Italia: Chính trường rúng động bởi bê bối tham nhũng

Thứ Bảy, 28/03/2015, 08:00
Gần 1 năm trước (17/6/2014), Cảnh sát Italia đã bắt giữ 5 quan chức của Bộ Văn hóa do bê bối tham nhũng liên quan đến dự án tái xây dựng thành phố L'Aquila. Trước đó (26/5/2014), Cảnh sát tài chính đã bắt cựu Bộ trưởng môi trường Corrado Clini với cáo buộc tham nhũng. Ông Corrado Clini từng phụ trách nhiều vị trí liên quan đến môi trường trong các chính phủ Italia trước đây.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông Maurizio Lupi tuyên bố từ chức (hôm 19/3 và đã thông báo quyết định này tại phiên họp của Hạ viện ngày 20/3), Cơ quan chống tham nhũng quốc gia Italia đã quyết định mở cuộc điều tra về khả năng có thể đã xảy ra tình trạng tham nhũng trong một gói thầu xây dựng lớn tại Triển lãm thế giới EXPO 2015.

Theo ông Raffaele Cantone, Giám đốc Cơ quan chống tham nhũng quốc gia, mục đích điều tra nhằm kiểm tra một trong những gói thầu lớn nhất liên quan đến EXPO 2015 khi phát hiện có những dấu hiệu tham nhũng.

Sau khi vụ bê bối EXPO 2015 "lộ sáng", Thủ tướng Matteo Renzi đã bổ nhiệm ông Raffaelle Cantone, thẩm phán nổi tiếng là người đứng đầu Cơ quan chống tham nhũng quốc gia. Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi không những quan ngại tham nhũng trong các công trình (tham nhũng khiến Italia thiệt hại ít nhất 60 tỷ euro/năm), mà còn đề phòng khả năng mafia rửa tiền bởi EXPO 2015 là dự án lớn nhất Italia với mức đầu tư 5,4 tỷ euro.

Bộ trưởng Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông Maurizio Lupi.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi cơ quan chức năng phanh phui vụ bê bối liên quan đến Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông và EXPO 2015 là triển lãm lớn nhất thế giới (sẽ diễn ra trong tháng 5 tới ở Milan) với sự tham gia của hơn 140 quốc gia. Được biết, ngoài việc Bộ trưởng Maurizio Lupi từ chức, chuyên viên tư vấn kỹ thuật cấp cao Ettore Incalza và 3 nhà thầu (trong đó có Stefano Perotti) đã bị bắt; cùng 50 người bị điều tra, trong đó có nhiều chính trị gia.

Trong tuyên bố từ chức ngày 19/3, ông Maurizio Lupi hy vọng, hành động của mình sẽ giúp nội các trở nên mạnh mẽ hơn và từ chức vì lợi ích của chính phủ! Tuy đã tuyên bố từ chức, nhưng ông Maurizio Lupi vẫn khẳng định, không làm điều gì sai trái và đây là hành động để bảo vệ gia đình, đồng thời hy vọng có thể tiếp tục sự nghiệp chính trị. 

Điều đáng nói là chỉ mấy hôm trước khi tuyên bố từ chức, Bộ trưởng Maurizio Lupi không những khẳng định mình trong sạch, quyết không từ chức, mà còn phủ nhận cáo buộc cho rằng, đã yêu cầu Ettore Incalza và Stefano Perotti thu xếp việc làm cho con trai ông.

Theo giới truyền thông, ông Maurizio Lupi tuy không bị điều tra, nhưng những đoạn băng ghi âm của các nhà điều tra cho thấy, Bộ trưởng Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông đã đề nghị Ettore Incalza bố trí chỗ làm cho con trai mới tốt nghiệp đại học trong Cơ quan quản lý hệ thống đường cao tốc của Italy (ANAS) và chuyên viên tư vấn kỹ thuật cấp cao này còn tặng "cậu ấm" của Bộ trưởng Maurizio Lupi một đồng hồ Rolex trị giá hơn 10.000 euro.

Trước khi ông Maurizio Lupi từ chức, chính trường Italia đã dậy sóng sau khi vụ bê bối tham nhũng vỡ lở, khiến 4 quan chức bị bắt. Ngày 16-3, cảnh sát đã phối hợp với Viện công tố thành phố Florence bắt giữ 4 quan chức và công bố danh sách điều tra hơn 50 người khác vì bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Cảnh sát đã khám nhà riêng của những quan chức trong diện điều tra ở Milan và Thủ đô Rome để tìm bằng chứng và tài liệu liên quan đến vụ án.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso khẳng định, các vụ bê bối tham nhũng mới "lộ sáng" chỉ là "một phần của tảng băng" và Italia sẽ làm hết mình để chống lại tệ nạn này. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, Italia là một trong những quốc gia tham nhũng nhất châu Âu. Thủ tướng Matteo Renzi khẳng định, ông sẽ sử dụng những biện pháp mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và coi đây là một trong những ưu tiên lớn.

Tuyên bố kể trên được ông Matteo Renzi đưa ra sau khi vụ bê bối tham nhũng liên quan đến MOSE (dự án làm các đê chắn sóng để điều tiết lượng nước trong vịnh Venice, tránh cho thành phố này bị lụt) bị giới truyền thông đăng tải. 

Cảnh sát đã bắt Thị trưởng thành phố Venice Giorgio Orsini và 34 người khác, hầu hết là chính trị gia và nhà thầu địa phương vì đã chuyển ít nhất 25 triệu euro từ ngân sách của MOSE vào các quỹ vận động tranh cử chính trị. Hơn 100 người khác cũng đang bị cảnh sát điều tra.

Trọng Hậu
.
.
.