Olympic Rio 2016: Thế vận hội bạo lực nguy hiểm nhất trong lịch sử?

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:18
Thế vận hội Olympic Rio 2016 đang đến rất gần và nhiều người nhận định rằng, tình trạng bạo lực với những vụ nổ súng của cảnh sát ở mức cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người hâm mộ thế thao trên toàn thế giới. Tờ DailyMail (Anh) số ra mới đây còn giật "tít" lớn trên trang nhất: "Thế vận hội 2016 - Nơi bạn có khả năng bị bắn bởi một cảnh sát".

Những vụ nổ súng gây rúng động dư luận

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) mới được công bố, cảnh sát chịu trách nhiệm một trong sáu vụ giết người ở Rio de Janeiro (Brazil) từ giữa năm 2010 và năm 2013. 8.466 ca tử vong do sự can thiệp của cảnh sát ở bang Rio de Janeiro trong giai đoạn 2004 - 2015. Hành động của cảnh sát là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Rio, với 1.519 vụ giết người trong năm năm qua. Chủ yếu là những vụ giết người được cho là "hành vi tự vệ hợp pháp". 

"Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, cảnh sát đã nổ súng vào dân thường bất hợp pháp. 79% nạn nhân bị cảnh sát bắn chết trong giai đoạn 2010 - 2013 là người da đen, 75% nạn nhân tuổi từ 15-29", một đại diện của AI cho biết. Hiện cảnh sát Brazil chưa có phản ứng chính thức về việc này.

Cảnh sát Brazil là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về những vụ nổ súng trong khi thi hành công vụ. Theo số liệu so sánh của FBI và Diễn đàn An ninh công cộng Brazil thì số vụ người chết do cảnh sát nổ súng ở Brazil trong 5 năm qua bằng số người thiệt mạng do cảnh sát Mỹ nổ súng trong 30 năm.

Hàng loạt vụ nổ súng của cảnh sát được cho là "không cần thiết" và châm ngòi cho những luồng dư luận trái chiều trong công chúng. Vào tháng 4/2014, con trai bà Maria de Fatima Silva đã bị giết trong một cuộc đột kích của cảnh sát ở Pavao-Pavaozinho Favela, Rio. 

"Con trai tôi đã chết một cách oan uổng. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn nhưng tôi lo ngại rằng, vụ việc sẽ bị xếp vào tủ nên đã bắt đầu cuộc điều tra riêng", bà Silva nói. Bà Silva cho biết, một vài nhân chứng đã không dám lên tiếng vì bị đe dọa. "Tôi sẽ không bỏ cuộc và quyết tìm ra chân lý. Một số nhóm hoạt động nhân quyền ở Brazil đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để can đảm đấu tranh tìm công lý cho con trai", bà Silva nói với phóng viên Luis Kawaguti của BBC Brazil.

Vụ cảnh sát nổ súng bắn chết Douglas Rafael da Silva Pereira, một vũ công chuyên nghiệp cũng gây ra những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân trong thời gian dài. Hơn 5.000 người đã xuống đường biểu tình ở Salvador da Bahia, thành phố lớn thứ ba của Brazil sau cái chết của Douglas Rafael da Silva Pereira. Phong trào được gọi là "Reaja ou Sera Morto - Đấu tranh hay là chết" lan rộng ở nhiều nơi trên khắp lãnh thổ Brazil. Trong tháng 11/2015, cảnh sát ở Rio de Janeiro bắn chết năm người đàn ông trẻ tuổi không có vũ trang ở độ tuổi từ 16 - 20. Những nhân viên cảnh sát có liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ và cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 12/2015, năm người đàn ông đã bị cảnh sát nổ súng giết chết trong một khu phố nhỏ ở  Rio. "Họ đã bị giết hại. Đây là một cuộc chiến tranh ngay giữa đời thường", Monica Aparecida Santana Correa, mẹ của một nạn nhân 18 tuổi thốt lên. Bốn nhân viên cảnh sát đã bị bắt giữ và chỉ huy đơn vị đã bị sa thải ngay sau khi sự việc xảy ra. 

Theo tờ Tin tức O Globo (Brazil), ngoài việc nổ súng, các nạn nhân đã bị cảnh sát đánh đập hết sức dã man. "Đó là một hành động sử dụng bạo lực không cần thiết. Không gì có thể biện minh cho việc làm này", Jose Beltrame, một quan chức phụ trách an ninh ở Rio nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau khi vụ việc xảy ra.

Vụ việc tiếp tục gây nên làn sóng phẫn nộ ở Brazil trong tháng cuối cùng của năm 2015. Với người thân của các nạn nhân, cuộc tấn công chỉ là "đòn mới nhất" trong cuộc chiến tranh không được tuyên bố chống lại người da đen sống trong các khu phố nghèo thường được gọi bằng thuật ngữ "favelas". "Họ chỉ thấy năm người đàn ông da đen  trên xe và nổ súng. Điều này sẽ không xảy ra nếu đó là năm người đàn ông da trắng. Họ là người da đen, đến từ Favela. Đó là lý do tại sao con trai của chúng tôi bị giết chết. 

Cảnh sát nói, họ nghĩ rằng, năm thanh niên trên xe là những tên cướp. Họ đã nói dối", bà Correa nói. "Đó là một cuộc chiến tranh. Không phải là cuộc chiến tranh giữa Brazil với quốc gia khác, mà là cuộc chiến giữa các tầng lớp và chủng tộc", Pedro Jorge, 25 tuổi, một cư dân Favela nói. Luật sư Jorge Roberto Lima da Penha, người đại diện pháp lý cho các gia đình nạn nhân nhận định, vụ cảnh sát bắn chết người là hành vi "giết người man rợ".

Luôn sống trong sợ hãi

Justica, một tổ chức phi lợi nhuận ở Brazil đã xây dựng bản đồ về những khu vực mà cảnh sát nổ súng nhiều nhất. Theo đó, những khu vực nghèo ở phía Bắc, phía Tây và phía Đông có tỷ lệ vụ giết người nhiều hơn so với khu vực phía Nam giàu có của Rio. Bản đồ này cũng cho thấy, sự "bất bình đẳng về mặt không gian" về nạn nhân của những vụ nổ súng. Nạn nhân phần lớn là người da đen "Pretos" cao hơn nhiều so với số nạn nhân da màu "pardos" và da trắng "brancos". Theo thống kê, rất ít trường hợp cảnh sát nổ súng nhằm vào khách du lịch ở Rio. Đối tượng bị "nhắm" đến thường là nam thanh niên người địa phương và da đen.

Naiara Leite, một tình nguyện viên tham gia phong trào Reaja ou Sera Morto nói rằng, bạo lực liên quan đến cảnh sát đang là vấn đề rất nóng ở Brazil. "Các số liệu thống kê đã minh chứng cho tính nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên, con số thống kê cũng chưa phản ánh hết những gì đã xảy ra, có nhiều trường hợp tử vong không được báo cáo", Leite nói. "Brazil tỏ ra khá im lặng về vấn đề bạo lực cảnh sát", nhà báo Jihan Hafiz nhận định. 

"Có một cảm giác chung là ở thành phố này, chính quyền đàn áp người da đen. Phân biệt chủng tộc khó rõ ràng. Cảnh sát thường xuất hiện ở những khu phố tập trung nhiều người da đen nghèo khó. Bạn có thể sẽ chết nếu dám chống lại cảnh sát. Họ luôn quán triệt quan điểm: "nổ súng trước, thẩm vấn sau. Nhà lãnh đạo của phong trào Reaja ou Sera Morto liên tiếp nhận lời đe dọa sát hại trên phương tiện truyền thông xã hội và qua điện thoại di động. Tuy nhiên, Reaja ou Sera Morto cần chấm dứt sự im lặng. Tất cả phải đấu tranh vì công lý", Leite nói tiếp.

Chuyên gia Bruno Paes Manso của Đại học Trung tâm Sao Paulo nhận định, ngoài việc sử dụng vũ lực quá mức, cảnh sát Brazil thường xuyên tiến hành nổ súng trong tình huống không cần thiết. "Thực tế cho thấy, hiếm có cuộc điều tra nghiêm túc nào được thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực tràn lan, thiếu kiểm soát", ông Bruno Paes Manso nói.

AI cho biết, những vụ thiệt mạng do cảnh sát nổ súng hiếm khi được điều tra và những người có trách nhiệm không thường xuyên phải đối mặt với công lý. Atila Roque, Giám đốc của AI ở Brazil cho biết, chiến lược quốc gia để giải quyết vấn đề ma túy và bạo lực đã được "lấp đầy bằng sự thất bại thảm hại và để lại dấu vết của sự đau khổ và tàn phá". Cảnh sát quân sự ở Rio de Janeiro thường xuyên sử dụng vũ lực không cần thiết khi thi hành công vụ trong các khu phố nghèo của thành phố.

Tuy nhiên, theo văn phòng công tố viên ở bang Rio de Janeiro, 587 nhân viên cảnh sát đã bị buộc tội và bị truy tố trước pháp luật trong giai đoạn 2010 - 2015. Công đoàn cảnh sát Brazil cho biết, số nhân viên cảnh sát thiệt mạng trong những vụ đụng độ cũng rất cao. Theo dân đoàn cảnh sát Sindpol, 398 người bị giết hại trong năm 2014, chỉ tính riêng tại Rio de Janeiro, con số này 114.

Tình hình bạo lực tràn lan đang khiến Rio trở thành thành phố Olympic nguy hiểm nhất trong lịch sử. Người dân sống trong khu vực favela ở Brazil luôn trong tâm trạng nơm nớp sợ hãi vì cái chết cận kề. Một mặt là rất nhiều băng nhóm ma túy có vũ trang, giết người hoạt động và bên kia là bạo lực từ lực lượng cảnh sát. "Chúng tôi luôn phải sống trong sợ hãi. Khi bước chân ra khỏi cửa, chúng tôi không thể biết trước được điều gì đang chờ đón mình bên ngoài", Neusa de Carvalho, 28 tuổi, cho biết.

Thế vận hội Olympic 2016 sẽ được tổ chức ở Brazil vào tháng 8 tới đây. Nhiều đoàn thể thao đã lên tiếng lo ngại về tình hình an ninh bất ổn có thể ảnh hưởng đến sự thành công của Olympic cũng như tính mạng của các vận động viên. Trước tình hình đó, Chính phủ Brazil đã triển khai nhiều biện pháp an ninh như tăng cường cảnh sát, binh lính tại Rio de Janeiro, cũng như thắt chặt an ninh tại các khu vực xung quanh địa điểm điểm thi đấu, khách sạn, bãi biển…

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.