Ðũa thần lobby

Thứ Sáu, 19/05/2017, 11:07
Với vận động hành lang (lobby), các công ty dược có thể đập tan những làn sóng phản đối việc giá thuốc tăng cắt cổ, hoặc khiến các luật định về y tế, sức khỏe được ban hành theo hướng có lợi cho những sản phẩm thuốc của họ. Chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm ngành dược chi hàng trăm triệu USD cho hoạt động lobby.


Vấn đề chính trị

Khi cựu CEO của Hãng dược Turing Pharmaceutical Martin Shkreli, tuyên bố sẽ nâng giá thuốc điều trị HIV Daraprim lên gần 5.000%, đã biến giá thuốc kê đơn thành một vấn đề chính trị. Gần như ngay sau khi việc tăng giá thuốc Daraprim được công bố, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton giới thiệu một kế hoạch để làm giảm giá thuốc kê đơn, theo đó sẽ sửa luật để chính phủ có thể đàm phán giá trực tiếp với nhà cung cấp thuốc trong chương trình Medicare (tương tự Bảo hiểm Y tế ở Việt Nam). Đối thủ cùng đảng của bà, nghị sĩ Bernie Sanders, gửi một bức thư cho Shkreli yêu cầu giải thích lý do tăng giá thuốc; trong khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump gọi Shkreli là một “đứa trẻ hư hỏng”.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Phản ứng chính sách (CRP) và Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC), các công ty dược nằm trong số những ngành mạnh tay ủng hộ cho cuộc bầu cử đang diễn ra, với số tiền lên tới gần 1 triệu USD tính đến tháng 2-2017. Và ứng viên nhận nhiều tiền ủng hộ của các công ty dược nhất chính là bà Clinton, nhận 336.416USD, chiếm hơn 1/3 tổng số tiền quyên góp của ngành dược cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ứng viên nhận nhiều thứ hai là Jeb Bush, nhưng ông này chỉ nhận chưa tới một nửa so với bà Clinton. Ông Trump là người nhận ít nhất, với 1.010USD, chỉ đủ mua 1 viên Daraprim.

Các nhà hoạt động vì AIDS trong một cuộc biểu tình phản đối giá cả dược phẩm, ở phía trước tòa nhà văn phòng của Turing tại New York.

Ngành dược đứng thứ 15 trong những ngành “quảng đại” nhất trong việc ủng hộ cuộc bầu cử 2016, trong khi ngành y tế nói chung là ngành rộng tay thứ 3 trong việc đóng góp cho bầu cử năm 2016, với tổng cộng 9,5 triệu USD đã đóng góp tính đến tháng 2. Bà Clinton là người nhận nhiều đóng góp nhất trong nhóm này, với hơn 3,5 triệu USD. Ứng viên nhận nhiều thứ hai là Ted Cruz, với 1,1 triệu USD. Tuy nhiên, những đóng góp này không bao gồm những khoảng tiền các công ty dùng để lobby Quốc hội. Thí dụ, đại gia dược phẩm Pfizer đã chi hơn 10 triệu USD cho các nỗ lực lobby vào năm 2016.

Các hãng dược chi 51 triệu USD cho các chính trị gia trong cuộc bầu cử liên bang năm 2012, và gần 32 triệu USD trong cuộc bầu cử năm 2014, theo CRP. Gã khổng lồ Pfizer đứng vị trí số 1 trong các công ty dược đóng góp cho cuộc bầu cử liên bang năm 2014, với 1,5 triệu USD; kế đó là Amgen với 1,3 triệu USD và McKesson Corp với 1,1 triệu USD. Cả 3 công ty này đều ủng hộ các chính trị gia Cộng hòa nhiều hơn Dân chủ trong năm đó.

1 triệu USD là số tiền khổng lồ, nhưng thật chẳng thấm thía gì với lương hàng năm của các CEO của các công ty này. Chẳng hạn, CEO Pfizer Ian Read lãnh lương hơn 23 triệu USD năm 2014, còn CEO Amgen Robert Bradway nhận 14 triệu USD, theo tạp chí ngành dược FiercePharma.

Hơn cả dầu khí và vũ khí

Theo thống kê của CRP, top 20 công ty dược lớn nhất Mỹ và 2 liên đoàn lớn nhất ngành dược ở nước này là Pharmaceutical Research and Manufacturers of America (PhRMA) và Biotechnology Industry Organization (BIO) đã lobby với ít nhất 1.600 luật định từ năm 1998-2004. Các công ty dược của Mỹ chi 900 triệu USD cho hoạt động lobby từ năm 1998-2005, cao hơn tất cả các ngành khác. Trong cùng kỳ, họ đóng góp 89,9 triệu USD cho các ứng viên liên bang và các đảng phái chính trị, trong đó ủng hộ các đảng viên Cộng hòa nhiều gấp 3 lần các đảng viên Dân chủ.

Theo Trung tâm Liêm chính Công (CPI), từ tháng 1-2005 đến 6-2006, ngành dược chi xấp xỉ 182 triệu USD cho hoạt động lobby liên bang. Ngành công nghiệp này có 1.274 nhà lobby (lobbyist) có đăng ký ở Washington D.C. Còn theo dữ liệu của OpenSecrets.org, dược là ngành chi mạnh tay nhất để gây ảnh hưởng đối với các nhà làm luật, với tổng cộng 2,6 tỷ USD từ năm 1998-2012. Để so sánh, ngành dầu khí và các hiệp hội của họ chi 1,4 tỷ USD để lobby Quốc hội trong cùng thời gian, trong khi ngành quốc phòng và hàng không chỉ chi 662 triệu USD, bằng 1/4 con số của ngành dược.

PhRMA đã chi gần 150 triệu USD cho hoạt động lobby kể từ năm 2008, đứng thứ 6 trong số những tổ chức chi tiền cho lobby nhiều nhất Mỹ. 9 tháng năm 2015, liên đoàn này đã chi hơn 10 triệu USD lobby. Pfizer nằm trong số 25 công ty chi lobby nhiều nhất Mỹ, với 94 triệu USD kể từ năm 2008 và 8,5 triệu USD chỉ trong năm 2014.

Các hãng dược cũng chi tiền để lobby đi lobby lại việc ngăn chặn chính phủ đàm phán giá trực tiếp trong chương trình Medicare. Các nhà lobby ngành dược từ lâu đã lớn tiếng chống lại kế hoạch đàm phán giá của bà Clinton đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống, cho rằng nó “đóng cửa đối với sáng tạo và làm đình trệ những chương trình nghiên cứu chống lại những căn bệnh mà người bệnh sợ hãi nhất”.

Chiến tích lẫy lừng

Một trong những “chiến tích” vẻ vang nhất của các lobbyist ngành dược là việc thông qua Đạo luật Cải thiện và hiện đại hóa thuốc kê đơn (MPDIMA) năm 2003. Đạo luật này ngăn cản chính phủ trực tiếp đàm phán giá với các công ty dược cung cấp những loại thuốc theo toa cho chương trình Medicare. Thay vào đó, việc đàm phán giá cả được tiến hành giữa nhà sản xuất và các nhà quản lý lợi ích dược đang cung cấp theo hợp đồng với Medicare. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội năm 2010, mức giảm giá trung bình các nhà quản lý lợi ích dược đàm phán ở mức 14%.

CEO hãng dược Turing Pharmaceutical - Martin Shkreli.

Theo CRP, từ đầu năm 2003, khi MPDIMA đang trong giai đoạn thai nghén, các công ty dược đã chi rất mạnh tay để vận động cho đạo luật này. Từ tháng 1-2003, các nhà sản xuất thuốc và bán sỉ đã chi 147,5 triệu USD cho các nghị sĩ và ứng viên tổng thống. Trong đó, 62% rơi vào túi các chính trị gia Cộng hòa hoặc bảo thủ, số còn lại vào các đảng viên Dân chủ. 

4 đại biểu hoặc cựu đại biểu Quốc hội đã nhận tổng cộng hơn 1 triệu USD tiền lobby của ngành dược gồm có: Richard Burr (1,3 triệu USD), cựu Chủ tịch Hạ viện John Boehner (1,2 triệu USD), Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch (1,1 triệu USD) và Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Fred Upton (1 triệu USD).

Theo Đánh giá giá thuốc (MPRB) hàng năm của Chính phủ Canada, giá thuốc ở Mỹ tăng bình quân 8%/năm trong giai đoạn 2006-2011, trong khi ở Canada hầu như không tăng. Năm 2006, giá thuốc ở Mỹ cao hơn 70% so với Canada; năm 2011, khác biệt này lên tới 100%. 

Theo Reuters, giá thuốc trị ung thư ở Mỹ đắt hơn 600 lần so với các nước khác. Lý do khiến giá thuốc kê đơn ở Mỹ đắt đỏ vẫn là điều gây tranh cãi. Các công ty dược biện minh họ phải tốn kém nhiều chi phí cho các chương trình nghiên cứu và phát triển, nhưng các nhà chỉ trích cho rằng việc phát triển thuốc mới chỉ chiếm một phần nhỏ lợi nhuận.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chính phủ được quyền đàm phán giá thuốc trong chương trình Medicare, người đóng thuế ở Mỹ đã tiết kiệm được tới 156 tỷ USD trong thập niên qua.

Vĩnh Cẩm
.
.
.