Indonesia:

Quyết tâm phá dỡ "phố đèn đỏ" tại Jakarta

Thứ Năm, 10/03/2016, 11:34
Ngày 29-2, Chính quyền thành phố Jakarta, đã huy động hàng chục xe ủi đất cùng lực lượng cảnh sát hùng hậu để san phẳng hàng trăm ngôi nhà ở "phố đèn đỏ" trong chiến dịch xóa bỏ tệ mại dâm ở quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới.


Mại dâm tuy là hoạt động bất hợp pháp, nhưng lại khá phổ biến ở hầu hết các thành phố lớn ở Indonesia. Theo kế hoạch, sau khi phá dỡ "phố đèn đỏ", nơi đây sẽ biến thành công viên, nơi đỗ xe... Và để đảm bảo an sinh xã hội, trước khi huy động xe ủi đất, chính quyền đã thông báo cho khoảng 3.000 hộ dân sống tại đây phải chuyển tới các khu nhà tái định cư và những người hành nghề mại dâm cũng được sắp xếp các hoạt động hướng nghiệp khác.

Quyết định ra quân hôm 29-2 diễn ra sau khi "phố đèn đỏ" nổi tiếng nhất Jakarta mang tên Kalijodo bị đóng cửa. "Phố đèn đỏ" Kalijodo từ lâu đã là nơi kiếm sống của hàng nghìn người hành nghề mại dâm và là tụ điểm mới nhất trong gần 70 "phố đèn đỏ" bị đóng cửa tại thủ đô Jakarta. Theo kế hoạch ban đầu, Kalijodo và gần 70 "phố đèn đỏ" khác sẽ bị đóng cửa từ nay đến năm 2019.

Cảnh sát chỉ đạo việc phá dỡ khu phố đèn đỏ ở Jakarta, Indonesia.

Và từ năm 2019 trở đi, khoảng 100 "phố đèn đỏ" còn lại sẽ bị dẹp bỏ trên toàn quốc. Thị trưởng Jakarta Basuki "Ahok" Tjahaja Purnama là người quyết tâm đóng cửa các khu "phố đèn đỏ" bởi theo ông, những khu vực này tác động tiêu cực đến xã hội.

Còn theo ông Sonny Manalu, quan chức của Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia, những khu "phố đèn đỏ" ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em sống gần đó. Đồng thời cho rằng, mại dâm tuy không thể bị xóa sạch khỏi Trái đất, nhưng họ vẫn phải ngăn chặn vấn nạn làm hư hỏng giới trẻ.

Phố đèn đỏ đang bị tháo dỡ là Kalijodo.

Theo giới truyền thông, ở thủ đô Jakarta tồn tại "phố đèn đỏ" rẻ nhất thế giới và nơi đây khác xa so với những khu phố mại dâm rực rỡ ánh đèn khác. Và khách làng chơi thuộc tầng lớp bình dân, còn gái bán dâm ở đây có đủ lứa tuổi, từ trẻ đến già và phần lớn họ đều do hoàn cảnh đặc biệt buộc phải dấn thân vào nghề mua vui cho thiên hạ.

Mỗi người một hoàn cảnh và gái mại dâm ở đây phải tiếp khách trong điều kiện vô cùng tồi tàn của khu phố ven đường tàu và họ luôn phải đối diện với nguy cơ bệnh tật và đói kém. Được biết, gái mại dâm ở "phố đèn đỏ" này sống bên đường tàu ven thủ đô và làm việc trong môi trường bẩn thỉu, nghèo nàn và chật chội. Họ bắt đầu làm việc từ 19 giờ và cuộc vui chỉ tàn vào sáng hôm sau.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nyoman Mangku Karmaya, Giáo sư Y khoa, công tác tại Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS Bali, gái mại dâm ở Bali mới là những người dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS nhất ở Indonesia.

Gần 2 năm trước (18-6-2014), Thị trưởng Surabaya Tri Rismaharini tuyên bố, đóng cửa "phố đèn đỏ" Dolly và khi đó có khoảng 100 quan chức thành phố đã cùng ký tên vào bản tuyên bố, trước sự chứng kiến của quan chức chính phủ và Thống đốc Đông Java.

Quyết định này tuy nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng Hồi giáo, nhưng vẫn có hàng trăm người hành nghề mại dâm biểu tình phản đối và chặn mọi lối vào Dolly, nơi từng được mệnh danh là "phố đèn đỏ" lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 1.500 người hành nghề.

Bà Tri Rismaharini là nữ Thị trưởng đầu tiên của Surabaya, đã quyết định thay đổi thành phố này bằng quyết định đóng cửa các khu vực mại dâm. "Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng từ môi trường chúng lớn lên và tôi quan tâm tới điều này, đặc biệt là trẻ em", bà Tri Rismaharini nhấn mạnh. Thành phố Surabaya từng được mệnh danh là "thủ đô sex" của Indonesia.

Theo giới truyền thông, Dolly không đơn thuần là nơi kiếm sống của hàng nghìn gái mại dâm và chủ chứa, mà đây còn là "khu kinh tế" của nhiều cư dân thành phố Surabaya.

Theo ước tính của Anissa, thành viên của tổ chức Thanh niên Tự do (KOPI), hơn 14.000 người ở Indonesia phụ thuộc vào thu nhập kiếm được từ các "phố đèn đỏ" như Dolly. Do đó, quyết định của Thị trưởng Tri Rismaharini khiến nhiều người sống tại đây lo lắng bởi họ không biết phải làm gì để sống sau khi chính quyền đóng cửa "phố đèn đỏ" này.

Chính phủ Indonesia quyết định hỗ trợ 425 USD/người cho những người hành nghề tại "phố đèn đỏ" Dolly để họ bắt đầu cuộc sống mới, nhưng nhiều người không chấp nhận khoản hỗ trợ này. 

Theo thống kê của Sở Các vấn đề xã hội Surabaya, trước khi bị dẹp bỏ, trong nhiều năm qua, Dolly là nhà, là nơi kinh doanh của 1.187 gái mại dâm và 311 chủ chứa, cùng hơn 9.000 người hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, quán cafe, karaoke, massage, cửa hàng cung ứng thực phẩm tham gia trực tiếp và gián tiếp mang lại hàng tỷ rupiah cho "phố đèn đỏ" này. Và khách tới Dolly phần lớn là du khách đến từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Trung Đông… không kể số khách hàng là người Indonesia.

Thiện Lân
.
.
.