Interpol: Điều phối chiến dịch chống buôn bán trái phép động vật hoang dã ở châu Á

Thứ Năm, 15/01/2015, 17:00
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa ra thông báo cho biết tổ chức này vừa điều phối chiến dịch quốc tế lớn chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã tại khu vực châu Á. Cảnh sát 13 nước tham gia chiến dịch gồm Bangladesh, Bhutan, Cam pu chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan và Việt Nam.

Chiến dịch này cũng được sự hỗ trợ đắc lực của Cảnh sát các nước Australia, Canada và Mỹ cùng Cơ quan phối hợp phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã (ICCWC) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Chiến dịch là một phần của Tổng chiến dịch có tên “Predator” do Interpol phát động với sự tham gia của Cảnh sát các quốc gia trên toàn cầu nhằm vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức và tội phạm có tính quốc tế.

Trong chiến dịch có tên PAWS kéo dài 5 tháng này, cảnh sát các nước dưới sự điều phối của Interpol đã tiến hành điều tra các băng nhóm và đối tượng chuyên săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại khu vực châu Á, trong đó tập trung vào các đối tượng liên quan đến hành vi phạm tội về hổ và mèo lớn. Ngoài ra, cảnh sát cũng quan tâm đến các đối tượng chuyên buôn bán những động vật hoang dã hiếm, được ưa chuộng trên thị trường chợ đen như gấu và tê tê. Những đối tượng sử dụng mạng Internet và mạng xã hội buôn bán động vật hoang dã tại một số nước cũng nằm trong diện bị điều tra.

Cảnh sát và nhân viên y tế cứu sư tử hoang dã bị buôn bán.

Cảnh sát đã tiến hành phá án, khám xét tại nhiều địa điểm khác nhau tại nhiều nước, bắt giữ 160 đối tượng và hàng trăm cá thể động vật hoang dã. Nhiều động vật hoang dã khi bị bắt giữ vẫn còn sống và đã được các lực lượng chức năng cứu hộ kịp thời, đưa vào các cơ sở chăm sóc chờ ngày được trở về với thiên nhiên bao gồm hổ, báo, gấu, khỉ, gấu trúc đỏ, sư tử, cá sấu, mèo lớn. Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ 3,5 tấn ngà voi, 280kg vẩy tê tê, sừng tê giác và 4 tấn gỗ cây sưa, một số lượng lớn rùa, chim.

Tại các nước châu Á, ngoài nhu cầu lớn về da, sừng, lông, vảy động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu trang trí, nội thất thì thịt, nội tạng các loài động vật hoang dã còn được nhiều người ưa chuộng như món khoái khẩu hoặc ngâm rượu với niềm tin sẽ được tăng cường sinh lực hoặc khả năng sinh lý nên trong nhiều năm qua, tình hình săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm diễn biến rất phức tạp.

Cảnh sát thu giữ hổ bị buôn bán trái phép.

Các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng dùng vũ khí nóng để chống lại lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, vây bắt để thực hiện hành vi phạm tội. Đã hình thành nhiều đường dây tội phạm chuyên buôn bán trái phép động vật hoang dã từ quốc gia này sang quốc gia khác hoặc thậm chí buôn bán qua nhiều quốc gia để thu lợi nhuận. Giá các sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã rất cao trên thị trường chợ đen cũng là một trong những nguyên nhân kích thích sự hoạt động của nguồn cung.

Chiến dịch PAWS này của Interpol và cảnh sát các nước đã giáng đòn chí mạng vào nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức chuyên buôn bán động vật hoang dã ở châu Á. Interpol cho biết sẽ tiếp tục điều phối cảnh sát các nước để điều tra mở rộng, triệt phá tận gốc các băng nhóm này và sẽ "sờ gáy" các băng nhóm khác để ngăn chặn tình trạng săn bắn, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Interpol cũng khuyến cáo cảnh sát các nước có chế tài đủ mạnh để xử lý kiên quyết cả những người biết rõ sản phẩm là từ động vật hoang dã mà vẫn mua để sử dụng hoặc buôn bán. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân trong việc tự giác không tham gia và phòng, chống các hành vi trái phép liên quan đến động vật hoang dã cũng được Interpol đề nghị trong thời gian tới. 

Hoàng Đoàn
.
.
.