Tuyên truyền pháp luật giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Hiệu quả lớn từ những bí quyết giản đơn

Thứ Hai, 06/04/2015, 08:13
Tỉnh miền núi, biên giới Điện Biên có gần 500km quốc lộ, 250km tỉnh lộ và gần 900km liên huyện, liên xã, lượng phương tiện hơn 6.200 xe ôtô, gần 200 ngàn môtô; giao thông phức tạp, chia cắt, hiểu biết pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế nhưng năm 2014, tai nạn giao thông (TNGT) ở địa phương này giảm mạnh cả 3 tiêu chí, đặc biệt lần đầu tiên trong khoảng 10 năm trở lại đây, dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua (9 ngày) không có người tử vong do TNGT...
Bài học từ việc hài hòa giữa luật pháp và luật tục

“Là một tỉnh có đến 82% người dân là bà con dân tộc thiểu số nên đảm bảo TTATGT trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền. Nhưng chúng ta phải có biện pháp, cách thức như thế nào để nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân khi tham gia giao thông mới là quan trọng nhất” – Trung tá Giàng Páo Sính, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên đúc kết.

Trung tá Sính rất tâm đắc khi kể về hiệu quả cũng như một kinh nghiệm hay trong công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông, đó là thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ. Theo Thượng tá Sính, thời điểm Nghị quyết 32 có hiệu lực (12/2007) quy định người điều khiển và ngồi trên môtô phải đội mũ bảo hiểm, các tỉnh miền núi Tây Bắc trong đó có Điện Biên tưởng như rất khó khả thi.

Thói quen tham gia giao thông tùy tiện của khá nhiều người bao năm qua không dễ thay đổi một sớm một chiều, đặc biệt, quy định này “động chạm” đến một tập quán của bà con dân tộc Thái (chiếm khoảng 40% dân số tỉnh Điện Biên), phụ nữ phải “tằng cẩu” (vấn tóc thành búi to trên đỉnh đầu) khi lấy chồng.

Họ chỉ bỏ “tằng cẩu” khi chồng chết hoặc ly dị nên chuyện tham gia giao thông bằng xe máy đội mũ bảo hiểm đối với phụ nữ này quả là một chuyện không tưởng, nhưng bằng nhiều biện pháp, lực lượng Công an đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, dần làm thay đổi nhận thức của bà con.

“Chị em phụ nữ từ lúc không chấp hành hoặc đội mũ kiểu đối phó đã chấp nhận “xuống tóc”, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Lực lượng CSGT đã thực hiện hài hòa giữa luật pháp và luật tục để không xảy ra tình trạng “Phép vua không thể thua lệ bản”. Thành công này để lại nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền của lực lượng CSGT Công an tỉnh Điện Biên” – Đại tá Lò Văn Khụt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Cán bộ Công an tỉnh Điện Biên xuống tận bản tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân.

Già làng cũng là những tuyên truyền viên tích cực

Trung tá Giàng Páo Sính là người dân tộc Mông từng giữ cương vị Trưởng Công an huyện ngã ba biên giới xa xôi, khó khăn bậc nhất Mường Nhé nên anh am hiểu tình hình địa bàn, phong tục tập quán địa phương, có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi được điều động về Phòng CSGT, việc đầu tiên Trung tá Sính cùng các đồng sự bắt tay vào xây dựng đề án: “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về Luật GTĐB cho bà con dân tộc thiểu số ở Điện Biên”.

Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp đổi mới nội dung và hình thức công tác tuyên truyền. Ban Giám đốc Công an tỉnh trước đó đã tăng cường gần 20 cán bộ chiến sĩ là người dân tộc thiểu số hoặc thông thạo tiếng dân tộc về Phòng CSGT và Đội CSGT Công an các huyện, thị xã và thành phố. Đội ngũ này được tập huấn, trang bị các kỹ năng tuyên truyền, dân vận.

Bí quyết tuyên truyền của lực lượng CSGT Điện Biên đơn giản nhưng thiết thực. “Xưa nay chúng ta tuyên truyền theo kiểu tập hợp bà con về để cán bộ nói chuyện hiệu quả không cao. Lực lượng CSGT đã thành lập các đội công tác xuống tận bản, vào tận nhà để tuyên truyền cho bà con. Nhân các buổi họp dòng họ, đám cưới tụ tập đông người, cán bộ đến dự, kết hợp tuyên truyền và mở băng hình bằng tiếng dân tộc, sau đó phát cho bà con các đĩa VCD để họ tiếp tục mang về nhà xem, hiệu ứng rất tích cực” – Trung tá Bùi Văn Thanh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền – điều tra, xử lí tai nạn cho biết.

Một cách thức được xem là cũng khá hiệu quả là lực lượng CSGT phối hợp với Công an huyện vùng cao tổ chức chiếu phim lưu động tại các chợ phiên. Những phiên chợ phiên ở Tả Xìn Thàng, Lao Xả Phình (Tủa Chùa), chợ phiên Pá Miếu, Sín Thầu (Mường Nhé) những phóng sự, clip ATGT bằng tiếng dân tộc thu hút hàng chục ngàn lượt người xem đã góp phần tác động, nâng cao nhận thức cho bà con khi tham gia giao thông.

Một kinh nghiệm hay lực lượng CSGT Công an tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả chính là phát huy, tranh thủ già làng, người có uy tín tham gia vào “trận tuyến” đảm bảo TTATGT. Hiện nay ở Điện Biên đang có hơn 1.400 già làng, người có uy tín. Đây là những người có tiếng nói quan trọng trong việc thực hiện các quy định, hương ước, pháp luật ở địa phương. Việc các già làng, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động con cháu, dòng họ, làng bản mình chấp hành nghiêm Luật GTĐB đã góp phần cộng hưởng sức mạnh, tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.

Ông Giàng Sáy Tủa, một bậc cao niên ở bản Huổi Bon, xã Pa Ham, huyện Mường Chà cho biết: “Bản Huổi Bon nằm giáp quốc lộ 6 nhưng cùng với cán bộ CSGT chúng tôi vào tận các gia đình tuyên truyền, vận động nên 100% người dân không vi phạm Luật GTĐB. Từ nhiều năm nay chấm dứt hẳn tình trạng thanh niên rượu chè điều khiển xe máy. 5 năm qua, cả bản không có ai vi phạm bị xử lý, không có TNGT”.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, Điện Biên là một trong số ít địa phương không có người tử vong do TNGT…

Năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền tại 609 cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cụm dân cư với 44.805 lượt người tham gia, tặng 314 mũ bảo hiểm, phát 18.524 tờ rơi, 284 phóng sự, clip, đĩa CD, VCD tuyên truyền, trưng bày 29 panô ảnh cảnh báo về TNGT cho bà con dân tộc thiểu số; nhắc nhở 43.268 lượt lái xe ôtô tại các khu vực đèo dốc chú ý phòng ngừa TNGT xảy ra. Lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện và lập biên bản: 28.726 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2013, số phương tiện vi phạm giảm 23%.
Phan Thị Kim Thoa
.
.