nghề bán dâm trên đường phố. "Tuổi thọ" trung bình của gái mại dâm chuyển giới là 35.

Phận "bướm đêm" trên phố

Ở thành phố Lima, Peru, không khó bắt gặp những cô gái chuyển giới trang điểm đậm, mặc váy ngắn, tươi cười đi trên phố. Đó là vẻ hào nhoáng bên ngoài, che đậy những số phận hẩm hiu của những cô gái chuyển giới. Nếu may mắn, họ có thể sống qua tuổi 35. 

Phụ nữ chuyển giới ở Peru ít có sự lựa chọn nghề nghiệp, họ thường tìm đến công việc bán hoa trên đường phố. Với công việc này, họ thường xuyên phải đối mặt với cơn thịnh nộ của khách hàng cũng như nguy cơ cận kề cái chết với gần 1/3 gái mại dâm chuyển giới bị nhiễm HIV, theo một nghiên cứu của Đại học Cayetano Heredia Peru.

"Tôi muốn có một công việc đàng hoàng nhưng điều đó là không thể. Mọi người luôn nhìn bạn với con mắt khác thường. Bạn là một người không bình thường", Tamara, 29 tuổi, người đã hoạt động mại dâm từ năm 18 tuổi cho biết. 

"Khả năng tìm kiếm một lối thoát vào lúc này vượt quá tầm tay của tôi. Tôi đã cố tìm công việc khác nhưng mọi người lắc đầu, nói rằng, tôi là người chuyển giới, nhiều bệnh tật. Đôi khi tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng vì tiền, tôi buộc phải quay trở lại. Chúng tôi luôn phải cẩn thận với khách hàng. Họ là những người đàn ông xấu, có thể lừa gạt bạn bất cứ lúc nào. Tôi đã vài lần bị khách hàng đánh, cướp", Tamara nói tiếp. 

Tamara bỏ học từ khi học lớp 5 vì không thể chịu đựng được sự bắt nạt, chế giễu liên tục của bạn bè cùng lớp. Năm 16 tuổi, Tamara gần như rơi vào trạng thái trầm cảm do sự cô đơn, bị bạn bè, gia đình bỏ rơi.

Một nhóm nhảy múa chuyển giới ở Peru trang điểm chuẩn bị lên sân khấu.

Oriana, 21 tuổi, bắt đầu hoạt động mại dâm từ năm 12 tuổi cho biết, cô bị gia đình chối bỏ nên quyết định rời bỏ quê hương đến Lima sinh sống. "Tôi đã trải qua tuổi thơ khủng khiếp vì cha mẹ không chấp nhận giới tính của tôi. Tôi không sống ở nhà mà luôn phải trốn tránh. Tôi luôn bị bỏ đói và không có nơi nào để ngủ. Khi trở về nhà, tôi bị bố đánh nhiều lần bằng dây thắt lưng. Ông bắt tôi phải cắt tóc và mặc quần áo con trai", Oriana nói.

Nhiếp ảnh gia Danielle Villasana, 30 tuổi, đến từ Texas (Mỹ), người đã có 2,5 năm tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng phụ nữ chuyển giới ở trung tâm thành phố Lima, Peru nói với phóng viên tờ DailyMail (Anh) rằng: "Phụ nữ chuyển giới ở Peru luôn bị ngược đãi. Họ luôn phải đối mặt với một bức tường ngay trước mặt, không có lối thoát. Mọi người luôn có cái nhìn kỳ thị với người chuyển giới. Hầu hết phụ nữ chuyển giới không muốn bán dâm nuôi thân nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác", Danielle Villasana nói.

Nạn nhân của bạo lực

Không chỉ phải đối mặt với sự bạo hành của khách hàng, gái mại dâm chuyển giới phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, khó khăn khác. Đó là sự tấn công của cảnh sát, thiếu nơi ăn, nghỉ cũng như thiếu sự chăm sóc y tế, giáo dục… 

"Ở đất nước này, người chuyển giới không có giá trị như một con người", Karen, một phụ nữ chuyển đổi giới tính nằm trên giường bệnh chia sẻ. Karen vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe sau khi bị khách hàng bạo lực tình dục. Sau đó, cô lại bị cảnh sát bắn vào bụng khi người bạn của cô ném đá vào xe cảnh sát trong cuộc trốn chạy ban đêm. "Mặc dù phải sống giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi vẫn bị coi là có tội", Karen nói.

Có sự căng thẳng liên tục giữa phụ nữ chuyển giới và cảnh sát. Họ bị cảnh sát làm phiền mọi lúc, mọi nơi. Cảnh sát sẽ bắt giữ họ không vì lý do nào cả. Bình thường, cảnh sát nói là cần xem chứng minh nhân dân (ID) của họ bởi vì theo quy định của pháp luật Peru, mọi người đều phải mang theo ID. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cái cớ để cảnh sát bắt nạt phụ nữ chuyển giới, Villasana nói. Villasana cho biết thêm, có trường hợp, cảnh sát tấn công vào ngôi nhà của phụ nữ chuyển giới và bắt giữ tất cả mọi người trong nhà chỉ vì họ là người chuyển giới.

Trong các quốc gia như Peru, giáo dục về tình dục và giới tính rất hiếm và nhiều người dân không hiểu về người chuyển giới. Ngay cả những người lãnh đạo, các cơ quan công quyền cũng từ chối tiếp người thuộc giới tính thứ ba (đồng tính, song tính, chuyển giới - LGBT). 

Tại Peru, mọi công dân bắt buộc phải sử dụng thẻ ID để thực hiện các giao dịch dân sự như yêu cầu bồi thường hay đơn giản là để mua thực phẩm. Giới tính của người chuyển giới phải được pháp luật thừa nhận trên ID và nếu diện mạo không phù hợp với giới tính ghi trên thẻ, họ sẽ bị từ chối tất cả các giao dịch. Một trong những dịch vụ khó khăn nhất để yêu cầu bồi thường là chăm sóc sức khỏe. Trong khi, người bán dâm chuyển giới luôn phải sống trong thế giới của ma túy và bạo lực.

Câu chuyện của Karen cũng là câu chuyện của nhiều phụ nữ chuyển giới khác ở Peru. Chỉ cần chuyển đổi giới tính, bạn đã bị coi là tiềm ẩn của tội phạm. Những cô gái chuyển giới là nạn nhân của ma túy, giết người và bạo lực với 213 người chuyển giới bị sát hại ở Mỹ Latinh trong năm 2014. Theo số liệu thống kê của các quốc gia Châu Mỹ (OAS), có 1.500 người chuyển giới đã bị giết kể từ tháng 1/2008. Con số này chiếm khoảng 78% những vụ giết người chuyển giới trên toàn thế giới, khoảng 80% trong số họ ở độ tuổi 30 hoặc thấp hơn. Không ít phụ nữ chuyển giới bị đánh đập, bóp cổ, đâm chết vì kẻ tấn công "ngứa mắt" với giới tính của họ.

Hình thành cộng đồng người chuyển giới

Ngay giữa trung tâm thành phố Lima đã xuất hiện những cộng đồng người chuyển giới. Họ nương tựa vào nhau, cùng sống trong những tòa nhà như ký túc xá. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống với những người bạn của mình. Chúng tôi đi ra ngoài cùng nhau, cùng làm việc, cùng nhau ăn uống. Những nơi tôi ở trước đây thực sự khủng khiếp. Tiền thuê nhà cao mà thường xuyên mất điện hay có chuột và gián. Tuy nhiên, ở nơi này, chúng tôi có thể cảm thông, chia sẻ khó khăn với nhau", Oriana nói.

Có sự căng thẳng liên tục giữa phụ nữ chuyển giới và Cảnh sát.

Câu lạc bộ đêm LGBT cũng là một nơi mà những người phụ nữ có thể tìm thấy sự hỗ trợ cần thiết. Đó là một câu lạc bộ mà chỉ có nhóm nhảy chuyển giới ở Peru biểu diễn. Khán giả là những người chuyển giới xem, cổ vũ cho các thành viên trong cộng đồng của mình. "Cảm giác không thể diễn tả được. Chúng tôi rời khỏi sân khấu trong tiếng vỗ tay của bạn bè. Họ ngưỡng mộ, chụp hình với chúng tôi. Tôi thấy giá trị cũng như ý nghĩa việc mình làm với xã hội", vũ công chuyển giới Briss nói.

Theo nhiếp ảnh gia Villasana, cuộc sống cho những người chuyển giới ở Peru đang dần được cải thiện nhờ vào sự cống hiến, nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền. "Trong cuộc chiến chống kỳ thị với người thuộc giới tính thứ ba, Peru có bước tiến chậm hơn so với một số quốc gia ở châu Mỹ Latin khác. Tuy nhiên, cũng đã có những bước tiến trong hệ thống trường học, y tế. Nhiều phụ nữ đang đấu tranh cho một đạo luật về giới tính", Villasana nói.

Năm 2015 được đánh giá là một năm có những thay đổi quan trọng mang tính đột phá liên quan đến người chuyển giới ở khu vực Mỹ La tinh. Mexico đã cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính trên các giấy tờ pháp lý mà không cần đến lệnh của tòa án. 

Tổng thống Chile Michelle Bachelet đã ký đạo luật công nhận kết hôn đồng tính. Tổng thống Ecuador, Correa tuyên bố rằng, người đồng tính có thể được thừa nhận giới tính trên thẻ ID của mình. Cuba đã thông qua quy định cấm kỳ thị giới tính. Uruguay cũng đã có nhiều quy định cởi mở hơn đối với người đồng tính… 

Trong khi đó, trên chính trường Mỹ Latinh đã xuất hiện những chính trị gia thuộc giới tính thứ ba đầu tiên. Ở Colombia, có người phụ nữ đồng tính đầu tiên được bầu vào Hạ viện, Quốc hội Chile cũng có người đồng tính công khai đầu tiên và nghị sĩ chuyển giới Tamara Adrian đã tuyên thệ nhậm chức ở Venezuela. Ms Adrian quyết tâm tạo ra những thay đổi lớn ở Venezuela, cổ vũ cho cộng đồng người LGBT. 

"Cộng đồng LGBT ở Venezuela vẫn chưa được đối xử bình đẳng, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực công nhận tính pháp lý của hôn nhân đồng tính mà người đồng tính không cần phẫu thuật chuyển giới", bà Adrian nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.