IS đẩy mạnh việc đào tạo các chiến binh nhí

Thứ Hai, 06/07/2015, 16:00
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang đẩy mạnh quá trình tuyển mộ và đào tạo các chiến binh nhí nhằm tạo ra một thế hệ mới, duy trì sự tồn tại của tổ chức Hồi giáo cực đoan tàn bạo.
Một bé trai đội mũ len, đứng trước người đàn ông đang quỳ gối dưới đất. Nhíu lông mày, ánh mắt tức giận, cậu bé nâng súng và bóp cò vào giữa trán tù nhân. Em là một trong nhiều chiến binh nhí tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Theo CNN, nhiều đứa trẻ gia nhập đội quân IS khi mới 8 tuổi. Tại thành phố Raqqa của Syria, IS buộc cha mẹ bọn trẻ phải từ bỏ quyền nuôi con. Sau đó, chúng đưa các em vào hàng ngũ. Thậm chí, IS còn bắt cóc nhiều bé trai.

Tổ chức khủng bố ép Mohammed tham gia trại huấn luyện khi cậu mới 13 tuổi. Cha cậu bé nói rằng, phiến quân dọa chặt đầu ông nếu gia đình phản đối. Nhóm cực đoan cũng không cho phép cha của Mohammed thăm con.

Các phần tử cực đoan dòng Sunni thuộc IS dường như đang tẩy não toàn bộ một thế hệ trẻ em tại Iraq và Syria nhằm tạo ra một đội quân nhí phục vụ tội ác của tổ chức- CNN cho hay. Theo các nhóm nhân quyền, IS ép các chiến binh nhỏ tuổi truyền máu cho phiến quân bị thương, làm gián điệp cho chúng hoặc tham gia bộ máy hành quyết tù nhân.

Chiến binh nhí hành quyết 2 người đàn ông bị buộc tội gián điệp.

Trò chuyện với phóng viên Arwa Damon, một thiếu niên tâm sự, năm ngoái khi mới 15 tuổi, IS ép cậu đeo đai thuốc nổ và giao cho cậu một khẩu súng lục, một khẩu AK-47 và radio. Cậu nhận lệnh bảo vệ căn cứ của tổ chức tại Deir Ezzor, thành phố miền Đông Syria. Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền, IS đưa nhiều trẻ vào trận chiến và cài các em trong những vụ tấn công tự sát.

Abu Ibrahim al-Raqqawi, người sáng lập tổ chức "Raqqa đang bị giết trong im lặng" cho hay, nhiều đứa trẻ phải nấu ăn cho phiến quân hoặc nhận nhiệm vụ truyền tin liên lạc cho tổ chức.

Theo lịch sử, các tổ chức khủng bố thường truyền bá tư tưởng tới trẻ em từ khi còn rất nhỏ. Các nhóm ở Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ cũng đào tạo chiến binh nhí để đảm bảo "tuổi thọ".

Nghiên cứu năm 2008 của giáo sư Seth Jone và Martin Libiki chỉ ra rằng, các tổ chức cực đoan đều suy tàn bằng cách này hay cách khác. Giáo sư Davide Rapaport cũng cho hay, đa phần nhóm khủng bố đều không tồn tại quá 2 năm. Vì vậy, nhiều tổ chức thường cố gắng duy trì sự sống bằng cách chuẩn bị cho các thế hệ kế cận.

IS cũng không phải ngoại lệ. Các nhà chức trách không biết chính xác số lượng trẻ em đang hoạt động trong IS, nhưng họ khẳng định, hoạt động tuyển mộ và đào tạo chiến binh của nhóm cực đoan này đang diễn ra trên quy mô lớn, theo Huffington Post.

"Điều này sẽ trở thành vấn đề lớn đối với nhiều thế hệ. Cuộc chiến có thể kéo dài 20 hoặc 30 năm. Đó là khoảng thời gian dài và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm"- người sáng lập tổ chức "Raqqa đang bị giết trong im lặng" nói.

Tướng Mỹ John F. Campbell, chỉ huy lực lượng quốc tế tại Afghanistan nói rằng, IS đang tích cực tuyển quân ở Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, IS chưa triển khai các hoạt động mở rộng lãnh thổ sang hai nước này mà vẫn đang ở Syria, Iraq.

Tướng John F. Campbell thông tin, IS tiến hành chiến dịch truyền thông xã hội phức tạp nhằm thu hút các tay súng Taliban ở Afghanistan và Pakistan. Họ tập trung đặc biệt vào các tay súng bất mãn vì thấy không có tiến triển nào trong cuộc chiến kéo dài nhằm lật đổ chính quyền ở Kabul.

Tướng John F. Campbell nói với các phóng viên rằng, nhiều tay súng Taliban đã quay sang trung thành với IS, gia nhập đội ngũ đang chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria này.

"Chúng tôi không muốn việc này tiếp tục phát triển" - John F. Campbell chia sẻ và nói thêm rằng, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để đảm bảo sự hiện diện của IS tại đây không phát triển đến mức tương tự như ở Iraq và Syria.

Một số lãnh đạo cấp cao Afghanistan trong đó có Tổng thống Ashraf Ghani trước đó tuyên bố, IS không có sự hiện diện đáng kể nào tại nước này.

Tuy nhiên, Tướng John F. Campbell lại khẳng định, IS phát triển đáng kể ở Afghanistan trong 6 tháng qua dù không cung cấp số lượng chi tiết. Nhiều tay súng Taliban vỡ mộng với lãnh đạo, thấy IS có thể mang đến cho họ nhiều cơ hội hơn nên quay sang trung thành với lực lượng này, khiến Taliban và lực lượng IS tại Afghanistan đấu tranh nhau đồng thời làm tăng bất ổn trong khu vực.

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.