Đức:

Rúng động vì hàng loạt vụ tấn công tình dục trong đêm giao thừa

Thứ Bảy, 09/01/2016, 14:00
Cảnh sát Đức cho biết, khoảng 1.000 người đàn ông bị cáo buộc đã thực hiện hành vi tấn công tình dục phụ nữ vào đêm giao thừa tại thành phố miền Tây Cologne. Hành vi tấn công tình dục được thực hiện ngay tại khu vực quảng trường nổi tiếng nhất của thành phố. Vụ việc đang được điều tra và danh tính những người thực hiện hành vi phạm tội chưa được tiết lộ.
Cảnh sát Cologne đã tổ chức cuộc họp báo hôm 4-1 để “xoa dịu” sự phẫn nộ của công chúng về vụ việc lần đầu tiên xảy ra ở thành phố này. Theo cảnh sát, hàng loạt vụ tấn công xảy ra tại quảng trường nổi tiếng của thành phố, giữa nhà ga trung tâm và nhà thờ Gothic, nằm trên con đường đông đúc nhất thành phố cho thấy “một chiều hướng hoàn toàn mới của tội phạm".

Khoảng 90 khiếu nại hình sự, trong đó có cả cáo buộc hiếp dâm đã được gửi đến cảnh sát Cologne. Ngoài tấn công tình dục phụ nữ, những người đàn ông còn ném pháo hoa vào đám đông, gây nên tình trạng hỗn loạn. Theo tờ Breitbart, những người đàn ông này cũng bị cáo buộc đã cướp tài sản của nạn nhân. Các nhà chức trách hy vọng, nạn nhân sẽ mạnh dạn tố cáo hành vi phạm tội và cung cấp thông tin tội phạm cho cảnh sát trong thời gian tới.

Ông Wolfgang Albers, cảnh sát trưởng của thành phố Cologne nói rằng, đám đông có khoảng 1.000 người đàn ông say rượu, “có thể là người gốc Ả Rập hay Bắc Phi". “Những gì đã xảy ra là không thể chấp nhận" ở một thành phố như Cologne. Chúng tôi đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để đối phó với vấn đề này”, ông Wolfgang Albers nói với hãng tin DPA (Đức).

Cảnh sát Đức đang truy tìm một nhóm đàn ông “gốc Ả rập và Bắc Phi” vì cáo buộc tấn công tình dục nhiều phụ nữ trong đêm giao thừa vừa qua.

Henriette Reker, Thị trưởng thành phố Cologne yêu cầu họp khẩn, với sự tham gia của cảnh sát địa phương và cảnh sát liên bang để giải quyết vấn đề. Thị trưởng Reker nói với phóng viên báo Kolner Stadt-Anzeiger rằng, “đó là hành động không thể chấp nhận của những người đàn ông. Chúng tôi không thể chấp nhận sự coi thường luật pháp như vậy”.

Trả lời phỏng vấn tờ báo địa phương Der Express, ông Ralf Jager, người đứng đầu cơ quan Nội vụ bang North Rhine-Westphalia khẳng định, các đơn vị chức năng sẽ hành động nhanh chóng để đưa vụ việc ra ánh sáng. "Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc những người đàn ông Bắc Phi tập hợp thành nhóm để thực hiện hành vi tấn công tình dục phụ nữ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh”, tờ Express dẫn lời ông Jager.

Một trong những nạn nhân có tên là Katja L (không phải tên thật của nhân vật) kể lại ký ức kinh hoàng mà cô đã phải trải qua ngay trong đêm giao thừa. "Khi bước ra khỏi nhà ga, tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp một nhóm đàn ông tụ tập rất đông bên ngoài. Đó là những người đàn ông trẻ, trông khác lạ, không phải người Đức", Katja L nói với Der Express.

Ngoài tấn công tình dục phụ nữ, nhóm thanh niên còn bị cáo buộc cướp tài sản của các nạn nhân và ném pháo hoa vào đám đông.

“Những người đàn ông xếp thành hàng dài, tạo thành một con đường nhỏ ở giữa và chúng tôi buộc phải đi qua đó. Tôi cảm nhận rõ bàn tay nào đó đặt lên mông tôi, sau đó là ngực. Đó là khoảnh khắc rất kinh khủng. Tôi đã bị sờ mó khắp cơ thể. Vì quá sợ hãi, tôi đã hét lên và cố khua tay để chống lại hành vi sàm sỡ nhưng họ không dừng lại. Tôi đã tuyệt vọng và bật khóc. Tôi đã bị lạm dụng tình dục khoảng 100 lần trên quãng đường dài 200 mét. Cũng may là tôi mặc chiếc áo khoác dày và quần dài. Nếu mặc váy, có lẽ chiếc váy đã bị xé tan”, Katja L nói tiếp.

Arnold Plickert, một quan chức cảnh sát Đức nói rằng, hành vi tấn công tình dục phụ nữ là "cuộc tấn công lớn nhằm vào các quyền cơ bản của con người" và khẳng định, “công lý phải được thực thi, ngay cả khi nó mang lại những hậu quả về mặt chính trị". Tuy nhiên, Plickert cũng cảnh báo việc khai thác sự cố này để công kích người tị nạn.

"Bất kỳ người tị nạn nào vi phạm luật pháp, vi phạm quyền con người đều phải được xử lý công bằng trước pháp luật”, ông Arnold Plickert nói. Tuy nhiên, ông Arnold Plickert cũng nói thêm: “Mọi người không nên quên rằng, đa số người tị nạn là người tốt. Họ đến với đất nước chúng ta là vì cuộc sống của họ không được an toàn ở quê hương”.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.