Ukraine - Nga cải tổ lực lượng Cảnh sát

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:30
Quyết định có hiệu lực từ ngày 7/7/2015 của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Aresen Avakov thực sự khiến dư luận quan tâm. Bởi ông Aresen Avakov đã cho 625 người - toàn bộ số nhân viên của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Donetsk "về nhà đuổi gà" và chỉ những ai vượt qua đợt sát hạch sắp tới mới tiếp tục "đội mũ đeo sao".

Bộ trưởng Aresen Avakov cho biết, một trong những người đưa ra sáng kiến kể trên là Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Donetsk Vyacheslav Abroskin - để tiếp tục công vụ, tất cả những nhân viên bảo vệ pháp luật đều phải trải qua sát hạch.Từ "tiêu chuẩn Mỹ" của cảnh sát Ukraine

Bộ trưởng Aresen Avakov đưa ra quyết định kể trên sau khi chính quyền Kiev tổ chức lễ xuất quân cho hơn 2.000 nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra và giám sát giao thông. Những cảnh sát này sẽ đảm nhiệm việc tuần tra trên các xa lộ và đường phố ở thủ đô Kiev. Sau đó, các đơn vị tương tự sẽ được thành lập tại các thành phố lớn khác như Odessa, Kharkov hay Lviv.

Điều đáng nói là sự xuất hiện hôm 4/7 của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko và Đại sứ Mỹ Geoffrey Pyatt tại lễ tuyên thệ nhận nhiệm vụ ở thủ đô Kiev của hơn 2.000 nhân viên cảnh sát do Mỹ huấn luyện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi chính quyền Kiev đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát "tiêu chuẩn Mỹ" và họ được đào tạo, huấn luyện theo tài trợ của Washington - Mỹ đã viện trợ 15 triệu USD để Ukraine cải tổ lực lượng cảnh sát.

Tổng thống Petro Poroshenko tại lễ tuyên thệ của hơn 2.000 nhân viên cảnh sát.

Phát biểu trước hơn 2.000 nhân viên cảnh sát, Tổng thống Petro Poroshenko nhấn mạnh: "Các bạn là bằng chứng sống cho sự thay đổi cơ bản của Ukraine và "vùng nguy hiểm" của cảnh sát không phải nơi có tiếng súng, mà là nơi có tiếng sột soạt của những tờ giấy bạc (ám chỉ những người phạm luật giao thông thường hối lộ cho cảnh sát)". Đồng thời mong muốn dùng cảnh sát "tiêu chuẩn Mỹ" để diệt nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Được biết, số cảnh sát kể trên được tuyển chọn nghiêm ngặt từ 33.000 hồ sơ dự tuyển và được lực lượng cảnh sát Mỹ trực tiếp huấn luyện, với tỉ lệ cứ 5 người thì có 1 nữ cảnh sát. Theo lời một tân cảnh sát cho biết, bộ đồng phục mới rất thoải mái bởi được tráng một lớp Teflon và không thấm nước - bạn sẽ không thấy nóng trong mùa hè và lạnh trong mùa đông.

Những nhân viên cảnh sát hiện nay buộc phải tham gia những cuộc sát hạch nghiêm ngặt trước khi được chọn lại. Theo giới truyền thông, chính quyền Kiev đang tiến hành "thay máu" lực lượng cảnh sát. Và cuộc cải tổ trong lực lượng do Thứ trưởng Nội vụ Eka Zgouladze, một người gốc Gruzia chỉ đạo.

Bà Eka Zgouladze là người đứng đầu cuộc cải cách, được đánh giá là thành công trong lực lượng cảnh sát Gruzia dưới thời Tổng thống Mikhail Saakachvili. Còn người đứng đầu lực lượng cảnh sát tuần tra mới được thành lập hôm 4-7 là một cựu chỉ hưu mới 28 tuổi của tiểu đoàn từng tham gia chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine.

Tới những quyết định mạnh tay của Nga

Theo tờ Business Insider, Tổng thống Nga Putin đã sa thải gần 20 tướng, trong đó có Trung tướng cảnh sát Sergey Lavrov, cùng người đứng đầu cơ quan quan hệ truyền thông thuộc Bộ Nội vụ, ông Andrei Pilipchuk. Và quyết định kể trên diễn ra chỉ một ngày trước lễ duyệt binh Ngày chiến thắng kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít (9/5).

Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban điều tra Liên bang Nga Vladimir Markin cho biết, Trung tướng Alexander Reimer, cựu Cục trưởng Tổng cục giam giữ liên bang, thuộc Bộ Nội vụ đã bị bắt hôm 31-3 và chính thức bị buộc tội "rút ruột" công quỹ 51 triệu USD trong khoản tiền mua vòng đeo chân điện tử (để kiểm soát đối tượng phạm pháp bị quản thúc tại gia và với những người bị tuyên án, nhưng không phải ở tù) trong giai đoạn 2009-2012.

Được biết, số vòng đeo chân điện tử mua về sử dụng đã bị đội giá gấp nhiều lần: vòng cố định 19.000 rub/vòng, thành 108.000 rub/vòng, còn vòng di động có giá 19.000 rub/vòng, bị đội tới 128.000 rub/vòng.

Theo giới truyền thông, kể từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ (22/5/2012), ông Vladimir Kolokoltsev đã tiến hành cải tổ khá sâu rộng lực lượng cảnh sát. Và quyết định đầu tiên của Bộ trưởng Vladimir Kolokoltsev là sa thải Thứ trưởng, Thượng tướng Aleksandr Smirny, người phải chịu trách nhiệm chính trong nỗ lực cải tổ Bộ Nội vụ.

Ông Aleksandr Smirny từng được cựu Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliev giao trọng trách cải tổ theo sáng kiến của Thủ tướng Dmitri Medvedev khi đó là Tổng thống. Theo quyết định cải tổ của ông Dmitry Medvedev, kể từ 1/8/2011, lực lượng cảnh sát đổi tên để lấy lại danh tiếng sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến hoạt động tội phạm của nhân viên cảnh sát biến chất, tham nhũng, cũng như năng lực nghiệp vụ yếu kém.

Ông Dmitry Medvedev từng ký sắc lệnh sa thải 3 quan chức cấp cao Bộ Nội vụ, đó là Đại tá cảnh sát Alexander Blagov, Cục trưởng Cục đảm bảo trật tự xã hội của Moskva, Thiếu tướng cảnh sát Musa Medov, thanh tra chính của Bộ Nội vụ và Thiếu tướng cảnh sát Alexander Frolov, Phó Cục trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Nội vụ. Trước đó, ông đã phê chuẩn (7/2/2011) bộ luật cải tổ lực lượng cảnh sát (có hiệu lực từ 1/3/2011) và tới ngày 1/1/2012, khoảng 20% cảnh sát bị tinh giảm so với mức hiện tại.

Ngày 31/8/2010, ông Dmitry Medvedev đã cách chức 3 tướng thuộc Bộ Nội vụ. Đó là Thượng tướng Iskandar Galimov, Cục trưởng Cục Truy nã hình sự và 2 "phó tướng" là Thiếu tướng Vitaly Nabokov và Thiếu tướng Andrei Florinski. Điều đáng nói là việc cách chức 3 tướng diễn ra chỉ mấy ngày sau vụ 4 sỹ quan của Bộ Nội vụ ngang nhiên bắt cóc người giữa thanh thiên bạch nhật hôm 28-8-2010 ở Moskva vì lý do cá nhân.

Người dân từng bàn luận về tin đồn "Cảnh sát và liên minh ma quỷ" cho dù Nga đã thi hành nhiều biện pháp mạnh tay nhằm tẩy rửa những vết nhơ trong lực lượng cảnh sát. Dư luận từng xôn xao về vụ tham nhũng tại Bộ Nội vụ liên quan đến hàng chục nghìn áo giáp chống đạn mua cho cảnh sát với giá cao. Dư luận cũng từng quan tâm tới công bố của tổ chức phi chính phủ InDem Foundation ở Moskva khi cho rằng, trung bình mỗi năm người dân phải chi tới 318 tỷ USD để "lo lót" cho cảnh sát. Có người cho rằng, tham nhũng ở Nga đã thành một "quy tắc ứng xử trong xã hội".

Quỳnh Trang - Tuấn Cường
.
.
.