Ðiệp viên tỷ đô

Thứ Hai, 19/12/2016, 15:49
“Ðiệp viên tỷ đô-la: chuyện thật của hoạt động tình báo và phản bội thời Chiến tranh Lạnh” là cuốn sách mới vừa lên kệ ở Mỹ, kể về một điệp viên CIA được cài cắm vào Liên Xô. Tay người Nga này, được coi là điệp viên thành công nhất, có giá nhất, tên là Tolkachev Adolf Georgievich, sinh năm 1927.


Tác giả cuốn sách, cây bút David E. Hoffman, khéo dựng lên tiểu thuyết với các chi tiết ú tim, về sự bán mình của Tolkachev đã giúp Mỹ tiết kiệm được 2 tỷ USD nghiên cứu-phát triển vũ khí.

Gã là một trong những nhà thiết kế trưởng của đơn vị thiết kế radar Phazotron. Gã tuồn được cho phía Mỹ nhiều tài liệu từ phòng thí nghiệm quân sự, gồm các dự án vũ khí như tên lửa S-300, chiến đấu cơ MiG-29, MiG-31 và Su-27.

Các tài liệu và bản vẽ do Tolkachev tuồn ra giúp Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) “bẻ khóa” được những bí mật về radar và những nghiên cứu vũ khí tàng hình của Liên Xô (LX).

Cách ăn cắp tài liệu mật của Tolkachev khá đơn giản. Vào giờ ăn trưa, gã giấu các tài liệu trong áo khoác, vượt qua các chốt kiểm soát, rồi dùng máy ảnh Pentax 35 mm chụp dưới ánh sáng đèn nhà vệ sinh, hoặc chụp trong căn hộ của gã.

Rồi Tolkachev yêu cầu CIA đưa tiền, như một dấu hiệu ghi công, chứ ở Moscow lúc đó không có nhiều hàng hóa để mua. Sau đó, Tolkachev được hưởng khoản lương “tương đương” lương tổng thống Mỹ lúc đó là 200.000 USD/năm.

Ðiệp viên tỷ đô Tolkachev.

Một nguồn khác nói ban đầu Tolkachev đòi 300.000 USD. CIA đồng ý con số, nhưng chỉ là tiền rúp LX. Sau nhiều chiến tích giá trị, CIA đồng ý trả khoảng 2 triệu USD vào nhiều tài khoản ngân hàng nước ngoài, dù không rõ gia đình ông ta có nhận được hay không. Tolkachev cũng muốn những album nhạc phương Tây cho con trai ông ta.

Theo báo Washington Post, Tolkachev giúp Mỹ chiếm ưu thế bầu trời khi không chiến và xác minh được yếu kém của hệ thống phòng không LX. Với các tài liệu mật này, tên lửa hành trình và máy bay ném bom chiến lược Mỹ được điều chỉnh kỹ thuật, có thể bay vào không phận LX  mà không bị radar phát hiện.

Tolkachev tự muốn hợp tác với CIA

Biết rõ luật, tội phản quốc bị trừng phạt tử hình, Tokachev xin CIA một viên thuốc độc tự sát nếu bị bắt.

Trong 6 năm, Tolkachev đi gặp điệp viên CIA 21 lần. Phần lớn các cuộc gặp được bố trí trên đường phố Moscow, từng một lần đích thân tiếp xúc một điệp viên CIA “ngay dưới mũi” KGB.

Tolkachev không thích kiểu giao tài liệu vào hộp thư, mà thích gặp trực tiếp để chuyển nhiều tài liệu mật chụp bằng máy ảnh. Việc hẹn gặp vì thế buộc CIA phải có nhiều phương cách để gặp.

Chi nhánh ngầm CIA ở Moscow có một phòng nhỏ trong Sứ quán Mỹ, nơi các nhân viên xem bản đồ găm đầy kim đỏ đánh dấu các vị trí theo dõi của KGB.

Năm 1980, David Rolph là nhân viên CIA tiếp xúc với Tolkachev. Chiều muộn ngày 14-10 năm ấy, ông ta về nhà, một giờ sau cùng vợ trở lại cổng sứ quán, ăn mặc như sắp đi dự tiệc trong sứ quán.

Một quân nhân LX canh gác trông thấy họ đi qua cổng,  Rolph vội lẻn vào căn hộ của tổ phó phụ trách kỹ thuật. Người này có thân hình và chiều cao rất giống Rolph, giúp Rolph hóa trang thật giống mình. Râu tóc dài  của Rolph để giấu ăng-ten, tai nghe và máy quét song, giám sát sóng của KGB ngoài đường phố.

…Từ cổng sứ quán, tổ trưởng kỹ thuật nói to với tổ phó để lọt tiếng vào thiết bị nghe lén của KGB : “Ê, chúng ta đi kiếm gì ăn thôi”. Nhưng tổ phó thực ra vẫn ở lại, cùng vợ Rolph (mặc váy dạ hội) ngồi chờ trong căn hộ suốt 6 giờ, không nói năng gì vì KGB có thể nghe lén.

 Người rời khỏi căn hộ chính là Rolph. Ông ta cùng tổ trưởng đi trên chiếc Volkswagen chạy vọt qua khỏi lính canh LX. Việc hóa trang rời khỏi sứ quán là để thoát khỏi sự theo dõi của KGB.

Đây là một công đoạn mất nhiều thời gian trước khi có thể gặp Tolkachev. Trước tiên, chiếc xe dừng ở một tiệm bán hoa, để kiểm tra xe KGB có bám theo hay không.

Rolph ngồi sau cửa sổ xe, không nhìn thấy gì, sẽ giơ ngón tay cái để tổ trưởng lái xe đi tiếp.

Ðiệp viên Tolkachev bị KGB bắt

Khi xe đang di chuyển, Rolph trút bộ quần áo giả trang, bỏ nó vào một túi nhỏ trên sàn xe. Rolph cũng lấy túi mua hàng (chuẩn bị trước cho Tolkachev) và mặc áo len vào.

Rồi chiếc xe đột ngột dừng, Rolph bước nhanh ra khỏi xe rồi đi bộ thẳng vào đám đông đang chờ xe buýt. Anh ta lưu ý những ai lên xe cùng mình, rồi đột ngột xuống ở trạm dừng kế, ngoái lại nhìn xem có ai bám theo. Không thấy ai, Rolph đi bộ đến một rạp hát nhỏ, mua vé nhưng không vào xem.

Anh ta đi bộ tiếp đến một tiệm bán đồ cổ, vẫn không thấy ai bám theo, rồi rẽ vào một chung cư, lên cầu thang. Đó chỉ là cách để dụ KGB vội xuất hiện, vì họ không thể để mất dấu Rolph trong một tòa nhà nhiều tầng.

Rolph chẳng quen ai ở đó. Anh ta ngồi ở tầng trên cùng, chờ, cũng không thấy ai theo. Suốt 3 giờ rưỡi, KGB không xuất hiện, Rolph chỉ còn cách điểm hẹn 12 phút. Anh ta thường lập lại câu “Khi bạn là dân da đen, thì bạn là dân da đen”. Câu này có nghĩa là dân da đen thì muốn làm gì thì làm, chẳng ai nhìn đến.

Điểm hẹn gặp là tại một công viên. Tolkachev chuyển 25 cuộn phim chứa nhiều tài liệu tuyệt mật. Rolph trở lại xe, lại đeo râu tóc giả và cùng tổ trưởng trở về sứ quán. Sau đó, lính canh LX ghi nhận vợ chồng Rolph rời tiệc ở Sứ quán về nhà.

“Chú hề trong hộp” lừa KGB

Đầu mùa đông 1982, CIA mất liên lạc với Tolkachev, người vắng mặt ở 5 cuộc hẹn gặp đã lên lịch. Nhân viên KGB xuất hiện đầy trên đường. Ngay cả “tế bào ngủ yên” ở chi nhánh ngầm CIA tại Moscow cũng chẳng làm được gì hơn. 

Đêm 27-12-1982 là cuộc hẹn gặp kế tiếp. Tương lai chiến dịch do thám LX của CIA được trao vào tay Bill Plunkert. Sau thời gian là phi công hải quân Mỹ, Plunkert gia nhập CIA, được đào tạo thành một điệp viên hoạt động bí mật. Tay này khoảng 35 tuổi, vừa đến chi nhánh ngầm CIA ở Moscow hồi hè năm ấy. Nhiệm vụ của anh ta là thoát khỏi vòng vây KGB và tiếp xúc với Tolkachev.

Đêm ấy vào giờ ăn tối, Plunkert và vợ cùng trưởng chi nhánh CIA (cùng vợ ông ta) rời khỏi Sứ quán Mỹ đến bãi đậu xe, dưới sự theo dõi của các quân nhân LX sẽ báo cáo về KGB.

Họ lên xe, trưởng chi nhánh lái, Plunkert ngồi cạnh ở ghế trước. Hai người vợ ngồi ghế sau, giữ một ổ bánh sinh nhật lớn. Ổ bánh sinh nhật là giả, phía trên trông như bánh nhưng phía dưới dấu một thiết bị gọi là “chú hề trong hộp”.

CIA biết nhóm theo dõi của KGB hầu như ngồi xe bám theo phía sau và ít khi dừng lại bên vệ đường. Một xe chở nhân viên CIA có thể thoát khỏi sự theo dõi này ở vài góc phố một cách nhanh chóng, bằng cách phóng nhanh khỏi xe. Cùng lúc ấy, “chú hề trong hộp” nhảy ra khỏi ổ bánh, từ bên ngoài trông như đầu và thân của người vừa nhảy ra khỏi xe.

Thiết bị này chưa hề sử dụng ở Moscow, nhưng CIA sốt ruột vì nhiều tuần trôi qua. Đêm ấy, dưới bộ thường phục Mỹ, Plunkert mặc thêm một quần áo kiểu Nga, đội mặt nạ và kính đen.

Nhảy thoát khỏi xe lúc 7 giờ, cởi bỏ lớp quần áo Mỹ, Plunkert hệt như một ông già Nga. Anh ta bước trên hè phố được 5 bước thì chiếc xe KGB cũng rẽ ngoặt để bám theo xe CIA đã tăng tốc, không hề biết người đàn ông Nga đứng ở cột đèn đỏ là điệp viên Mỹ Plunkert….

Theo cuốn sách, Tolkachev làm việc cho CIA để trả thù: mẹ vợ bị xử bắn, cha vợ bị cải tạo lao động ở Siberia.

Một đêm gió lộng đầu năm 1977, một người đàn ông vội vã gặp nhân viên CIA tại một trạm xăng dành cho các nhà ngoại giao nước ngoài ở Moscow, chuyển mẩu tin nhắn đề nghị được làm điệp viên cho Mỹ.

Ban đầu, CIA sợ đây là bẫy của KGB nên 5 lần liên tục từ chối Tolkachev. Qua năm sau, Tolkachev tìm cách tiếp cận CIA suốt 7 lần, gồm lần nọ cào đá vào xe của trưởng chi nhánh CIA Gardner Hathaway ở gần Sứ quán Mỹ tại Moscow để gây sự chú ý.

Cuối cùng, CIA cũng đồng ý đề nghị phản bội LX của Tolkachev. CIA chỉ định điệp viên John I. Guilsher biết nói tiếng Nga tiếp xúc với Tolkachev.

Trong gần 10 năm sau, ông ta chứng minh là một nguồn thông tin lớn: các kế hoạch, kết quả thử nghiệm máy bay và tên lửa LX đã có hoặc đang sắp sản xuất….

Nhưng hoạt động gián điệp của Tolkachev kết thúc, khi ông ta bị KGB bắt ngày 6-9-1985. Ngày 20-9 năm ấy, Hãng thông tấn TASS công bố chính thức việc bắt quả tang Tolkachev đang toan chuyển tài liệu bí mật quốc phòng cho Paul Stombaugh, Bí thư thứ hai Sứ quán Mỹ ở Moscow.

TASS nêu Stombaugh là một điệp viên CIA đội lốt nhà ngoại giao Mỹ, đã bị trục xuất khỏi LX, cùng với 2 nhà ngoại giao khác là Michael Sellers và Erik Sit.

Khi Tolkachev bị bắt, TASS nói tình báo Mỹ đã đưa những máy ảnh nhỏ, để Tolkachev chụp các tài liệu mật, radio hai chiều, thiết bị giải mã và chất độc chuyên dụng. Nhân viên KGB lập tức chặn cổ Tolkachev và lột áo khoác để ông ta không thể nuốt thuốc độc mà CIA gọi là “viên L” (lethal, độc) 

Ngày 25-9-1986, TASS tuyên bố: Tolkachev bị xử án, bị buộc tội phản quốc, bị bác đơn xin tha tội và đã bị xử tử hình ngay sau đó không lâu.

 Có thông tin, rằng Tolkachev khéo che giấu hoạt động tình báo của mình, nên gia đình của ông ta không bị ảnh hưởng. Con trai Oleg của Tolkachev nay là một kiến trúc sư giỏi.

Thông tin khác là trong một hội nghị tình báo thời hậu Chiến tranh Lạnh năm 1999, Tướng KGB Oleg Kalugin nói vợ Tolkachev làm việc chung với chồng nên bị tù, nhưng sau được tha.

Ban đầu có những nghi ngờ “điệp viên tỷ đô” Tolkachev bị bắt là do tố cáo của Edward Lee Howard, nhân viên CIA đầu tiên đào ngũ qua LX hồi tháng 8-1986. Khi còn làm việc ở Moscow, Howard là người quản lý Tolkachev.

Nhưng sau đó, thông tin khác cho biết cựu điệp viên CIA  Aldrich Ames làm việc cho KGB đã tố cáo Tolkachev.

Vĩnh Thụy (theo Washington Post)
.
.
.