Italia:

Mafia mưu sát Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano

Thứ Năm, 26/11/2015, 16:28
Vì từng là tổ chức mafia lớn nhất ở Italia trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, nên vụ mưu sát của băng đảng Cosa Nostra (còn gọi là Our Thing) được dư luận quan tâm, nhất là khi nạn nhân chúng nhắm tới là Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano. Và cảnh sát Italia đã bắt "bố già" Rosario Lo Bue cùng 5 tay chân của hắn hôm 20-11 ở Corleone, sào huyệt của Cosa Nostra, tại đảo Sicily. 

Điều đáng nói là "bố già" Rosario Lo Bue là người theo trường phái ôn hòa trong băng đảng Corleone, từng bị bắt năm 2008, nhưng sau đó đã được thả, nhưng lại được cho là đang tìm cách đạt được thỏa thuận với "bố già" Pietro Masaracchia để lên kế hoạch ám sát Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano.

Theo nguồn tin từ cảnh sát, vụ bắt Rosario Lo Bue, đệ tử trung thành của "bố già" Bernardo Provenzano (kẻ đứng đầu băng đảng Corleone cho đến khi bị bắt năm 2006, sau 43 năm lẩn trốn), cùng 5 tên khác diễn ra sau khi các băng ghi âm của lực lượng chống mafia cho thấy, băng đảng Cosa Nostra đang lên kế hoạch ám sát Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano. Khi được báo giới ở Brussels, Bỉ hỏi về thông tin kể trên, Bộ trưởng Angelino Alfano khẳng định, việc diệt trừ mafia ở Sicily có ý nghĩa hơn là cuộc sống của một con người, và "có nhiều người phụng sự quốc gia còn chịu rủi ro nhiều hơn tôi".

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano.

Trong một đoạn băng thu được, 2 "bố già" của băng đảng Corleone cho rằng, Bộ trưởng Angelino Alfano phải bị ám sát giống như Tổng thống Mỹ John Kennedy cách đây 52 năm (1963-2015). Ông Angelino Alfano là người Sicily, được băng đảng Corleone cho là đã ngồi vào ghế Bộ trưởng Nội vụ bằng sự hậu thuẫn của chúng, nhưng sau đó lại cho siết chặt chế độ tù đày vô cùng hà khắc với các ông trùm mafia. Và vụ mưu sát này được coi là cách trả thù sau khi ông Angelino Alfano khẳng định, sẽ tiếp tục áp dụng điều 41 bis trong Luật Hình sự Italia - cho phép nhà chức trách thực hiện chế độ tù chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn đối với các bố già mafia, cách ly chúng hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

2 năm trước, trong một cuộc hội thoại ở trong tù với đàn em, "bố già" Toto Riina (ngồi tù từ năm 1993), kẻ có ảnh hưởng lớn nhất trong Cosa Nostra, cũng từng nói rằng, phải sớm khử Bộ trưởng Angelino Alfano. Hơn nửa năm trước (thượng tuần tháng 5), ông Angelino Alfano đã có mặt tại lễ khai trương đồn cảnh sát được đặt ngay trong biệt thự bề thế và đắt tiền của "bố già" Toto Riina, kẻ có biệt danh La belva ở ngoại ô Palermo, đảo Sicily. Theo đó, biệt thự này được đổi tên thành Trapassi và Bartolotta, những sỹ quan cảnh sát bị thiệt mạng khi bảo vệ một thẩm phán bị mafia ám sát năm 1983.

Vụ bắt "bố già" Rosario Lo Bue diễn ra sau khi Ngoại trưởng Paolo Gentiloni cho biết (19-11), Italia đang truy lùng 5 nghi can khủng bố và FBI đã cung cấp danh tính của 5 người này. Và cảnh sát đã bắt 2 người Syria dùng hộ chiếu giả công dân Áo và Na Uy để tìm cách bay tới Malta. Do đó, Bộ Nội vụ có thể nâng mức báo động lên cấp 3 (mức cao nhất), cho phép mở rộng và tăng cường các hoạt động an ninh ở Rome và toàn lãnh thổ Italia.

Ngày 18-11, giới truyền thông Italia đăng tuyên bố khá ấn tượng của Phó Chủ tịch Ủy ban chống mafia quốc gia Italia khi ông Claudio Fava cho rằng, sẽ không ngạc nhiên nếu đảo Sicily có thể được coi là không thể bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thâm nhập, bởi ở đây đã có sự hiện diện của mafia! Theo ông Claudio Fava, tại đảo Sicily, khủng bố không thể tồn tại bởi trong những năm 1970, khi các tổ chức khủng bố cực tả và cực hữu hoạt động ở Italia, nhưng chúng đã "bó tay" khi xuất hiện tại đây.

Theo số liệu của Hiệp hội nhân đạo Fiori di Acciaio (Italia), từ đầu năm 2015 đến nay, Italia đã tiếp nhận 139.770 người tị nạn nhập cư và họ thường cập cảng Lampedusa, Augusta thuộc đảo Sicily.

Giới truyền thông cho rằng, sự câu kết giữa mafia với quan tham đang là cơn ác mộng của kinh tế Italia. Thống đốc Ngân hàng trung ương Mario Draghi cảnh báo, mafia là một trong những lý do chính khiến Italia tăng trưởng chậm chạp. Phiên toà xét xử những quan chức từng câu kết với mafia diễn ra hôm 5-11 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Italia. Bởi đây là phiên đầu tiên xét xử các quan chức tham nhũng, cùng doanh nhân từng câu kết với mafia để tư lợi hàng chục triệu euro từ những dự án của chính quyền thủ đô Rome.

Dự kiến phiên toà sẽ kéo dài tới tháng 7-2016. Theo ước tính của SOS Impresa, một tổ chức chống mafia có trụ sở tại Rome, số doanh nghiệp Italia phải nộp tiền bảo kê lên tới 160.000, với tổng số tiền gần 10 tỷ euro/năm. Hiện ở Italia có 3 nhóm tội phạm lớn, đó là Cosa Nostra, Ndrangheta và Camorra, trong đó Ndrangheta là tập đoàn tội phạm có thế lực nhất, với mức tài chính hơn 3% GDP của nước này.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.