Những mẩu chuyện ngoài trang báo

Thứ Sáu, 01/11/2019, 13:18
Công tác xã hội - từ thiện được duy trì trong hàng chục năm qua trở thành nét riêng của Báo CAND. Có việc đã được phản ánh nhưng cũng có việc chưa được nói, ít người biết vì nằm ngoài trang báo...


Báo Công an nhân dân (CAND) đã bước sang năm thứ 74 kể từ ngày phát hành số đầu tiên 1 tháng 11 năm 1946. Bạn đọc trong nước và cả ở ngoài nước đã khá quen thuộc với Báo CAND cùng các ấn phẩm Chuyên đề An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ công an và CAND online. Song hành với việc phát hành báo là công tác xã hội - từ thiện.

Những phần quà thiết thực, nghĩa tình trong những ngày lễ, tết, trong những đợt thiên tai hay những chiếc xe đạp và dụng cụ học tập của học sinh nghèo hiếu học, học sinh dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi luôn được đón nhận cùng tình cảm ấm áp của nhũng người làm Báo CAND và các nhà hảo tâm. Công tác xã hội - từ thiện được duy trì trong hàng chục năm qua trở thành nét riêng của Báo CAND. Có việc đã được phản ánh nhưng cũng có việc chưa được nói, ít người biết vì nằm ngoài trang báo.

Quỹ "Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo CAND được thành lập từ năm 2007. Hơn 10 năm qua, quỹ đã nhận được hàng chục tỷ đồng tài trợ của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Số tiền ấy được chuyển hết cho mọi đối tượng học sinh nhưng nhiều nhất là học sinh dân tộc thiểu số. 

Ngoài học bổng, máy tính, dụng cụ học tập, còn có hàng ngàn chiếc xe đạp loại tốt nhất được trao đến các học sinh. Chiếc xe đạp do quỹ bảo trợ của báo trao tặng trở thành người bạn đường nâng bước các em đến trường. Có em đi học về, mỗi ngày lau chùi xe cẩn thận, sạch sẽ rồi mang lên giường ngủ.

Thiếu tướng Phạm văn Miên, Tổng Biên tập báo CAND nhận đóng góp của các nhà hảo tâm tại Bữa tiệc từ thiện.

Một lần, nhân năm học mới, chúng tôi tổ chức trao quà cho học sinh dân tộc Chăm tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Buổi trao quà hôm ấy có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và trực tiếp trao quà. 

Khi công bố danh sách học sinh nhận xe đạp, một em gặp các thầy cô xin không nhận xe. Đây là học sinh dân tộc học giỏi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hỏi ra mới biết, 2 năm trước em cũng là học sinh giỏi và được nhận chiếc xe đạp của Báo CAND. Chiếc xe ấy nay vẫn còn đi tốt. Em xin nhường lại cho một bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng không phải là học sinh giỏi nên không được chọn trao quà đợt này.

Đề xuất của em được chấp nhận. Sự chân thật và tấm lòng của em học sinh thật đáng trân trọng. Phát biểu tại buổi trao xe đạp cho học sinh hôm ấy, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao ý nghĩa giáo dục của quỹ "Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo CAND ".

Khi cùng Báo CAND và các doanh nghiệp trao xe đạp cho các em học sinh, tôi thấy trong mắt các em lấp lánh niềm vui. Và, khi các em dắt xe ra cửa, phụ huynh đứng bên ngoài đón các em với nụ cười tươi. Thật ấm lòng. 

Tôi đã nhiều lần phát biểu với các cháu rằng, làng quê mình còn nghèo, gia đình các cháu còn khó khăn, đường đến trường của các cháu hôm nay còn chông chênh, vất vả. Vì vậy, các cháu cần phải cố gắng học tập. Chỉ có học tập tốt, có kiến thức sâu rộng thì mới mong sau này đổi đời. Các cháu có trí tuệ, mới có thể giúp quê hương mình thoát nghèo, làng xóm mình sung túc. Hôm nay, cô chú trao cho các cháu chiếc xe đạp để giúp các cháu rút ngắn đoạn đường đến trường, tiếp thêm niềm tin cho các cháu... 

Tôi được biết có cháu nhận được xe đạp của quỹ bảo trợ của Báo CAND đã hết sức giữ gìn để dùng được lâu. Có cháu khi được xét tặng xe đạp lần thứ hai, đã tự nguyện xin nhường cho bạn khác. Tinh thần đó thật đáng quý. 

Tôi cảm ơn các cháu dù nhỏ tuổi nhưng biết tự trọng, có ý chí cầu tiến vượt qua khó khăn, vất vả đến trường. Tôi cảm ơn các phụ huynh dù cuộc sống khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, vẫn cắn răng chịu đựng, làm thuê, làm mướn, dành dụm từ thu nhập ít ỏi cho con đi học. Nhiều lần đến trao quà ở các tỉnh miền núi, tôi được nghe kể về những thầy cô miền xuôi lên dạy cho học sinh, thật cảm động. 

Tôi cảm ơn thầy cô giáo dám từ bỏ những tiện ích vật chất ở phố thị để đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vào tận các bản làng để mang con chữ đến với học sinh. Các thầy cô ấy thật xứng đáng được xã hội tôn vinh... 

Quỹ “Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo CAND đã làm được những việc có ý nghĩa giáo dục rất tốt. Báo CAND cần phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục là nhịp cầu tin cậy, kết nối những tấm lòng nhân ái đến với học sinh nghèo ở mọi miền đất nước".

Chương trình "Tết vì người nghèo" của Báo CAND đã bước qua năm thứ 22. Ở phía Nam, để có nguồn kinh phí thực hiện chương trình, Báo CAND có sáng kiến làm "Bữa tiệc từ thiện" để quyên góp tài trợ của các nhà hảo tâm. Danh sách những tấm lòng vàng đến với "Bữa tiệc từ thiện" ngày càng dài. 

Số tiền đóng góp của các doanh nghiệp trong các bữa tiệc cũng nhiều hơn. Điều đáng trân trọng là sự tin tưởng của các doanh nghiệp dành cho Báo CAND khi tham gia các chương trình xã hội - từ thiện.

Các nhà hảo tâm tham gia đóng góp tại Bữa tiệc từ thiện Báo CAND.

Anh Võ Văn Chương, một doanh nghiệp tư nhân ở Nhà Bè bày tỏ: "Tôi đóng góp với Báo CAND, tham gia các hoạt động từ thiện vì thấy Báo luôn rõ ràng, minh bạch trong mỗi chương trình. Tôi tin đóng góp của tôi cùng các anh chị em khác được Báo chuyển đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng thời điểm". 

Anh Chương đã có gần 10 năm "góp sức" đáng kể trong các chương trình của Báo CAND nhưng hầu như anh không xuất hiện tại các chương trình trao quà. Anh "khoán trọn niềm tin" vào Báo CAND.

"Bữa tiệc từ thiện" tại TP Hồ Chí Minh thường được tổ chức vào đầu tháng Chạp, để kịp làm quà tết chuyển đến các địa phương. Lâu dần thành thông lệ, cứ gần đến tết, anh chị em doanh nghiệp lại nhớ đến bữa tiệc đặc biệt của Báo CAND. 

Có lần vì bận chuyên môn, chúng tôi chưa kịp thông tin thời gian tổ chức bữa tiệc, anh chị em doanh nghiệp lại điện thoại hỏi thăm "năm nay báo có làm tiệc từ thiện không?", "Chừng nào làm tiệc từ thiện vậy anh?". Có người dường như trách móc "năm nay không thấy Báo mời tham gia từ thiện”... Chúng tôi phải xin lỗi, giải thích, tiện thể mời doanh nghiệp tham gia.

Chúng tôi thường chọn địa điểm tổ chức "Bữa tiệc từ thiện" tại nhà hàng 241, số 45 đường Phạm Viết Chánh, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ông chủ nhà hàng là anh Ngô Bửu Khánh, cán bộ công an nghỉ hưu. Anh Khánh cùng anh Lê Danh, anh Phạm Thiện... là những hạt nhân đầu tiên gầy dựng nên bữa tiệc từ thiện này. 

Năm nào anh Khánh cũng góp vài chục triệu cho chương trình. Anh còn kêu gọi các chiến hữu ủng hộ quà tết cho bà con nghèo. Khi tổ chức bữa tiệc, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp ở các tỉnh xa cũng sắp xếp về dự để góp sức cùng ban tổ chức. Có người từ tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, có người từ Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai về dự...

Mọi người ủng hộ bằng tiền mặt, có người góp dăm ba triệu, có người chỉ vài trăm ngàn. Số tiền ủng hộ tăng dần từ vài chục triệu lên vài trăm triệu, rồi một tỷ, hai tỷ mỗi năm. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND đã có lần phát biểu: "Tôi cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã tham gia các chương trình xã hội - từ thiện của Báo CAND, đặc biệt là "Bữa tiệc từ thiện" này. 

Những đóng góp của các bạn mang đến ngày xuân ấm áp cho bà con nghèo ở mọi miền đất nước. Mỗi sự đóng góp của các bạn dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít đều đáng trân trọng, đáng ghi nhớ. Nhưng, cao hơn hết đó còn là cái tâm của doanh nghiệp, là tình cảm, lòng nhân ái của các doanh nghiệp đối với đồng bào nghèo...".

Những chương trình xã hội - từ thiện của Báo CAND đã được nuôi dưỡng bằng tình cảm và tấm lòng hảo tâm. Lòng nhân ái được khơi gợi đúng lúc, đúng chỗ đã tạo nên dòng chảy, mang đến niềm tin cho con người.

Cuối năm 2006, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an về việc vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp chăm lo cho học sinh nghèo, nhất là học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Báo CAND đã tiến hành các bước chuẩn bị để thành lập quỹ "Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo".

Ngày 10-3-2007, quỹ chính thức ra mắt, đi vào hoạt động. Quỹ do Báo CAND quản lý, đồng chí Tổng Biên tập Báo CAND làm Chủ tịch. Đồng chí Trương Hòa Bình và đồng chí Ksor Phước (nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) là Chủ tịch danh dự.

Hơn 10 năm hoạt động, quỹ đã vận động gần 20 tỷ đồng, quy thành những phần quà có giá trị vật chất lẫn tinh thần được Báo CAND chuyển đến hàng chục nghìn học sinh dân tộc, học sinh nghèo trên cả nước.
Kim Thẩm
.
.