IS phát triển giống cơ quan tình báo và tổ chức mafia

Chủ Nhật, 26/07/2015, 09:30
Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bành trướng nhanh nhờ hoạt động giống cơ quan tình báo và băng đảng mafia, nhận xét của một cựu sĩ quan tình báo Iraq.

Tổ chức khủng bố  nhiều tiền nhất thế giới

Tạp chí Đức Der Spiegel mới đây cho biết, họ đã tiếp cận tập tài liệu gồm 31 trang của Samir Abd Muhammad al-Khlifawi, bí danh là Haji Bakr. Hắn là cựu sĩ quan tình báo dưới thời Tổng thống Iraq Saddam Hussein, và là "kiến trúc sư" xây dựng bộ máy IS từ nhiều năm qua. Khi quân nổi dậy Syria giết Khlifawi ở thị trấn Tal Rifaat hồi tháng 1/2014, hắn để lại tập tài liệu mô tả quá trình xây dựng và hình thành cơ cấu tổ chức của IS.

Der Spiegel đánh giá tập tài liệu này là "mã nguồn" của tổ chức khủng bố thành công nhất và giàu nhất trên thế giới. Trước đó, mọi thông tin về IS chỉ xuất phát từ các tay súng đào ngũ, trốn khỏi tổ chức. Nhưng không tài liệu nào cung cấp thông tin về sự trỗi dậy của IS từ thời điểm ban đầu. Tập tài liệu của Khlifawi cho thấy, IS vừa giống một cơ quan tình báo, vừa như một tổ chức mafia.

Khlifawi giấu tập tài liệu trong một ngôi nhà ở phía bắc Syria. Tháng 4/2014, một số trang tài liệu được tuồn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến tháng 11/2014, tình báo phương Tây mới tiếp cận được toàn bộ số tài liệu này ở Tal Rifaat. "Mối lo ngại lớn nhất của tôi là bản kế hoạch của IS sẽ chìm trong bóng tối mãi mãi" - nhân chứng đánh cắp tập tài liệu tiết lộ.

IS dùng sự tàn bạo và khát máu để thị uy sức mạnh.

Tài liệu của Khlifawi cho thấy, từ cuối năm 2012, khi chưa ai biết cái tên IS, cựu sĩ quan tình báo Iraq đã lập kế hoạch xây dựng một lực lượng đủ sức chiếm cả Syria để làm bàn đạp tấn công Iraq. Tại một ngôi nhà ở Tal Rifaat, Khlifawi, kẻ mang biệt danh "chúa tể bóng tối", bắt đầu vẽ sơ đồ bộ máy IS. Der Spiegel nhận định, đây là "bản kế hoạch xây dựng một nhà nước tình báo Hồi giáo" với nhiều điểm giống các cơ quan tình báo quốc gia.

Theo kế hoạch của Khlifawi, IS tuyển dụng những kẻ cực đoan thông qua các trung tâm Hồi giáo. Các thủ lĩnh IS lựa chọn một số nhân vật đáng tin cậy để do thám các làng, bộ tộc ở Syria nhằm moi thông tin. Khlifawi còn lập mưu đưa một số "chiến hữu" đáng tin cậy nhất đến các thị trấn ở Syria, quyến rũ con gái của các gia đình có ảnh hưởng lớn, kết hôn với họ để "xâm nhập một cách lặng lẽ vào các gia đình". Phần lớn gián điệp trong danh sách của Khlifawi đều là những thanh niên mới ngoài 20 tuổi.

Khlifawi nhấn mạnh tối đa vào các hoạt động kiểu tình báo và mafia như theo dõi, do thám, bắt cóc, giết người khi cần thiết. Với mỗi một hội đồng ở các tỉnh thành tại Syria, Khlifawi chỉ định một emir (tư lệnh) chỉ huy các hoạt động bắt cóc, giết người, thông tin liên lạc. Khlifawi còn dựng lên một emir để quản lý các emir cấp dưới. Mỗi tỉnh có một cơ quan tình báo để thu thập thông tin các emir. Der Spiegel cho biết, Khlifawi đã học hỏi nhiều từ mô hình cơ quan tình báo của chính quyền nhà lãnh đạo Saddam Hussein.

Không có nhiều điểm chung với Al-Qaeda

Các tài liệu của Khlifawi cho thấy, hắn không phải là kẻ cuồng tín. Khlifawi tin rằng, sự cuồng tín không phải là yếu tố quan trọng nhất để đem lại chiến thắng. Nhưng niềm tin với đạo Hồi vẫn là điều kiện rất cần thiết. Năm 2010, Khlifawi và một nhóm cựu quan chức tình báo Iraq quyết định dựng Abu Bakr al-Baghdadi  làm thủ lĩnh tối cao của IS. Khlifawi cho rằng, Baghdadi là giáo sĩ có học vấn cao, sẽ đem lại sức mạnh đức tin cho IS.

Nhà báo Iraq Hisham al-Hashimi cũng từng mô tả, Khlifawi "là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là kẻ cực đoan Hồi giáo". Der Spiegel cho rằng, IS trên thực tế không có nhiều điểm chung với Al-Qaeda, ngoại trừ cái danh "thánh chiến Hồi giáo". Các nhóm khủng bố chưa bao giờ thành công trong việc thành lập nhà nước như IS. Tổ chức này khởi đầu hết sức bí mật đến mức hầu như chẳng ai biết đến. Các văn phòng của IS mọc lên như nấm ở miền bắc Syria từ đầu năm 2013, nhưng giống hệt các cơ sở truyền đạo thông thường. Khlifawi cũng không đưa lực lượng nòng cốt từ Iraq tới Syria, và cũng không tuyển mộ nhiều người Syria, mà chọn những kẻ cực đoan nước ngoài tới Syria từ năm 2012.

Hồi cuối năm 2012, IS dựng lên nhiều trại quân sự ở Syria. Ban đầu không ai biết các trại ấy của nhóm nào. Các trại hoạt động cực kỳ nghiêm ngặt và phần lớn thành viên đều là người nước ngoài. Họ không giao tiếp với người ngoài. Đến giữa năm 2013, IS đã tuyển mộ tới 2.650 tay súng nước ngoài ở tỉnh Aleppo. Sau đó, IS mở chiến dịch chiếm Raqqa. Lãnh đạo các gia tộc lớn tại Syria bắt đầu tuyên thệ trung thành với IS. Và IS mở rộng địa bàn với tốc độ chóng mặt.

Lai Nguyễn (tổng hợp)
.
.
.