Dư luận trái chiều về bản án 40 năm tù dành cho cựu Tổng thống Radovan Karadzic

Thứ Tư, 30/03/2016, 08:04
Đã có những phản ứng khác nhau sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Nam Tư cũ (còn gọi là Tòa án tội phạm chiến tranh Nam Tư - ICTY) ở La Haye tuyên mức án 40 năm tù đối với ông Radovan Karadzic, cựu Tổng thống Serbia (còn gọi là cựu Tổng thống nước Cộng hòa Srpska, thực thể của người Serbia ở Bosnia-Herzegovina), về những tội ác mà quân đội dưới quyền nhà lãnh đạo này từng gây ra trong cuộc chiến tại Bosnia, giai đoạn 1991-1995.


Phản ứng của các bên

Ngay sau khi ICTY kết thúc phiên tòa hôm 24-3, ông Radovan Karadzic đã tuyên bố kháng án. Trước đó (tháng 9-2015), công tố viên Alan Tieger từng đề nghị mức án chung thân, nhưng ICTY chỉ tuyên mức 40 năm tù và nếu phải chấp hành đầy đủ bản án này, ông Radovan Karadzic sẽ tự do ở tuổi hơn 100, bởi cựu Tổng thống Serbia hiện đã 70 tuổi. Nơi ông Radovan Karadzic thụ án vẫn chưa được xác định cụ thể và việc kháng án có thể kéo dài vài năm.

Trả lời phỏng vấn trước khi ICTY tuyên án, ông Radovan Karadzic cho rằng, những gì đã làm là vì gìn giữ hòa bình và xứng đáng được khen, không phải bị trừng phạt. Ngoài ông Radovan Karadzic, ICTY còn xét xử 2 nghi phạm khác, đó là cựu Chỉ huy quân sự Ratko Mladic và Vojislav Seselj, kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan người Serbia và họ sẽ bị phán quyết trong ngày 31-3. Kể từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, ICTY đã xét xử 163 bị cáo, trong đó có 80 người bị kết án tù.

Ông Radovan Karadzic khi nghe ICTY tuyên án.

Ngày 25-3, Tổng thống Cộng hòa Srpska Milorad Dodik gọi bản án dành cho ông Radovan Karadzic là "kết quả của áp lực từ những cuộc vận động quốc tế", Thủ tướng Zeljka Cvijanovic khẳng định "các quan điểm chính trị đã được áp dụng trong các cuộc tranh tụng"; còn Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic coi bản án kể trên không tác động tới vận mệnh của nước này.

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic, người đã tổ chức cuộc tuần hành năm 2008 để phản đối việc Serbia giao nộp ông Radovan Karadzic cho ICTY xét xử, khẳng định sẽ không để cho phán quyết của ICTY ảnh hưởng đến Cộng hòa Srpska. Ông Vojislav Seselj, lãnh đạo đảng Cấp tiến Serbia coi bản án dành cho ông Radovan Karadzic là bản án dành riêng cho nhân dân, lịch sử và quốc gia Serbia.

"Họ cho rằng, người Serbia phải chịu trách nhiệm đối với tất cả tội lỗi từng xảy ra ở Balkan", ông Vojislav Seselj nhấn mạnh. Nguyên đặc phái viên của Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin từng tuyên bố, nếu ông Radovan Karadzic bị bắt thì những người quyết định ném bom Nam Tư trước đây gây ra cái chết của nhiều thường dân vô tội hoặc hàng trăm người chết trong tiến trình "dân chủ hóa" Balkans do phương Tây chủ trương cũng phải bị bắt và đưa ra xét xử.

Cũng trong ngày 25-3, hàng nghìn người theo chủ nghĩa dân tộc đã biểu tình và tuần hành ở Belgrade, Serbia, để phản đối bản án dành cho ông Radovan Karadzic và chống lại NATO. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi phán quyết của ICTY "mang tính lịch sử đối với người dân trong và ngoài khu vực, cũng như đối với công lý hình sự quốc tế". Hiệp hội các bà mẹ của những nạn nhân ở Srebrenica và Zepa, cùng Thị trưởng Srebrenica Camil Dukanovic đã bày tỏ thất vọng đối với bản án - phải dành mức án cao hơn - tử hình ông Radovan Karadzic!

Hãng Reuters cho biết, ông Radovan Karadzic bị ICTY kết luận phạm 10 trong số 11 tội ác chiến tranh. Theo cáo buộc của ICTY, trong thời gian tại nhiệm, ông Radovan Karadzic đã ra lệnh cho quân đội người Serbia bao vây thành phố Sarajevo của Bosnia (1991-1995), dẫn đến cái chết của hơn 11.000 người. Đến tháng 8-1995, ông Radovan Karadzic còn điều lính gây ra vụ thảm sát ở Srebrenica, dẫn đến cái chết của hơn 8.000 người Hồi giáo Bosnia.

Và nhà lãnh đạo này đã thực hiện các cuộc diệt chủng, thanh lọc sắc tộc người Bosnia không thuộc cộng đồng Serbia, đồng thời bật đèn xanh cho các tội ác như tra tấn, cướp bóc, hãm hiếp... trên lãnh thổ Bosnia. Ngoài ra, ông Kadovan Karadzic còn bị buộc tội sử dụng hơn 280 binh sĩ hòa bình của Liên hợp quốc làm lá chắn sống hồi tháng 5 và tháng 6-1995.

Cuộc truy lùng gần 13 năm

Ông Radovan Karadzic bị phát lệnh truy nã quốc tế từ ngày 25-7-1995, nhưng vẫn sống ung dung, thậm chí tới nhiều quốc gia châu Âu. Sau khi bị truy nã quốc tế, ông Radovan Karadzic được 80 tay súng bảo vệ và ẩn náu tại vùng rừng núi Bosnia một thời gian.

Đối với người Serbia, ông Radovan Karadzic luôn là người anh hùng khi cố gắng bảo vệ sự toàn vẹn của Nam Tư cũ. Theo cuốn hồi ký của bà Florence Hartmann, cựu trợ lý và Người phát ngôn của cựu Trưởng công tố  Carla del Ponte của ICTY, Tổng thống Mỹ Bill Clinton không đồng tình với kế hoạch bắt ông Radovan Karadzic của Tổng thống Pháp Jacques Chirac đưa ra năm 1997. Nhưng Washington lại treo giải thưởng 5 triệu USD, và cựu Tổng thống Serbia Boris Tadic cũng treo thưởng trị giá 1 triệu USD cho ai bắt được ông Radovan Karadzic và "Phó tướng" Ratko Mladic.

Lính đặc nhiệm Mỹ và NATO không bắt nổi ông Radovan Karadzic cho dù lệnh truy nã quốc tế được thông báo khắp thế giới gần 13 năm. Lính gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu đã khám nhà bà Ljiljana Zelen-Karadzic, vợ ông Radovan Karadzic và lấy đi nhiều tài liệu.

Ông Radovan Karadzic khi đương nhiệm.

Chính quyền Serbia cũng khám xét nhà của hàng trăm người ủng hộ ông Radovan Karadzic để truy tìm cựu Tổng thống, nhưng bất thành. Không chỉ cơ quan chức năng Serbia, mà cả Mỹ và châu Âu đều từng thừa nhận, việc theo dõi và bắt giữ ông Kadovan Karadzic còn khó hơn truy sát trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden.

Trong khi đó, lực lượng an ninh và tình báo Serbia lại bắt được ông Radovan Karadzic sau một thời gian dài theo dõi và xâm nhập vào tổ chức bí mật do cựu Tổng thống Serbia và "Phó tướng" Ratko Mladic chỉ huy. Có tin nói rằng, cơ quan an ninh và tình báo Serbia tình cờ phát hiện ra ông Radovan Karadzic khi theo dõi di biến động của "Phó tướng" Ratko Mladic.

Giới chuyên môn cho rằng, việc bổ nhiệm ông Sasha Vukadinovic thay thế người tiền nhiệm Rade Bulatovic, đứng đầu cơ quan tình báo Serbia có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và bắt giữ ông Radovan Karadzic. Bởi vụ bắt giữ ông Radovan Karadzic được giữ bí mật tới phút chót, chỉ có Tổng thống, Thủ tướng và Giám đốc Cơ quan An ninh Serbia biết chi tiết vấn đề này.

Và mặc dù cuộc dẫn độ tới ICTY diễn ra lặng lẽ vào khoảng 3 giờ 45 phút sáng 30-7-2008, nhưng đoàn xe chở cựu Tổng thống Radovan Karadzic tới sân bay vẫn được giới truyền thông theo sát. Sau khi tới Rotterdam của Hà Lan trên chuyến bay đặc biệt của chính phủ Serbia, mọi di biến động của ông Radovan

Karadzic tiếp tục được giới truyền thông đưa tin và tạm dừng lại ở khu giam giữ Scheveningen của ICTY. Và khi đó, ICTY đã lên 2 phương án - vừa điều 2 chiếc trực thăng bay tới nhà giam, vừa để 2 xe chuyên dụng bịt kín màu đen chạy thẳng vào bên trong khu vực này. Chiếc máy bay chở ông Radovan Karadzic từ Serbia tới Hà Lan được phép đỗ trong một nhà để máy bay và chẳng ai nhìn thấy có bao nhiêu người và họ là ai đã bước xuống máy bay.

 Cảnh sát trưởng Milorad Veljovic không được biết về vụ dẫn độ ông Radovan Karadzic. Trước khi bị dẫn giải tới ICTY, ông Radovan Karadzic không được gặp người thân, không được hưởng những quy chế của một nghi can bị bắt giữ, luôn bị thẩm vấn và giám sát chặt chẽ.

Sai lầm chết người

Theo giới truyền thông, sức ép quốc tế về việc bắt giữ ông Radovan Karadzic gia tăng và lên cao vào đầu năm 2005, sau khi một số tướng lĩnh dưới quyền cựu Tổng thống đầu thú. Giới chuyên môn cho rằng, chính sự tự tin có phần thái quá của ông Radovan Karadzic - lập một website riêng và trao đổi danh thiếp nên cựu Tổng thống đã phải trả giá đắt. Thậm chí trong tháng 5-2008, ông Radovan Karadzic còn có 2 buổi nói chuyện tại Belgrade và Smederevo trước công chúng với tư cách là chuyên gia tâm lý. Ông Radovan Karadzic thậm chí còn làm thơ và cho xuất bản một tập vào năm 2005.

Được biết, ông Radovan Karadzic sống công khai trong một dãy nhà tồi tàn ở Novo Belgrade, ngoại ô thủ đô Belgrade. Thậm chí ông Radovan Karadzic còn diễn thuyết trước một lễ hội có hàng trăm người tham dự, nhưng không hề bị nhận dạng. Tất cả những người từng làm việc và tới khám đều không hề hay biết về con người thật của ông Radovan Karadzic, nhưng đều coi cựu Tổng thống là người thân thiện. Tài hoá trang của ông Kadovan Karadzic giỏi tới mức công khai hành nghề bác sỹ tại một phòng khám tư dưới cái tên Dragan David Dabic.

Được biết, từ cuối tháng 5-2008, gần 50 nhân viên tình báo và an ninh Serbia nhận lệnh giám sát mọi di biến động của bác sĩ Dragan David Dabic, mà không ai biết đó là cựu Tổng thống Kadovan Karadzic. Ông Vladimir Vukcevic, công tố viên về tội phạm chiến tranh của Serbia cho biết, khi bị bắt, cựu Tổng thống không hề kháng cự và giữ yên lặng cho tới lúc bị đưa tới tòa. Theo ông Svetozar Vujacic, luật sư của cựu Tổng thống thì ông Radovan Karadzic từng từ chối sử dụng thức ăn được đưa tới kể từ khi bị bắt, luôn giữ thái độ yên lặng và điềm tĩnh bởi sợ bị đầu độc giống như cố Tổng thống Slobodan Milosevic.

Mặc dù cả luật sư Svetozar Vujacic và ông Radovan Karadzic đều phản đối lệnh dẫn độ, nhưng cựu Tổng thống vẫn bị chuyển tới khu giam giữ của ICTY sau khi các thủ tục pháp lý cần thiết được hoàn tất vào cuối tháng 7-2008. Và tuy có một đoàn luật sư tên tuổi, nhưng "người hùng Serbia" vẫn tự bào chữa bởi đây được coi là thủ thuật trong những phiên toà mà bị cáo không công nhận thẩm quyền của tòa, cũng như tính hợp pháp của quá trình tố tụng.

Mặc dù sinh ra (19-6-1945) tại Montenegro, nhưng ông Radovan Karadzic đã chuyển đến sinh sống ở Sarajevo (từ năm 1960) và tốt nghiệp y khoa (1971), trở thành bác sĩ tâm lý học (1983). Năm 1989, ông Radovan Karadzic là đồng sáng lập đảng Dân chủ Serbia tại Bosnia-Herzegovina với mục tiêu duy trì Liên bang Nam Tư trước nguy cơ tan rã. Nhưng sau khi Bosnia-Herzegovina tách và trở thành quốc gia độc lập, ông Radovan Karadzic đã tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Serbia và mọi chỉ trích xuất phát từ đây.
Mạnh Phong - Nhiệm Bình
.
.
.